ĐHĐCĐ TPP: Chấp thuận để Nhựa Đồng Nai thâu tóm, “thay máu” dàn lãnh đạo
ĐHĐCĐ thường niên 2016 của CTCP Nhựa Tân Phú (HOSE: TPP) diễn ra sáng ngày 17/03 đã thông qua việc cho CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP) mua cổ phần sở hữu 51% - 75% vốn và bầu thay thế gần như toàn bộ HĐQT và BKS.
ĐHĐCĐ thường niên TPP sáng ngày 17/03
|
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT TPP, hiện máy móc thiết bị của Công ty đang rất lạc hậu (70% - 80% là máy móc nhập từ Trung Quốc), một số khách hàng đến thăm và tỏ ra rất bất ngờ với việc TPP còn sử dụng các máy móc lạc hậu này. Do vậy, việc cấp bách là phải đầu tư thay thế thiết bị máy móc hiện đại hơn và đây là lý do TPP cần một cổ đông lớn giống như DNP.
Đã từ lâu DNP và TPP có mối quan hệ hợp tác trong sản xuất ống nước, từ năm 2012, DNP đã đề xuất việc đầu tư vào TPP nhưng HĐQT chưa đồng thuận. Ông Hùng chia sẻ hiện nay việc đầu tư mới được thúc đẩy đã là muộn rồi nhưng cả hai bên xác định muộn còn hơn không.
Mở đầu trong việc hợp tác đôi bên sẽ là sản xuất phụ tùng ống nhựa, riêng việc mua khuôn mẫu đã dự chi lên đến 100 tỷ đồng, với số vốn hiện nay của TPP 60 tỷ là không phù hợp. Khi DNP trở thành công ty mẹ thì sẽ tăng đầu tư giúp TPP tăng vốn.
Đối với DNP, việc có TPP sẽ giúp tự chủ được nguồn phụ tùng cho sản phẩm ống nước, với đặc thù cạnh tranh của ngành nhựa như hiện nay DNP rất khó để tìm ra đơn vị cung cấp phụ tùng này. Đây là vấn đề nan giải mà DNP phải tìm hướng giải quyết bao năm qua.
Đi kèm với việc cho phép DNP sở hữu từ 51% đến 75% vốn thì 5/7 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS hiện tại cũng đã có đơn từ nhiệm vì lý do riêng và cũng vì đã thoái toàn bộ vốn tại TPP. Do 5 thành viên HĐQT từ nhiệm nhưng chỉ có 3 ứng cử bầu bổ sung nên HĐQT của TPP giảm xuống còn 5 thành viên.
Cụ thể, 3 ứng viên mới đều đến từ Nhựa Đồng Nai gồm ông Vũ Đình Độ - Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Tổng giám đốc và ông Ngô Đức Vũ – Tổng giám đốc. Còn 3 thành viên BKS bầu mới gồm ông Trần Kim Dũng, ông Trịnh Kiên và bà Võ Thị Minh Ý.
Đại hội đã bỏ phiếu bầu các ứng cử trên vào HĐQT và BKS. Đồng thời, HĐQT mới cũng bầu ông Độ làm Phó Chủ tịch HĐQT, BKS mới bầu ông Trịnh Kiên làm Trưởng Ban kiểm soát TPP (vốn là thành viên Ban kiểm soát của DNP).
Hai thành viên HĐQT cũ còn tại nhiệm là ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT và ông Lê Viết Hùng – Tổng giám đốc.
Hụt thu từ Tân Phú Sài Gòn, kế hoạch kinh doanh 2016 giảm mạnh
Về tình hình năm 2016, HĐQT đánh giá nền kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, giá dầu vẫn ở mức thấp. Riêng kinh tế Việt Nam bước sang năm 2016 với thông tin dự báo lãi vay ngân hàng có xu hướng tăng là một khó khăn đối với doanh nghiệp. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ký kết nhưng tác động tích cực chưa nhiều và đặt ra sức ép không nhỏ, cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp ngành nhựa ngày càng cao.
Ngoài ra, do từ năm 2016 mối quan hệ của Công ty và Công ty Tân Phú Sài Gòn chỉ còn là mối quan hệ liên kết nên doanh thu và lợi nhuận hợp nhất sẽ bị hụt đi một phần. Theo đó, HĐQT trình và được cổ đông thông qua mục tiêu năm 2016 là doanh thu tối thiểu 550 tỷ đồng, trong đó doanh thu sản xuất công nghiệp tối thiểu 470 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tối thiểu 20% vốn điều lệ, cổ tức 15%. Kế hoạch kinh doanh này đã giảm rất mạnh so với con số doanh thu thuần 872 tỷ và lãi ròng 16.6 tỷ thực hiện năm 2015. TPP dự kiến chia cổ tức 2015 tỷ lệ 18% gồm 10% cổ phiếu và 8% tiền mặt.
Về kế hoạch đầu tư, Công ty dự chi 38.3 tỷ đồng để đầu tư gồm đầu tư mới máy móc thiết bị và khuôn mẫu 15.8 tỷ, đầu tư thay thế 18.5 tỷ và đầu tư xây dựng cơ bản nhà xưởng sản xuất 3.95 tỷ đồng.
Ngoài ra, TPP cũng đẩy mạnh việc tìm đối tác hợp tác và lập phương án đầu tư đất lại 314 Lũy Bán Bích, di dời nhà xưởng và chuyển đổi công năng. Khu đất tại 314 Lũy Bán Bích rộng 6,300 m2, hiện Công ty đang quản lý sử dụng theo hình thức trả tiền thuê hằng năm. Khu vực này được quy hoạch là khu dân cư nên việc di dời là tất yếu. Công ty dự định lựa chọn khu công nghiệp Hiệp Phước là điểm đến cho việc di dời xưởng./.
|