“Vốn mồi” cho ngân hàng yếu
Một loạt cơ chế dường như nghịch lý giữa các ngân hàng đang và sẽ được áp dụng...
Thông tư 23 có hiệu lực từ 28/1/2016. Theo thông tư này, trường hợp ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt sẽ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, có thể xuống 0%.
|
Ngày 28/1/2016 đã trôi qua. Một thay đổi quan trọng đối với nhiều ngân hàng thương mại đến lúc hiệu lực, nhưng chưa rõ sẽ được áp dụng thực tế như thế nào.
Thay đổi đó chỉ là một trong nhiều cơ chế liên quan đến lợi ích sát sườn của mỗi ngân hàng. Khi có sự khác biệt trong lợi ích thì sẽ càng được chờ đợi (và chú ý).
Lồi lõm lợi ích
Ngày 4/12/2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 23/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng.
Thông tư 23 có hiệu lực từ 28/1/2016. Theo thông tư này, trường hợp ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt sẽ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, có thể xuống 0%.
Các ngân hàng thương mại đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, ngân hàng tham gia cơ cấu lại ngân hàng yếu kém theo chỉ định cũng sẽ được Thống đốc xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho từng trường hợp.
Hiện chưa có các quyết định giảm cụ thể được công bố. Nhưng bước đầu định hình, chính sách trên sẽ tạo nên sự lồi lõm của tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong hệ thống.
Điểm đáng quan tâm là, các ngân hàng tái cơ cấu, bị kiểm soát đặc biệt có thể được hưởng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn, trong khi các ngân hàng khỏe mạnh và làm ăn bình thường có thể phải chịu mức cao hơn.
Với hoạt động ngân hàng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là lợi ích rất cụ thể. Tỷ lệ vốn bị nhốt kho càng cao, chi phí hoạt động (mà liên quan là sức cạnh tranh) càng lớn.
Sự lồi lõm lợi ích trong cùng một hệ thống, giữa các thành viên cùng đóng thuế như nhau và cùng bình đẳng trong kinh doanh, nếu hình thành qua chính sách trên thì hẳn là đáng chú ý.
Tương tự, trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành tái cấp vốn cho một số ngân hàng qua kênh trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Tái cấp vốn là hoạt động bình thường. Song, có điểm gì đó không được như thông thường, khi ngân hàng yếu kém phải tìm đến Ngân hàng Nhà nước “xin” hỗ trợ qua tái cấp vốn như trên được áp lãi suất chỉ 4,5%/năm (theo quy định được thấp hơn 2% so với lãi suất tái cấp vốn hiện hành), trong khi các ngân hàng khỏe mạnh và bình thường khác đang phải đi huy động trên thị trường từ 5-6,5%/năm.
Bất đắc dĩ mới phải tái cấp vốn, hoặc đây là những trường hợp đặc biệt, nhưng điểm chung vẫn là lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh bình đẳng trên thị trường.
Tiếp tục, cũng liên quan đến trái phiếu đặc biệt VAMC, hướng chính sách mới đang định hình theo dự thảo Ngân hàng Nhà nước vừa công bố. Ngân hàng yếu kém, được nói rõ luôn là thua lỗ, dự kiến sẽ được hưởng cơ chế riêng.
Theo quy định hiện hành, các ngân hàng phải thực hiện trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC trong thời hạn 5 năm. Với cơ chế dự kiến trên, các ngân hàng yếu kém dự kiến sẽ được xem xét giãn ra tới 10 năm.
So sánh đơn thuần, phải dồn một lượng vốn trích lập trong thời gian ngắn rất khác với việc được rải ra trong thời gian dài, xét về chi phí cơ hội và lợi ích sử dụng vốn. Ở đây, như những tình huống trên, ngân hàng khỏe mạnh và làm ăn bình thường, đóng thuế tốt hơn, lại không được “ưu đãi”.
Sao phải làm vậy?
Trong những kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra hai năm gần đây, khối đầu tư nước ngoài kiên trì yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lại giới hạn đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Họ nói đến sự công bằng, trong đối xử với các thành phần tham gia thị trường, vì khối được giới hạn cao 35%, khối chỉ được 15%...
Với những tình huống lồi lõm lợi ích nói trên, chưa thể có một sự công bằng trọn vẹn, hoặc lý tưởng hỏa, lý thuyết hóa trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Có thể lý giải một cách chung nhất, do đặc thù và điều kiện của thị trường Việt Nam nó vậy, hoặc do tình thế phải vậy.
Nhưng, có lẽ đáng quan tâm hơn là vì sao Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước biết vậy nhưng phải làm vậy?
Mục đích chung nhất trong loạt chính sách trên là tạo điều kiện để các ngân hàng gặp khó khăn, ngân hàng yếu kém có thêm cơ hội để khỏe lên. Khỏe để bảo vệ hệ thống. Một hệ thống ngân hàng khỏe, dĩ nhiên là lợi ích chung, cao nhất cho cả nền kinh tế.
Phải làm vậy, còn có thể lý giải ở một góc nhìn khác nữa: tại Việt Nam những năm thực hiện chủ trương tái cơ cấu, hiện nay và trước mắt vẫn chưa cho phá sản ngân hàng; thứ hai, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu không được sử dụng tiền ngân sách.
Đặt trong mục đích chung và lợi ích đại cục đó, những hỗ trợ và tạo điều kiện trước hết cũng nhằm hạn chế những tình huống đổ vỡ kèm theo hiệu ứng dây chuyền gây rủi ro lớn hơn cho nền kinh tế.
Trong một số tình huống, nếu rủi ro xẩy ra, tổn thất và chi phí khắc phục có thể còn lớn hơn rất nhiều lần lợi ích mà chính sách đang tạo điều kiện hoặc hỗ trợ.
Ngược lại, khi tạo điều kiện và có hỗ trợ nhất định, những ngân hàng đó có thể khỏe lên, có cơ hội để khắc phục những hạn chế, hệ quả liên quan. Điểm này gắn với một chốt chặn mà Ngân hàng Nhà nước tạo ra những năm gần đây và cả thời gian tới: kiểm soát chặt, thậm chí cấm các ngân hàng cụ thể chi trả cổ tức.
Và còn có một thực Ngân hàng Nhà nước phải đối diện: trường hợp ngân hàng khó khăn tài chính, kinh doanh thua lỗ, có áp ngang chuẩn các cơ chế công bằng như các ngân hàng khỏe mạnh và bình thường khác chắc gì họ chịu được; có yêu cầu dồn trích lập dự phòng như thông thường, chắc gì họ có nguồn để đáp ứng được, mà chỉ khiến khó khăn và có thể rủi ro hơn mà thôi.
Vậy nên, nói một cách hình ảnh, các chính sách trên là “vốn mồi” cho các ngân hàng yếu kém, khó khăn, để họ có điều kiện khỏe lên rồi đóng góp cho nền kinh tế tốt hơn.
Chỉ có điều, bốn năm qua, những ngân hàng đã thực hiện sáp nhập, hợp nhất trong giai đoạn khó khăn nhất vừa qua hầu như đã không có được những ưu đãi, hỗ trợ theo các chính sách đang lần lượt được áp dụng nói trên. Đây rõ ràng là một thiệt thòi đối với họ, dù như trên, công bằng chưa thể lý tưởng hóa được.
Minh Đức
vneconomy
|