OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và cảnh báo rủi ro ngày càng tăng cao
- Brazil, Đức, Canada và Mỹ bị cắt giảm dự báo mạnh nhất
- Các bộ trưởng G20 sẽ bị hối thúc giải quyết tình trạng thiếu hụt nhu cầu
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, cho rằng các nền kinh tế Brazil, Đức và Mỹ đang suy yếu đồng thời cảnh báo một số thị trường mới nổi đang đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá, Bloomberg đưa tin.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng 3% trong năm 2016, bằng với tốc độ tăng trưởng trong năm 2015 nhưng thấp hơn 0.3% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái, OECD cho biết trong báo cáo công bố ngày thứ Năm.
* Fed cân nhắc thay đổi lộ trình nâng lãi suất
* Hậu quả của chính sách lãi suất âm
Dự báo triển vọng kinh tế thế giới sơ bộ của OECD - Nguồn: Bloomberg
|
“Các rủi ro về bình ổn tài chính là khá lớn”, tổ chức có trụ sở tại Paris này cho biết trong báo cáo. “Một số thị trường mới nổi đặc biệt dễ bị tác động bởi sự biến động mạnh của tỷ giá hối đoái và các ảnh hưởng từ nợ trong nước”.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu đã lao dốc mạnh trong năm nay trước lo ngại rằng đà tăng trưởng ngày càng chậm tại Trung Quốc và đà sụt giảm của giá dầu sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu suy yếu. Chỉ số MSCI World Index đã rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm vào tuần trước khi giá dầu sụt xuống dưới 30 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ.
Hiện tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo đạt mức 6.5% trong năm nay và 6.2% trong năm 2017.
Với việc các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 nhóm họp lại Thượng Hải vào tuần tới để giải quyết tình trạng giảm tốc, OECD hối thúc các nhà lãnh đạo này xem xét cung cấp thêm các gói kích thích tài khóa để hỗ trợ các nỗ lực tiền tệ đang được triển khai.
“Một chính sách ứng phó chung mạnh mẽ hơn là rất cần thiết để thúc đẩy nhu cầu. Một mình chính sách tiền tệ không thể phát huy hiệu quả. Chính sách tài khóa đang được nhiều nước áp dụng hiện nay là cắt giảm chi tiêu và nâng thuế. Tốc độ cải cách cơ cấu cũng đã chậm lại. Cả 3 đòn bẩy này cần phải được triển khai tích cực hơn để đem lại đà tăng trưởng mạnh hơn và bền vững hơn”, OECD cho biết trong thông báo.
Trong số các nền kinh tế lớn, Brazil là nước duy nhất hiện đang trong tình trạng suy thoái và thực tế cho thấy đây là một cuộc suy thoái sâu hơn và dài hơn so với dự báo. OECD cho biết nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ sẽ giảm 4% trong năm nay, mạnh hơn 2.8% so với dự báo trước đó. Theo báo cáo của OECD, sản lượng của Brazil đã giảm 3.8% trong năm 2015 và sẽ bình ổn trong năm 2017.
Đáng chú ý, OECD hạ dự báo của cả Mỹ (nền kinh tế lớn nhất thế giới) và Đức (nền kinh tế lớn nhất châu Âu) bớt 0.5%. Theo đó, kinh tế Mỹ có thể mở rộng 2% trong năm nay và 2.2% trong năm 2017. Tăng trưởng của Đức cũng sẽ lần lượt đạt mức 1.3% và 1.7%./.
|