Doanh nghiệp thủy sản có dè chừng năm 2016?
Kết thúc năm 2015, nhiều doanh nghiệp thủy sản không đạt kết quả kinh doanh như kỳ vọng. Bước sang năm 2016 mở ra nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức, vậy liệu các doanh nghiệp này có dám mạnh tay với kế hoạch đưa ra!?
Theo dự báo của Chứng khoán BSC, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2016 sẽ tiếp tục khó khăn do tác động mạnh của việc phá giá đồng tiền các nước. Ngoài ra, từ tháng 3/2016, Bộ Nông nghiệp Mỹ áp dụng quản lý chất lượng cá da trơn, theo đó, Việt Nam có nguy cơ mất thị trường này cho cá tra. Còn đối với tôm, IMF dự báo giá tôm năm 2016 sẽ giảm 4%, năm 2017 giảm 7%, 2020 giảm 13% so với năm 2015 do nhu cầu tiêu dùng yếu tại các thị trường như EU, Nhật Bản và dư cung tại các nước sản xuất lớn. Thêm vào đó, hiện tượng El Nino có thể kéo dài đến giữa năm 2016 sẽ tác động tiêu cực tới sản xuất nuôi trồng thủy sản trong nước.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng là Hiệp định FTA Việt Nam - liên minh kinh tế Á Âu đi vào hiệu lực, ngành thủy sản sẽ được hưởng lợi khi 95% số mặt hàng mở cửa hoàn toàn, lộ trình tối đa 10 năm (trong đó hơn 71% dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn ngay sau khi hiệp định có hiệu lực). Đồng thời, từ đầu năm 2016, tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc sẽ được hưởng mức thuế suất 0% với hạn ngạch 10,000 tấn thay vì phải chịu mức thuế 20% như trước đây.
Thừa nhận năm 2016 sẽ có nhiều thách thức, nhưng Hùng Vương (HVG) cho rằng những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự, chuẩn bị và đầu tư bài bản thì đây sẽ là cơ hội. Hiện hoạt động kinh doanh của HVG gồm xuất khẩu thủy sản (29%), thức ăn chăn nuôi (27%), thương mại hàng hóa (27%), kinh doanh thủy sản nội địa (12%).
Với ưu thế là một trong số ít các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam có chuỗi sản xuất khép kín từ con giống tới chế biến xuất khẩu nên rõ ràng HVG có khả năng cải thiện biên lợi nhuận hơn các doanh nghiệp khác. Thêm vào đó, HVG đang đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nga (hiện chiếm 11-16% kim ngạch của HVG). Thị trường này có tiềm năng tăng trưởng khi FTA đi vào hiệu lực nên HVG công ty thành lập liên doanh ở Nga với số vốn 30 triệu USD (HVG góp 60%) và sắp tới mua 51% vốn Công ty Russian Fish (công ty chuyên kinh doanh, phân phối, bán lẻ thủy sản ở Nga).
Mặc dù vậy, qua trao đổi, Chủ tịch HVG Dương Ngọc Minh cho rằng kế hoạch năm 2016 với doanh thu 24,000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ là con số thận trọng dù năm 2015 HVG đã ghi nhận kết quả lãi khá khiêm tốn (chỉ 151 tỷ đồng do hạch toán đầu tư cũng như công nợ tăng khi hợp nhất công ty con). Thêm vào đó, giá thành sản xuất năm 2015 ở mức 21,000-22,000 đồng/kg, nhưng HVG tự tin năm 2016, giá thành sẽ xuống dưới 19,000 đồng/kg.
Cũng thuộc nhóm HVG, mặc dù 9 tháng đầu năm 2015 XNK Thủy Sản An Giang (HOSE: AGF) có hoạt động kinh doanh âm 445 triệu đồng nhưng công ty cũng khá mạnh tay trong việc đặt kế hoạch 2016 với doanh thu 2,800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng.
Trong khi đó, Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) lại không thuộc dòng chảy chung mà đạt được kết quả kinh doanh khá tốt với lãi ròng 95 tỷ đồng, tăng tới 51% so với năm 2014. Công ty đặt mục tiêu 2016 với doanh thu đạt 3,375 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 110 tỷ đồng. Chủ tịch FMC Hồ Quốc Lực cho biết, thời gian tới công ty sẽ đẩy mạnh phân phối thị trường EU, tận dụng lợi thế khi doanh nghiệp Thái Lan mất ưu thế về thuế quan, sử dụng lao động vi phạm luật khiến sản phẩm Thái mất tín nhiệm. Công ty cũng tăng thị phần ở Canada và Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời mở rộng tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản phối chế, xây dựng thêm ao nuôi tôm...
Cùng là doanh nghiệp sản xuất tôm, Chế biến Thủy sản & XNK Cà Mau (HOSE: CMX) cũng là doanh nghiệp ghi nhận lãi cao nhất trong 6 năm trở lại đây với 26 tỷ đồng. Năm 2016, CMX đặt kế hoạch mỗi tháng đều có thu hoạch 6-10ha ao tôm với năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha. Hiện công ty đang thả nuôi trên diện tích 60ha.
Trong khi FMC và CMX làm ăn có vẻ khấm khá trong năm 2015 thì “ông lớn” Tập đoàn Minh Phú (MPC) lại gặp khó khi lần đầu báo lỗ trong quý 2/2015 và đến 9 tháng thì mới thực hiện được 67 tỷ đồng lãi ròng, quá xa so với con số kế hoạch tới 1,415 tỷ đồng. Ngoài những khó khăn chung mà tất cả các doanh nghiệp trong ngành đều gặp phải, MPC còn gặp khó khi thuế chống bán phá giá lần thứ 9 (POR9) ở mức cao nhất tới 1.39%. Nghĩa là “MPC nắm trong tay khả năng điều chỉnh giá tôm tại Việt Nam, muốn lợi nhuận bao nhiêu là quyền của MPC” không phải là điều dễ dàng như vị Chủ tịch Lê Văn Quang từng tuyên bố.
Dường như khó khăn chưa ngừng đến với MPC khi hiện tại MPC đang là bị đơn cho đợt thẩm tra chống bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh lần thứ 10 (POR 10) của Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Chính việc tập trung nhân lực phục vụ cho đợt thẩm tra này mà hiện MPC chưa thể hoàn thành báo cáo tài chính quý 4/2015.
Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) cũng chưa có báo cáo tài chính năm 2015 nhưng theo đơn vị này, trong năm qua song song với các bước đi ở thị trường chủ chốt Mỹ, VHC cũng đã thâm nhập và mở rộng thị phần ở các thị trường tiềm năng. Nhờ đó, VHC ghi nhận mức tăng trưởng doanh số tại một số thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Ai Cập và thâm nhập thành công ba thị trường mới như Philippines, Đài Loan, Rumania.
Với ưu thế được miễn thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ, VHC mở rộng công suất thêm 120 tấn nguyên liệu/ngày bằng việc đưa nhà máy mới đi vào hoạt động cuối quý 2/2016. Ngoài ra, VHC cũng là doanh nghiệp tận thu từ các sản phẩm chính là dầu cá và Collagen. Theo đó, VHC đặt mục tiêu sản lượng bán năm 2016 đạt 700 tấn (collagen peptide 300 tấn, gelatin 400 tấn), đem lại doanh thu từ 6-8 triệu USD, trong đó 90% từ xuất khẩu từ dòng sản phẩm này./.
|