Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam để hút dòng vốn ngoại
Xu hướng giảm chung của thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2015 đến từ nhiều nguyên nhân.
Một phiên đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
|
Trong đó phải kể đến đến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc, giá dầu giảm cũng như sự dịch chuyển các dòng vốn. Trong bối cảnh đó thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có được sự tăng trưởng là điều đáng mừng. Sự tăng trưởng này được nhìn nhận dựa trên sự khởi sắc của nền kinh tế nói chung và nỗ lực triển khai các giải pháp liên quan đến tái cơ cấu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường chứng khoán.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu Xuân Bính Thân 2016, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước đã có cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN về câu chuyện thị trường chứng khoán với những hy vọng cho sự ổn định và tăng trưởng thị trường trong năm 2016.
Điểm sáng tăng trưởng
“Năm 2016 sẽ có nhiều khó khăn bởi những tác động từ kinh tế toàn cầu là rất khó đoán trước” đây là câu nói đầu tiên của ông Vũ Bằng ngay khi chúng tôi bắt đầu câu chuyện.
Ông Bằng chậm rãi chia sẻ, năm vừa qua do tác động của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc, giá dầu giảm... nên bức tranh thị trường chứng khoán toàn cầu xu hướng nhìn chung giảm. Chẳng hạn chỉ số chứng khoán Anh giảm hơn 7%, các nước trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia đều sụt giảm dao động 6-15%, có thời điểm đến 20%.
Bên cạnh đó, sự biến động của thị trường chứng khoán toàn cầu trước và sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã cho thấy tầm ảnh hưởng của kinh tế Mỹ đến những nền kinh tế yếu kém hơn và có sự bền vững không cao. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển của các dòng vốn được rút ra tại các thị trường chứng khoán mới nổi lên đến 540 tỷ USD.
Một nụ cười thoáng nở trên môi và sự tươi tắn đã trở lại trên khuôn mặt người đứng đầu ngành chứng khoán khi câu chuyện được đưa về diễn biến của thị trường chứng khoán trong năm qua. Niềm vui này cũng là điều dễ hiểu bởi thực tế diễn biến thế giới rõ ràng là tác động mang tính tiêu cực.
Thế nhưng, năm 2015, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì sự tăng trưởng ở mức độ chấp nhận được. Thông qua việc thực thi các giải pháp khuyến khích dòng vốn nước ngoài cộng với tái cấu trúc thị trường chứng khoán nên đạt kết quả khích lệ khi huy động được gần 290 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 28% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Bởi các năm trước, cao nhất chỉ đạt khoảng 23%. Riêng cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu tăng khoảng 6,6%, huy động trái phiếu đạt kế hoạch.
Bên cạnh đó, quy mô huy động trái phiếu cũng đạt kết hoạch đề ra. Đó là những điểm rất tích cực với thị trường năm qua.
Chỉ có điểm chưa thành công là thanh khoản thị trường giảm khi giá trị giao dịch bình quân giảm 11,5% so với năm 2014.
Lý giải về nguyên nhân thị trường chứng khoán Việt Nam không bị sụt giảm mạnh và vẫn có sự tăng trưởng, ông Vũ Bằng chia sẻ là do tín hiệu tăng trưởng kinh tế năm 2015 tích cực. Nền kinh tế cơ bản trên xu thế thoát đáy, hồi phục; các giải pháp về xử lý nợ xấu ngân hàng, cổ phần hóa... cũng đã được tháo gỡ và cũng đã thấy được hướng đi ra hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Còn với riêng thị trường chứng khoán, năm qua, Nghị định 60 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của các Luật Chứng khoán) đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ thị trường.
Việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài đã được họ nhìn thấy triển vọng tích cực khi thấy rõ chủ trương của Chính phủ trong việc mở cửa thị trường thu hút dòng vốn. Mặt khác, các cơ chế về cổ phần hóa gắn với niêm yết được quy định tại Quyết định 51 (về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước) và Nghị định 60 đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng quy mô thị trường.
Tăng quy mô để hút vốn ngoại
Thay vì chỉ trông chờ vào nguồn vốn từ ngân hàng, vai trò kênh dẫn vốn của thị trường chứng khoán dần được khẳng định khi những giải pháp của Chính phủ liên quan đến cổ phần hóa, xác định giải pháp hỗ trợ thị trường phục hồi cùng với đó là sự mở cửa thu hút dòng vốn chính là những yếu tố quan trọng để các quỹ đầu tư lớn nước ngoài nhìn vào bởi quy mô thị trường có lớn thì họ mới có được sự quan tâm để tham gia.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Vũ Bằng chia sẻ, về nội tại nền kinh tế, theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay vẫn có thể đạt được 6,5-6,7%. Những đánh giá này sẽ là tín hiệu tốt để nhà đầu tư quốc tế nhìn vào Việt Nam.
Điểm tích cực nữa là các chính sách về cổ phần hóa, niêm yết, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bán cổ phần theo lô... sẽ được thực hiện hiệu quả hơn trong năm 2016 khi các biện pháp tháo gỡ đã được ban hành trong năm 2015. Tất cả điều đó sẽ giúp thu hút hơn dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên mục tiêu mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng tới trong năm 2016 theo ông Vũ Bằng là cần tiếp tục tập trung các biện pháp để thị trường chứng khoán ổn định và phát triển theo hướng bền vững hơn. Đó là vẫn tiến hành các mục tiêu tái cấu trúc thị trường; nâng cao chất lượng hàng hóa, huy động vốn, tháo gỡ các vướng mắc tại Nghị định 60 để đưa Nghị định này vào cuộc sống.
Liên quan đến câu chuyện về sự chuyển dịch các dòng vốn trong năm 2016, người đứng đầu ngành chứng khoán chia sẻ, sự dịch chuyển dòng vốn nước ngoài năm 2016 sẽ chưa thể biết tốt hay xấu vì thuộc vào Trung Quốc và lãi suất của Mỹ cũng như diễn biến tỷ giá. Đó là những yếu tố khó lường.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Chứng khoán xác định, việc thu hút dòng vốn ngoại là khó khăn nên phải kiên trì cải cách. Đó là phải tiếp tục cải thiện, tháo gỡ khó khăn để thu hút vốn nước ngoài. Điều thuận lợi mà chúng ta có được là triển vọng về tăng trưởng kinh tế tiếp tục tốt hơn. Đó là điểm sáng để vốn ngoại không rút ra và có thể tiếp tục vào Việt Nam.
Ông Vũ Bằng cũng cho biết thêm, "câu chuyện chúng ta cần hướng tới đó là việc nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ nằm lại các doanh nghiệp bởi lúc này sẽ như vốn trực tiếp chứ không còn là vốn gián tiếp."
Muốn làm được điều này cần phải có sự cải tổ mạnh mẽ trong quản trị công ty, tạo một diện mạo mới để nhà đầu tư nước ngoài trở thành nhà đầu tư chiến lược của mỗi doanh nghiệp. Cần có sự tính toán để thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia đấu giá với nhau chứ không chờ đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng./.
vietnam+
|