Thứ Ba, 15/03/2016 14:15

ĐHĐCĐ thường niên 2016 SFN: Điệp khúc di dời nhà máy bao giờ mới kết thúc?

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, HĐQT CTCP Dệt lưới Sài Gòn (HNX: SFN) cho biết việc di dời nhà máy đến nay vẫn còn kéo dài chưa thực hiện được bởi phải đợi quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc cấp đất ở Củ Chi.

ĐHĐCĐ thường niên 2016 sáng ngày 15/03

Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, HĐQT đã trình và được cổ đông thông qua phương án di dời nhà máy đến huyện Củ Chi theo yêu cầu của UBND TPHCM. Trước đó nữa vào thời điểm ĐHĐCĐ năm 2008, việc di dời cũng đã được thông qua với địa điểm là khu công nghiệp Tân Đô, Đức Hòa, Long An. Song, qua khảo sát và tính toán chi phí đầu tư, HĐQT nhận thấy chi phí đầu tư vượt quá khả năng tài chính Công ty nên đã dừng đầu tư và thu hồi số tiền đã đầu tư vào cuối năm 2014 và chuyển sang địa điểm khác là Củ Chi.

Theo kế hoạch, lộ trình di dời nhà máy xuống huyện Củ Chi là năm 2016 thực hiện thủ tục hành chính, 9 tháng đầu năm 2017 tiến hành xây dựng nhà máy, 6 tháng tiếp theo tiến hành di dời và lắp đặt dây chuyền sản xuất, bắt đầu từ tháng 4/2018 sẽ đi vào ổn định sản xuất. Song, tại Đại hội, ông Lê Hữu Phước, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc SFN cho biết cuối năm 2014 HĐQT đã gửi đơn xin đất ở Củ Chi và 89 Nguyễn Khoái, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh dưới sự hỗ trợ của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (cổ đông lớn nắm 40% vốn) nhưng đến nay chưa được Ủy ban thành phố đồng thuận. HĐQT vẫn đang cố gắng đẩy nhanh quá trình xin đất, kỳ vọng vào quý 4/2016 có quyết định chính thức và lúc đó sẽ trình cổ đông phương án xây dựng nhà máy mới và di dời cùng với phương án khai thác mặt bằng 89 Nguyễn Khoái, quận 4 tại ĐHĐCĐ bất thường.

Chia sẻ bên lề Đại hội với người viết, ông Phước cho biết việc xây dựng và di dời là một vấn đề lớn, HĐQT sẽ tính toán thực hiện từng phần để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn tiền dự kiến dùng để xây dựng nhà máy mới và di dời là từ nguồn vốn tự có và vay một phần, do quỹ đất Công ty xin là đất sạch nên chi phí sẽ không tốn quá nhiều.

Năm 2016, kế hoạch kinh doanh không tăng trưởng

Theo đánh giá của HĐQT, năm 2016 Công ty có những thuận lợi như lãi suất cho vay ngân hàng tiếp tục ổn định ở mức 8-9%/ năm thuận lợi cho việc vay vốn ngắn hạn mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất - kinh doanh và vay vốn đầu tư máy móc thiết bị - đổi mới dây chuyền công nghệ; tỷ giá tương đối ổn định ngay từ đầu năm, giá xăng dầu ở mức thấp và giá nguyên liệu ổn định.

Tuy nhiên, cơ chế - chính sách tiền lương tối thiểu tiếp tục thay đổi từ ngày 01/01/2016, tăng chi phí trực tiếp của sản xuất. Các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn, trợ cấp thôi việc đều tăng và chi phí thuê mặt bằng sản xuất tăng thêm 10% so với năm 2015.

Dựa trên những yếu tố đó, HĐQT Công ty đưa ra kế hoạch doanh thu 161.9 tỷ đồng, lãi sau thuế 9.5 tỷ đồng; không thay đổi bao nhiêu so với thực hiện năm 2015. Cổ tức dự kiến 16%, giảm nhẹ so với con số 17% năm trước.

Ông Phước cho biết trong quý đầu năm rất thuận lợi, riêng 2 tháng đầu năm đã tạo ra lợi nhuận gấp đôi cùng kỳ năm trước. Song, sắp tới đây thời tiết nắng nóng sẽ làm giảm nhu cầu của ngư dân, nếu thời tiết này kéo dài đến tháng 7 thì sẽ vô cùng khó khăn cho nên Công ty đặt mục tiêu trong quý 1 phải gấp rút thực hiện một phần kế hoạch kinh doanh.

Bên cạnh đó, do SFN xác định sai thuế giá trị gia tăng 5%, trong khi thực tế là 10% trong khoảng thời gian từ 2009 cho đến 2014 nên cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh quyết định thu hồi hơn 2.2 tỷ đồng hoàn thuế, thêm tiền phạt và nộp chậm khoảng 1.2 tỷ đồng. Tổng phải nộp là khoảng 3.4 tỷ đồng và thực hiện ngay trong tháng 2/2016. SFN sẽ tiếp tục làm việc với cục Thuế để xác định thuế suất sau việc truy thu này, bởi việc truy thu ảnh hưởng đến lợi nhuận các năm của Công ty.

Về đầu tư, nhằm thay thế một số máy móc thiết bị cũ, năng suất thấp, chất lượng kém và bổ sung năng lực sản xuất cho năm 2016, Công ty dự chi 10.9 tỷ để đầu tư máy móc thiết bị sản xuất lưới, hệ thống máy phụ trợ khác với 7 danh mục đầu tư.

Ngoài ra, Đại hội cũng tiến hành bầu bà Nguyễn Thị Thúy, Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Phòng TC-KT Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vào HĐQT SFN nhiệm kỳ 2014-2019. Còn ông Hồ Văn Ngon – Chủ tịch HĐQT từ nhiệm theo yêu cầu của cổ đông Nhà nước Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Trong Ban kiểm soát, ông Quang Tường Thụy, Phó Trưởng phòng Phòng Tài chính - Kế toán Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn được bầu thay thế ông Nguyễn Văn Khai từ nhiệm theo yêu cầu thay đổi nhân sự từ cổ đông Nhà nước này. Tuy nhiên, do Ban kiểm soát chỉ có hai người nếu chỉ bầu bổ sung 1 người nên một nhóm cổ đông lớn sở hữu 209 ngàn cp đề cử ông Khai vào lại Ban kiểm soát.

Đại hội thông qua mọi tờ trình và việc bầu cử cũng hoàn thành với kết quả các ứng viên đều trúng cử./.

Các tin tức khác

>   SLS: Báo cáo tài chính năm 2015 (15/03/2016)

>   PVC: Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trên báo cáo tài chính công ty Mẹ - DMC năm 2015 trước và sau kiểm toán (15/03/2016)

>   SD2: Báo cáo tài chính năm 2015 (Công ty mẹ) (15/03/2016)

>   S55: S55_Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (15/03/2016)

>   Thông báo họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 (15/03/2016)

>   PPC: Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 (15/03/2016)

>   SHI: Ngày đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 (15/03/2016)

>   CJC: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016 (15/03/2016)

>   PVG: Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm trước (15/03/2016)

>   PVG: Giải trình Ý kiến của Kiểm toán viên (15/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật