Dầu rút lui sau quyết định “đóng băng” sản lượng
Các nhà sản xuất dầu lớn sẽ không cắt giảm sản lượng như kỳ vọng
Hợp đồng dầu thô tương lai giảm giá vào ngày thứ Ba, khi nhà đầu tư cho rằng cuộc đàm phán về thoả thuận “đóng băng” sản lượng không đủ để xoa dịu tình trạng dư cung trên toàn cầu tiếp diễn nhiều tháng qua, MarketWatch cho biết.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex rớt 40 xu (tương ứng 1.4%) xuống 29.04 USD/thùng, sau khi leo lên mức cao nhất trong phiên tại 31.53 USD.
Triển vọng về việc các nhà sản xuất dầu lớn nhất trên thế giới cắt giảm sản lượng đã thúc đẩy giá dầu hồi phục, nhưng trên thực tế, quyết định đóng băng sản lượng của 2 nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới, Ả-rập Xê-út và Nga, được xem như một động thái rất nhỏ để giúp thế giới thoát khỏi tình trạng dư cung kỷ lục.
Tại cuộc hội đàm giữa các Bộ trưởng Năng lượng ở Doha vào ngày thứ Ba, 4 nhà sản xuất dầu, bao gồm Ả-rập Xê-út, Nga, Qatar và Venezuela, đã đồng ý đóng băng sản lượng ở mức tương đương tháng 01/2016 nhằm ổn định thị trường dầu. Thoả thuận này bất ngờ được các nhà sản xuất lớn khác làm theo, nguồn tin Dow Jones cho biết.
Cũng trong ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn London lùi 1.21 USD (tương đương 3.6%) xuống 32.18 USD/thùng, sau khi tăng lên mức cao nhất trong phiên tại 35.55 USD/thùng vào đầu phiên.
Trên thực tế, báo cáo mới nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho thấy trong năm 2015, sản lượng dầu của Nga đạt mức kỷ lục tại 10.8 triệu thùng/ngày. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng của OPEC cũng tăng 280,000 thùng/ngày lên 32.63 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, IEA cho rằng tình trạng dư cung ngày càng trầm trọng xuất phát từ cả Ả-rập Xê-út và Iran.
Được biết, giá dầu đã trượt dốc hơn 70% kể từ tháng 06/2014 và có thể dao động ở mức thấp trong thời gian dài hơn trừ khi các nhà sản xuất lớn quyết định cắt giảm sản lượng mạnh, qua đó khiến tình trạng dư cung suy yếu. Các nhà cung cấp dầu lớn thuộc OPEC cũng như các nhà sản xuất dầu khác, như Nga và Mỹ, không sẵn lòng cắt giảm sản lượng vì các quốc gia này muốn bảo vệ thị phần của mình.
Giá dầu ngày càng tụt dốc sau khi lệnh cấm xuất khẩu dầu từ Iran được dỡ bỏ vào giữa tháng 01/2016. Cuối tuần qua, các quan chức Iran cho biết quốc gia này đã tăng lượng xuất khẩu thêm 400,000 thùng/ngày.
Nhà đầu tư không kỳ vọng Iran sẽ cắt giảm sản lượng, đặc biệt là khi quốc gia này mới được dỡ bỏ lệnh cấm.
Trong khi thế giới tràn ngập trong dầu, nhu cầu toàn cầu vẫn rất ảm đạm.
Theo IEA, tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu có khả năng giảm xuống 1.2 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với mức 1.6 triệu thùng/ngày trong năm 2015.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 3 mất 7.23 xu (tương ứng 6.9%) xuống 0.9709 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 3 sụt 4.23 xu (tương ứng 4%) xuống 1.0270 USD/gallon và hợp đồng khí thiên nhiên lùi 6.3 xu (tương ứng 3.2%) xuống 1.9030 USD/MMBtu./.
|