Thứ Ba, 22/03/2016 15:02

"Cục nợ" 9 triệu USD của Kim loại màu Thái Nguyên tại EIB Thái Lan chưa có hồi kết

Xung quanh khoản vay đầy tranh cãi hơn 9 triệu USD của CTCP Kim loại màu Thái Nguyên – TMC (VIMICO) tại EIB Thái Lan, đơn vị này cho biết đang thực hiện các thủ tục để tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm lên Tòa án tối cao Thái Lan giải quyết.

Cụ thể ngày 21/03/2016, Tổng Công ty Khoáng Sản TKV - CTCP (Vinacomin) nhận được báo cáo của CTCP Kim loại màu Thái Nguyên – TMC (VIMICO) kèm theo bản án phán quyết của Tòa án dân sự Thái Lan liên quan đến vụ tranh chấp giữa TMC và Ngân hàng Eximbank (EIB) Thái Lan nhằm giải quyết đơn yêu cầu của TMC đề nghị Tòa án dân sự Thái Lan bác bỏ phán quyết ngày 23/05/2014 của Trọng tài Thái Lan.

Ngày 05/05/2014, TMC nhận được bản sao phán quyết của Viện trọng tài Thái Lan ngày 23/05/2014 đối với vụ việc giải quyết trách nhiệm bảo lãnh khoản tiền vay hơn 9 triệu USD và tiền lãi của Công ty Liên doanh Kẽm Việt Thái (đơn vị liên doanh với TMC) vay EIB Thái Lan. Theo đó, TMC đã không đồng ý và ngày 03/09/2014, Công ty đã đề nghị Tòa án dân sự Thái Lan xem xét hủy phán quyết của Viện trọng tài Thái Lan. Tòa án đã chấp nhận thụ lý giải quyết hồ sơ đề nghị hủy phán quyết trọng tài của TMC. Trong đó gồm 2 nội dung chính:

Thứ nhất, TMC có phải là người thiếu năng lực hành vi pháp lý theo quy định áp dụng đối với bên nguyên đơn hay không?

Theo nội dung tóm tắt bản án của Tòa án dân sự Thái Lan liên quan đến nội dung kháng cáo của TMC về việc thỏa thuận tài trợ không có hiệu lực đối với TMC, do người đại diện của TMC không đủ thẩm quyền ký kết, không có đóng dấu của Công ty… để bác phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, tòa án dân sự Thái Lan đã áp dụng quy định về Luật xung đột giữa các luật năm 1938 của Thái Lan để phán quyết nguyên đơn không thể xem là người chưa đủ năng lực được. Vì vậy không thể bác bỏ phán quyết của Hội đồng trọng tài.

Thứ hai, Tòa án xem xét việc thừa nhận hoặc thực thi theo phán quyết của hội đồng trọng tài là trái với đạo đức, trật tự xã hội hay không?

Theo nội dung này, Tòa án nhận định rằng qua chất vấn của Nguyên đơn và Bị đơn không chứng minh được Phán quyết của Hội đồng trọng tài là trái pháp luật hay có bất kỳ dụng ý nào. Hơn nữa, mâu thuẫn của hợp đồng tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân tự nguyện thỏa thuận với nhau. Không có điều khoản nào của Hợp đồng trái với đạo đức và trật tự xã hội. Vì vậy không có lý do để bác bỏ phán quyết của Hội đồng trọng tài.

Hiện, TMC đã xem xét và đánh giá nội dung bản án sơ thẩm nói trên của Tòa án dân sự Thái Lan và không đồng ý với nội dung này. Qua đó, TMC đang thực hiện các thủ tục để tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm lên Tòa án tối cao Thái Lan giải quyết.

Lật lại lịch sử: Câu chuyện cổ phần hóa nhiều rắc rối của TMC vào năm 2014

Xung quanh khoản vay đầy tranh cãi 9 triệu USD của TMC tại EIB Thái Lan, Báo đầu tư từng đưa tin, vào năm 2014, Kim loại màu Thái Nguyên thực hiện cổ phần hóa và trong bản công bố thông tin đã không đề cập đến khoản vay tại Ngân hàng EIB Thái Lan hơn 9 triệu USD. Đến giữa năm 2015 gốc và lãi đã lên đến xấp xỉ 14 triệu USD. Sau khi IPO (tháng 5/2015), một cổ đông lớn là ông Phạm Thế Vinh đã có đơn kiến nghị lên Vinacomin (Công ty mẹ của TMC) về việc TMC “ỉm” đi số nợ gần 14 triệu USD không đưa vào bản cáo bạch là hành vi vi phạm pháp luật. 

Trong bài báo khác cho hay, vào năm 1995, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên (tên trước cổ phần hóa của TMC) hợp tác với Công ty Teparak International của Thái Lan thành lập Công ty Liên doanh Công nghiệp Kẽm Việt Thái tại Việt Nam nhằm thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột oxit kẽm với vốn pháp định 2.15 triệu USD. Theo cam kết, phía Việt Nam sẽ góp 40% vốn pháp định (tương đương 860,000 USD), nhưng mới góp được 562.6 triệu đồng thì việc thành lập liên doanh tạm dừng.

