Xúc tiến thương mại: "Cẩn thận kẻo doanh nghiệp ngoại lại hưởng lợi"
Bộ Công Thương vừa phê duyệt Chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia năm 2016 gồm 177 đề án của 67 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 90 tỷ đồng.
Khách hàng đang mua sắm tại siêu thị (Ảnh: TTXVN)
|
Mục tiêu chính là nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu, thị trường trong nước, thương mại miền núi, biên giới và hải đảo qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam...
Để hiểu rõ hơn các hoạt động chính của chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia trong năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có một số trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về việc triển khai những nội dung trên.
- Năm 2015 chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động xuất khẩu, cũng như kìm chế nhập siêu, vậy năm 2016, chương trình đã có những đổi mới như thế nào để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng nâng cao sức cạnh tranh?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Có thể đánh giá, năm 2015, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhất là những thị trường mà các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam chịu nhiều áp lực cạnh tranh hơn.
Đặc biệt, trong bối cảnh rất nhiều nước ở xung quanh Việt Nam đều có mức tăng trưởng xuất khẩu âm nhưng ngược lại Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng 8,1%. Cùng với đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ tại thị trường nội địa cũng tăng trưởng đáng khích lệ.
Tất cả những kết quả trên là có sự đóng góp chung của ngành công thương, nhất là công tác Xúc tiến thương mại và chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia.
Bước sang năm 2016, để đạt được hiệu quả của công tác Xúc tiến thương mại cũng như yêu cầu của Chính phủ về đổi mới công tác Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã có định hướng xây dựng chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia và các hoạt động Xúc tiến thương mại khác theo hướng bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, đi sâu vào một số sự kiện lớn, với sự tham gia tổng hợp không những của ngành công thương, Bộ Công Thương mà còn có thêm các bộ, ngành khác, nhất là các địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng...
Ở nước ngoài, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thương vụ của Việt Nam cũng như cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan Xúc tiến thương mại của nước ngoài ở tại các thị trường mà chúng ta sẽ tổ chức các hoạt động về Xúc tiến thương mại.
Một điều nữa là hoạt động liên kết trong các hoạt động Xúc tiến thương mại theo vùng, theo các mặt hàng, đặc biệt là sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với các bộ ngành và các địa phương với Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sẽ được chú trọng nhiều hơn nữa nhằm mục tiêu là các hoạt động Xúc tiến thương mại trước hết là dựa vào nhu cầu của các doanh nghiệp của Việt Nam.
Ngoài ra, với nhiều thị trường mà có tiềm năng, thế mạnh như: Trung Đông, châu Phi, Nga và các nước Đông Âu... sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa, đây là những thị trường mà năm 2015 đã có nhiều thành công với sự liên kết và tham gia đồng bộ của nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp.
Sau 5 năm thực hiện chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Công Thương sẽ có rà soát để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cũng như có thể nâng từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành Nghị định hoặc các văn bản pháp lý cao hơn qua đó khắc phục những bất cập, khó khăn trong các quy định từ trước đến nay về Xúc tiến thương mại nhất là kinh phí dành cho hoạt động Xúc tiến thương mại hiện còn rất eo hẹp.
-Đối với các siêu thị của nước ngoài, doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ đã có những triển khai như thế nào thưa thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Việc đưa hàng hóa vào các kênh siêu thị Bộ Công Thương đã làm, cụ thể trong chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ đã phối hợp với các địa phương để đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới hải đảo, kể cả các Hiệp hội bán lẻ Việt Nam để hỗ trợ và tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, của nông dân Việt Nam tại các siêu thị trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với hệ thống siêu thị và bán lẻ của nước ngoài để có thể đưa hàng hóa trong nước và tổ chức các chương trình Tuần hàng Việt Nam... để vừa hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nhưng đồng thời có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam mở hệ thống bán hàng ngay trong các siêu thị của họ.
Điển hình vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp trong nước xây dựng được mạng lưới phân phối tại BigC, Metro, AEON và sắp tới còn mở rộng thêm tại các hệ thống bán lẻ nước ngoài tại các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tại nhiều siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như BigC, Metro, AEON, hàng Việt vẫn chiếm tỷ lệ rất cao (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
- Để thị trường bán lẻ của Việt Nam phát triển và có thể cạnh tranh với các nhà đầu tư lớn đến từ nước ngoài thì Bộ có chính sách hỗ trợ thế nào?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Trước hết cần phải hiểu rằng, hiện nay Việt Nam đã gia nhập thị trường chung ASEAN (AEC), điều đó có nghĩa là hàng hóa của Việt Nam cũng như bất cứ một nước ASEAN nào cũng có thể hiện diện tại một quốc gia khác trong nội khối.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ hàng sản xuất tại Việt Nam, hàng do các doanh nghiệp Việt Nam hoặc do người nông dân sản xuất thì không những chỉ tiêu thụ tại hệ thống siêu thị trong nước mà còn có thể mở rộng sang các nước khác.
Tuy nhiên, trong kinh tế thị trường mọi thành phần doanh nghiệp đều bình đẳng, do vậy điều quan trọng nhất không phải việc là nhà nước cung cấp cho doanh nghiệp trong nước về vốn, các điều kiện ưu đãi nào đó mà quan trọng là chỉ có thể xem xét ưu tiên về địa điểm mà thôi.
Có một thực tế là đã có nhiều doanh nghiệp khi đã tạo dựng được ưu thế của mình, tạo dựng được thương hiệu của mình nhưng sau đó lại bán thương hiệu của mình cho doanh nghiệp nước ngoài, do vậy nếu không cẩn thận việc ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước thì vô hình chung lại phản tác dụng và doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi.
- Xin cảm ơn thứ trưởng./.
Theo Bộ Công Thương, năm 2015, chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã hỗ trợ được 8.850 lượt doanh nghiệp với 14.499 gian hàng tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, đã có 213.300 giao dịch và ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế với tổng trị giá trên 858 triệu USD và khoảng 637,8 tỷ đồng cũng như thu hút trên 3 triệu lượt khách tham quan, mua sắm.
|
vietnam+
|