Thứ Sáu, 11/03/2016 22:04

Cần thay đổi luật chơi với ngành dầu khí

Trong bối cảnh khó khăn của ngành dầu khí hiện nay, cần phải thay đổi luật chơi giữa ngành dầu khí với các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng Nhà nước chỉ hỗ trợ ngành trên nguyên tắc thị trường.

Cần phải thay đổi luật chơi giữa ngành dầu khí với các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng Nhà nước chỉ hỗ trợ ngành trên nguyên tắc thị trường. Trong ảnh: Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: bsr.com.vn

Thời gian vừa qua chúng ta thấy khá nhiều lần thông điệp “đóng cửa nhà máy”, “đóng mỏ” từ phía ngành dầu khí đưa ra mỗi khi ngành này gặp khó khăn. Rõ ràng những người quản lý trong ngành này biết rất rõ hệ lụy và chi phí của việc “đóng mỏ”, “đóng nhà máy” đối với nền kinh tế mà Nhà nước phải gánh chịu: nhiều người bị mất việc làm, nguồn cung đầu vào cho các ngành điện, phân đạm bị gián đoạn, chi phí “mở cửa” lại mỏ và nhà máy cao, nguy cơ phá sản một ngành công nghiệp nặng đã tốn rất nhiều chi phí để hình thành và phát triển. Những chi phí này đủ lớn để buộc Nhà nước phải nhượng bộ đối với những đòi hỏi của ngành trong thời kỳ khó khăn.

Rõ ràng là nếu trò chơi này tiếp tục thì ngành dầu khí sẽ rất khó có thể phát triển để cạnh tranh bình đẳng với các hãng dầu khí hùng mạnh khác trên toàn thế giới khi các mỏ dầu ở Việt Nam cạn kiệt. Tuy nhiên nếu Nhà nước bỏ mặc ngành dầu khí vật lộn với những khó khăn khách quan hiện nay thì những hệ lụy và chi phí như đã nói ở trên có nguy cơ thành hiện thực và đấy là kết cục mà không ai mong muốn.

Để thoát khỏi tình thế lưỡng nan này cần phải thay đổi luật chơi giữa ngành dầu khí với các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng Nhà nước chỉ hỗ trợ ngành trên nguyên tắc thị trường. Trong thời kỳ hưng thịnh ngành phải chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn và những hỗ trợ trong thời kỳ khó khăn phải xem là những khoản nợ mà ngành phải trả khi sang giai đoạn phục hồi.

Đối với ngành lọc hóa dầu

Khi giá dầu thô xuống thấp thì ngành lọc hóa dầu là những người hưởng lợi lớn nhất do nhu cầu tiêu dùng xăng dầu và sản phẩm hóa dầu tăng lên, các nước tăng mua dự trữ. Điều này làm cho tỷ suất lợi nhuận của các ngành công nghiệp lọc dầu tăng lên. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành lọc hóa dầu.

Thật ngạc nhiên là tại sao Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lại đòi đóng cửa trong điều kiện thuận lợi như hiện nay. Điều này được quan sát thấy tại thị trường Singapore thời gian qua: từ tháng 7-2014 đến tháng 8-2015 giá dầu thô giảm 58,34% trong cùng thời gian đó giá xăng có độ ốc tan cao, giá xăng thường, giá xăng máy bay, giá dầu hỏa giảm tương ứng 38%, 49%, 52% và 49%. Điều này cho thấy tỷ suất lợi nhuận của các công ty lọc hóa dầu tăng lên.

Bloomberg cũng cho thấy khi giá dầu thô giảm mạnh năm 2015 tỷ suất sinh lời của các hãng lọc dầu tăng từ khoảng 8%/thùng lên 12%/thùng. Việc Dung Quất kêu khó và cảnh báo sẽ đóng cửa trong thời gian vừa qua là không công bằng.

Cần lưu ý rằng thị trường xăng dầu Việt Nam năm 2015 gồm 10,1 triệu tấn nhập khẩu và 6,8 triệu tấn do BSR cung cấp, chiếm thị phần 40,24%. Trong năm 2015 do ảnh hưởng của giá xăng giảm, đồng thời thuế nhập khẩu xăng dầu từ khu vực ASEAN giảm từ 35% xuống còn 20% đã làm tăng nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN và giảm nhập khẩu từ các nước khác: Singapore với 3,84 triệu tấn, tăng 48,2%; Thái Lan: 2,28 triệu tấn, gấp gần 3 lần; Trung Quốc: 1,76 triệu tấn, tăng 4,6%; Đài Loan: 807.000 tấn, giảm 35,8%... và từ Hàn Quốc 343.800 tấn chiếm 3,4% tổng số xăng dầu nhập khẩu.

Có thể thấy xăng dầu BSR đang cạnh tranh tốt với các sản phẩm từ các nước ASEAN và xăng dầu Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam là không đáng kể. Tuy nhiên sự cạnh tranh của BSR đang được hỗ trợ từ Nhà nước là 7% đối với xăng, 5% đối với dầu diesel và 3% đối với sản phẩm hóa dầu. Như vậy BSR có lợi thế hơn hẳn so với các đối tác nhập khẩu đó là chi phí vận chuyển và lưu kho bãi rẻ hơn đặc biệt là đối với Hàn Quốc ở cách xa địa lý; và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước.

Cũng cần phải lưu ý rằng việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã kéo dài hàng năm trời trong đó Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của Nhà máy Lọc dầu hóa dầu BSR và chắc chắn BSR đã được tham vấn về thuế suất dành cho Hàn Quốc đối với lĩnh vực xăng dầu. Vậy tại sao Bộ Công Thương và BSR lại không đưa ra mức thuế suất 20% như đang dành cho các nước ASEAN (chỉ áp dụng với xăng động cơ) mà lại dành cho Hàn Quốc mức thuế suất 10% thấp hơn hẳn đối với các nước ASEAN.

Hoặc do BSR ngay từ khi đàm phán không đề xuất lộ trình giảm thuế cho BSR bằng mức dành cho Hàn Quốc mà phải đợi đến bây giờ mới yêu cầu?

Chúng ta có thể thấy rằng nếu làm như vậy thì không khôn ngoan. Vì đối với BSR khi cạnh tranh cùng với mức hỗ trợ như trên thì Hàn Quốc không phải là đối thủ mà nguy hiểm nhất là các đối thủ ở ngay bên cạnh như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc. Do đó nếu BSR thuyết phục được Bộ Công Thương dành cho Hàn Quốc mức thuế 10% thì ngay khi áp dụng mức thuế này BSR có cớ đòi công bằng để cũng được hưởng mức thuế này, khi đó BSR có lợi thế vượt trội so với các đối thủ chính là Singapore, Thái Lan và Trung Quốc vì được hưởng mức thuế thấp hơn 10 điểm phần trăm cộng với 7% điều tiết từ Nhà nước.

Trong khi đó với cơ chế hỗ trợ như nói ở trên và khoảng cách địa lý làm cho xăng dầu Hàn Quốc cũng không thể cạnh tranh được với BSR. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì hai mức thuế suất nhập khẩu khác nhau dành cho ASEAN và Hàn Quốc sau năm 2018 thì từ nay BSR có thể yên tâm ổn định làm ăn dưới hàng rào bảo hộ 10% đối với các đối thủ từ thị trường lân cận. Điều này cũng có nghĩa là người tiêu dùng trong nước vẫn sẽ phải tiếp tục trả giá cho xăng dầu cao hơn 10% để đảm bảo cho BSR tồn tại. Thời điểm BSR có thể cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ trên thị trường toàn cầu ngày càng xa.

Đối với ngành thăm dò khai thác dầu khí

Do dầu khí là những tài nguyên không thể tái tạo do đó các nước đều sử dụng công cụ thuế tài nguyên theo hướng lũy tiến để hạn chế khai thác tài nguyên bừa bãi tăng động cơ để dành tài nguyên cho thế hệ mai sau.

Ở Việt Nam thuế tài nguyên được đánh lũy tiến từ 10-29%. Thêm vào đó mức thuế thu nhập doanh nghiệp của ngành thăm dò khai thác dầu khí nằm trong khoảng 32-50% cao hơn nhiều so với mức 20-22% của các ngành khác. Điều này được lý giải bởi vì ngành thăm dò khai thác dầu khí thường có tỷ suất lợi nhuận cao và vị trí độc quyền tự nhiên của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó khi khai thác các doanh nghiệp cũng phải trả phí bảo vệ môi trường và trích lập quỹ thu dọn mỏ. Những điều này làm cho mức thuế và phí của các doanh nghiệp này thường cao hơn mức của một doanh nghiệp thuộc ngành khác. Tuy nhiên mức thuế suất cao này (trung bình 45% như lời một lãnh đạo Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí - PVEP - nói) là hoàn toàn hợp lý đối mới một ngành khai thác tài nguyên không thể tái tạo này.

Rõ ràng thời điểm hiện tại là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp thăm dò dầu khí, khi giá dầu thô trên thế giới xuống mức xấp xỉ 30 đô la Mỹ/thùng. Đã có nhiều hãng thăm dò khai thác dầu khí trên thế giới buộc phải phá sản do giá dầu thô xuống quá thấp. Ngành thăm dò khai thác dầu khí là ngành thâm dụng vốn và có nhiều rủi ro. Đồng thời tài nguyên khoáng sản theo hiến pháp thuộc sở hữu toàn dân do đó ngành này có tính độc quyền tự nhiên do doanh nghiệp nhà nước quản lý. Khi các doanh nghiệp này gặp khó khăn khách quan thì sự hỗ trợ của Nhà nước là có thể biện minh được.

Tuy nhiên để doanh nghiệp thực sự lớn mạnh và đủ sức vươn ra các mỏ dầu khác trên thế giới thì doanh nghiệp phải có năng lực độc lập đối phó với sự biến động của giá dầu. Do đó các khoản hỗ trợ của Nhà nước khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải luôn là dưới dạng cho vay thì tốt hơn là dưới dạng trợ cấp. Điều này buộc doanh nghiệp phải có các biện pháp hạn chế rủi ro, tìm cách tối thiểu hóa chi phí hoạt động trong thời kỳ khó khăn. Chỉ khi buộc doanh nghiệp phải gánh chịu rủi ro thì mới buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại sản xuất trong thời kỳ khó khăn.

Việc yêu cầu Nhà nước giảm mức thuế phải nộp trong hai năm là không hợp lý và trái với nguyên tắc hỗ trợ phải có hoàn trả. Do đó thay đổi nguyên tắc hỗ trợ vào lúc này là rất cần thiết để buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại hoạt động, tinh giản lao động, tối thiểu hóa chi phí khai thác và thăm dò, tận dụng tối đa những nguồn lực sẵn có, và có các biện pháp phòng ngừa rủi ro hữu hiệu. Nếu Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ dưới dạng không hoàn trả thì doanh nghiệp sẽ không thể lớn lên được trong môi trường cạnh tranh.

Nguyễn Tú Anh (Trưởng Ban chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tập đoàn Lotte muốn thâu tóm Big C Việt Nam (11/03/2016)

>   Nhiều loại phí, lệ phí nông nghiệp sẽ chuyển sang cơ chế giá (11/03/2016)

>   Kết luận sơ bộ thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 10: Mức thuế tăng mạnh (11/03/2016)

>   Gay cấn cuộc chiến giành thương hiệu thuốc lá Jet và Hero (11/03/2016)

>   “Móc túi” người dùng để chi ưu đãi (11/03/2016)

>   Thêm 22 nhà máy được phép XK cá tra sang Hoa Kỳ (11/03/2016)

>   Hoa Kỳ rà soát thuế chống bán phá giá tôm của Việt Nam (10/03/2016)

>   Chuẩn bị xét tăng lương tối thiểu vùng 2017 (10/03/2016)

>   Quỹ đầu tư 500 Startups công bố đầu tư 10 triệu USD vào Việt Nam (10/03/2016)

>   Rosneft lần đầu tiên khoan thăm dò tại thềm lục địa Việt Nam (10/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật