3.500 tỷ đồng chênh lệch thuế xăng dầu, thực chất chỉ còn 254 tỷ đồng?
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay, 26-3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, khó có thể thu hồi đủ toàn bộ số tiền chênh lệch 3.500 tỷ đồng từ áp sai thuế xăng dầu, và Bộ Tài chính nhận trách nhiệm về vụ việc này.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: “Vừa qua, báo chí nói hai Bộ Tài chính, Công Thương đổ trách nhiệm cho nhau, chúng tôi sai thì nhận và nhận thì sẽ sửa chứ không đổ lỗi. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để điều chỉnh”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, rất khó để thu hồi 254 tỷ đồng chênh lệch thuế xăng dầu đang ở trong tay 12 doanh nghiệp tư nhân
|
Về số tiền chênh 3.200 tỷ đồng từ áp sai thuế xăng dầu mà dư luận đề nghị thu về quỹ bình ổn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ sẽ thanh kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và rà soát lại số liệu. Kết quả rà soát sơ bộ cho thấy tổng số tiền thuế hoàn cho năm 2015 của 23 doanh nghiệp đầu mối tính đến 24-3 vừa qua là 3.475 tỷ đồng.
Trong đó, số thuế giá trị gia tăng là 335 tỷ đồng được hoàn không làm giảm tổng số thu của ngân sách nhà nước. Do đó, thực chất số tiền hoàn thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt còn lại là 3.120 tỷ đồng. Trong 3.120 tỷ đồng này, có 2.794 tỷ đồng của 11 doanh nghiệp nhà nước, chiếm 88% thị phần xăng dầu tiêu thụ trong cả nước và 325 tỷ đồng của 12 doanh nghiệp tư nhân, chiếm 12% thị phần.
Trong tổng số 3.120 tỷ đồng của 23 doanh nghiệp được hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp và kê khai 22% thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước là 686 tỷ đồng. Như vậy, sau khi trừ đi 686 tỷ đồng, số tiền còn lại 2.434 tỷ đồng.
Trong 2.434 tỷ đồng đó, 11 doanh nghiệp nhà nước chiếm 2.179 tỷ đồng. Khoản này sau khi lập các quỹ theo quy định nhà nước như sản xuất, khen thưởng… thì đã nộp ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội.
12 doanh nghiệp tư nhân còn lại còn 254 tỷ đồng. “Số tiền này chúng tôi đang nghiên cứu nhưng cơ sở rất khó để thu hồi của doanh nghiệp tư nhân và phải xử lý phải theo quy định của pháp luật. Hiện Bộ chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Công Thương để thanh tra việc này. Do đó, không thể trong thời gian ngắn mà mọi việc hoàn tất được. Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng và Chính phủ để xử lý” – Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Cũng liên quan đến thuế xăng dầu, ông Dũng cho biết đã giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN của mặt hàng dầu từ 13% và 10% xuống 7% và giữ nguyên thuế suất của mặt hàng xăng 20%.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng nhận thấy việc lấy mức thuế nhập khẩu ưu đãi để tính giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu không còn phù hợp thực tế áp dụng các mức thuế nhập khẩu như hiện nay. Vì vậy, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng và được Thủ tướng đồng ý xác định mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng trong công thức tính giá cơ sở là mức thuế bình quân gia quyền các mức thuế ưu đãi và các biểu thuế AFTA theo thực tế hàng hóa có kim ngạch nhập khẩu từ các biểu thuế. Thời gian tính bình quân hàng quý để bảo đảm tính ổn định và lấy số liệu quý trước để tính cho quý sau.
Phương Hà
dân việt
|