Năm 2002, Công ty Teparak International đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong liên doanh cho Công ty I.R.D.C Exploration and Mining (một pháp nhân của Thái Lan) để kế thừa thực hiện đầu tư. Tới năm 2001, Kẽm Việt Thái đã ký Hợp đồng tín dụng với EIB Thái Lan và đã được giải ngân khoản vay 9.03 triệu USD.

Do liên doanh này đang lâm vào tình trạng phá sản, không có khả năng hoàn trả khoản vay, ngày 12/8/2012, EIB Thái Lan đã nộp đơn khởi kiện Kim loại màu Thái Nguyên tại Viện Trọng tài Thái Lan để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho Kẽm Việt Thái. Yêu cầu khởi kiện của EIB Thái Lan được đưa ra trên cơ sở nội dung thỏa thuận tài trợ vốn (Funding Agreement) ngày 20/06/2001 được ký kết giữa Kim loại màu Thái Nguyên cùng Công ty I.R.D.C Exploration and Mining với EIB Thái Lan. Theo cam kết đó, nếu Liên doanh không có khả năng hoàn trả khoản vay của EIB Thái Lan, Kim loại màu Thái Nguyên phải liên đới chịu trách nhiệm thay cho Kẽm Việt Thái thanh toán các khoản tiền vay.

Ngày 03/06/2014, Hội đồng trọng tài Thái Lan thông báo ban hành phán quyết TMC phải trả số tiền gần 13.8 triệu USD (gồm tiền gốc, lãi: LIBOR + 4% + phần bổ sung 2% lãi vi phạm hợp đồng kể từ ngày vi phạm) trên số tiền gốc 9.03 triệu USD từ ngày 15/08/2012 cho đến khi thanh toán khoản tiền gốc đầy đủ cho EIB Thái Lan và các chi phí phải trả Trọng tài.

Để thực hiện quyền yêu cầu Tòa án Thái Lan bác bỏ phán quyết theo quy định về thủ tục tố tụng của pháp Luật Thái Lan, ngày 04/08/2014, Vinacomin -  với tư cách là cổ đông (đang chiếm 51%) tại TMC đã chỉ đạo người đại diện quản lý vốn của mình tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên Việt Nam. Điều này là bởi, khi phê duyệt phương án cổ phần hóa TMC, HĐQT Vinacomin đã yêu cầu đơn vị này có trách nhiệm kế thừa và nghĩa vụ với khoản vốn góp vào Kẽm Việt Thái, đồng thời tiếp tục thực hiện vai trò của cổ đông góp vốn trong liên doanh này.

Tranh chấp pháp lý giữa TMC và EIB Thái Lan được xác định là thỏa thuận tài trợ vốn giữa EIB Thái Lan và các bên (trong đó có TMC) do người đại diện theo pháp luật ký thỏa thuận vượt quá thẩm quyền. Theo đó, thỏa thuận tài trợ vốn chỉ có chữ ký của ông Lê Xuân Trường (Giám đốc TMC) và người làm chứng của phía Việt Nam là ông Vũ Xuân Khoát, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinacomin (tại thời điểm năm 2001) vào trang cuối của thỏa thuận, mà không có dấu của TMC, dấu giáp lai hay chữ ký vào tất cả các trang.

Hồ sơ lưu trữ của TMC và Kẽm Việt Thái cũng không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến bản Thỏa thuận tài trợ vốn ngày 20/06/2001 nêu trên. Theo TKV, TMC đã liên hệ và làm việc với các cá nhân có liên quan (ông Lê Xuân Trường và ông Vũ Xuân Khoát) để xác định vấn đề Thỏa thuận tài trợ vốn, nhưng không có thông tin chi tiết gửi nhà đầu tư.

Thỏa thuận tài trợ vốn do ông Lê Xuân Trường (Giám đốc TMC thời điểm năm 2001) ký được cho là vượt quá thẩm quyền gây ảnh hưởng đến hoạt động của TMC và vốn nhà nước. Tại tờ trình số 5584/TTr - TKV ngày 16/10/2014 gửi Bộ Công thương về phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin, Hội đồng Thành viên Vinacomin lại đề nghị “Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên tiếp tục thực hiện nghĩa vụ pháp lý với tư cách là cổ đông góp vốn của Công ty Liên doanh, thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý liên quan phát sinh theo vụ kiện. Công ty mẹ - Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin sẽ thực hiện nghĩa vụ vật chất liên quan đến phán quyết của Viện Trọng tài Thái Lan”. Trong khi đó, trách nhiệm của những người có liên quan đến thỏa thuận tài trợ vốn có thể gây thiệt hại hàng chục triệu USD cho ngân sách nhà nước và cổ đông mua cổ phần của TMC trước đây (nay là cổ đông của Công ty cổ phần Kim loại Màu Thái Nguyên – TMC) không hề được đề cập.

Thông tin từ bản cáo bạch TMC được công bố vào năm 2014:

Theo bản cáo bạch, giá trị thực tế để cổ phần hóa TMC là 500.7 tỷ đồng. Trong đó, nợ thực tế phải trả là 240.9 tỷ đồng gồm 167.6 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 74 tỷ đồng nợ dài hạn.

Bản cáo bạch cũng chỉ rõ tài sản không đưa vào cổ phần hóa gồm tài sản cố định hữu hình, dụng cụ tồn kho không cần dùng; tài sản cố định, công cụ chờ thanh lý; tài sản hình thành từ quỹ khen thưởng phúc lợi với tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng.

Ngoài ra, bản cáo bạch cũng cho biết Công ty có khoản công ty nợ phải thu từ Công ty Liên doanh Công nghiệp Kẽm Việt Thái không có khả năng thu hồi là 24.6 tỷ đồng đã được xử lý theo quyết định của Hội đồng thành viên Vinacomin trước khi xác định giá trị để cổ phần hóa như sau: “Dùng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi đã trích lập là 23.5 tỷ đồng để xóa nợ và hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh năm 2013 của Công ty 1.1 tỷ đồng”. Đồng thời, bản cáo bạch cũng nhắc nhở khoản công nợ này sẽ do CTCP và người chịu trách nhiệm quản lý phần vốn Nhà nước tại Công ty có trách nhiệm theo dõi, nếu thu hồi được thì chuyển trả về cho Nhà nước.

Tài liệu công bố thông tin này cũng cho hay, ngày 17/06/2013, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên đã làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản Kẽm Việt Thái gửi Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn nhưng chưa có Quyết định phá sản của Tòa án. Do đó, khoản tiền đã đầu tư vào Kẽm Việt Thái, số tiền 562.6 triệu đồng (có nguồn gốc USD nên được xác định lại theo quy định là 1 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng 562.6 triệu đồng), CTCP có trách nhiệm kế thừa quyền và nghĩa vụ đối với khoản góp vốn này.


Trích đưa tin của Báo đầu tư khi lý giải việc này, ông Nguyễn Văn Biên - Phó TGĐ Vinacomin cho biết, trong quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa, các thông tin liên quan đến vụ kiện tranh chấp với EIB Thái Lan đã được TMC đưa vào dự thảo. Tuy nhiên, sau khi xem xét nhiều yếu tố liên quan, TMC đã không đưa chi tiết các thông tin về vụ tranh chấp vào bản công bố thông tin. Nguyên nhân, theo ông Biên, vì 3 lý do:

Thứ nhất, vụ kiện tranh chấp với EIB Thái Lan (hơn 13.78 triệu USD cả gốc và lãi) xuất phát từ thỏa thuận tài trợ - một tài liệu mà TMC không thừa nhận. Theo đó, TMC phủ nhận sự tồn tại thỏa thuận tài trợ vốn giữa EIB Thái Lan và các bên (trong đó có TMC).

Thứ hai, tại thời điểm công bố thông tin IPO, vẫn chưa có phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài Thái Lan.

Thứ ba, TMC không có nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận do người đại diện theo pháp luật ký thỏa thuận vượt quá thẩm quyền.

Vinacomin viện dẫn ý kiến của Bộ Tư pháp (tại Công văn số 3090/BTP – PLDSKT ngày 18/4/2013) rằng: “... Thỏa thuận tài trợ vốn ký ngày 20/06/2001 không có dấu của TMC thì không làm phát sinh hệ quả pháp lý đối với TMC và TMC không có nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận;... TMC không có nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận do người đại diện theo pháp luật ký thỏa thuận vượt quá thẩm quyền”...

Vướng mắc ở chỗ, mặc dù phủ nhận sự tồn tại thỏa thuận tài trợ vốn giữa EIB Thái Lan và các bên (trong đó có TMC), nhưng Vinacomin lại yêu cầu TMC nhận trách nhiệm nghĩa vụ pháp lý, Vinacomin sẽ thực hiện nghĩa vụ vật chất liên quan đến phán quyết của Viện Trọng tài Thái Lan./.

Các tin tức khác

>   HBC: BCTC Quý 02.2015 (22/03/2016)

>   SCL: Báo cáo thường niên 2015 (22/03/2016)

>   TC6: Báo cáo tài chính năm 2015 và giải trình (22/03/2016)

>   FMC: BCTC Kiểm toán năm 2015 (22/03/2016)

>   CAP: Báo cáo thường niên 2015 (22/03/2016)

>   SCL: Đính chính Báo cáo tài chính năm 2015 (22/03/2016)

>   SGC: Báo cáo tài chính năm 2015 (22/03/2016)

>   MCC: Báo cáo thường niên 2015 (22/03/2016)

>   TC6: Báo cáo tài chính năm 2015 (22/03/2016)

>   SDC: Báo cáo tài chính năm 2015 (22/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật