Chủ tịch Traphaco trải lòng về bước chuyển mình và tham vọng dẫn đầu
Năm 2015 là năm khá thành công với CTCP Traphaco (HOSE: TRA) khi cả doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đáng kể nhờ chính sách bán hàng mới và công nghệ IP bắt đầu mang lại hiệu quả. Chủ tịch Vũ Thị Thuận cho biết thời gian tới sẽ là bước chuyển mình mạnh mẽ của Công ty.
Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Traphaco
|
Nốt trầm đáng giá
Bắt đầu từ năm 2014, TRA thực hiện cuộc cách mạng về hệ thống phân phối, từ việc mở rộng thông qua M&A cho đến việc ứng dụng công nghệ IP (Internet protocol) và thay đổi chính sách bán hàng.
Trong đó, chính sách bán hàng mới dựa trên mối quan hệ tình cảm ràng buộc giữa các đại lý và Công ty, mục tiêu lợi ích tương đương và cùng phát triển, đồng thời có các quy định rõ ràng về hoa hồng, thanh toán, giá trị sản phẩm và chất lượng. Sự thay đổi này đã khiến một số khách hàng ban đầu không đồng thuận và doanh thu cùng lợi nhuận TRA trong năm này giảm nhẹ. Đây là năm đầu tiên Công ty không tăng trưởng sau 15 năm duy trì tăng trưởng đều đặn.
Bà Thuận cho rằng năm 2014 là nốt trầm đáng giá bởi kết thúc của cuộc cách mạng này đã mở ra cơ hội lớn cho các năm sau. Công ty có khoảng trên 18,000 khách hàng đại lý ký kết hợp đồng kết thúc năm 2014 và nâng lên 22,000 đến cuối năm 2015. Hệ thống phân phối Traphaco cũng được mở rộng đáng kể với 3 công ty phân phối thông qua M&A ở Thái Nguyên, Quảng Trị, Đắc Lắc, trên 20 chi nhánh và 30 đại lý ở các tỉnh thành chưa có chi nhánh. Đồng thời việc ứng dụng công nghệ IP đã giúp TRA xác định được năng suất lao động của người bán hàng và khả năng bán hàng. Nhờ vậy, nhu cầu đặt hàng kinh doanh hàng tháng rất là chính xác, từ đó TRA chủ động được hàng tồn kho.
Mặt khác, chính sách bán hàng mới cũng đã giúp TRA phát triển thị trường tự do (OTC) ít phụ thuộc vào thị trường ETC (thị trường đấu thầu) - hình thức mà các Công ty đầu tư vào công nghệ không có khả năng cạnh tranh.
Tín hiệu đáng mừng trong năm 2016 là ngay trong tháng 1, Traphaco đã đạt doanh số 150 tỷ đồng.
|
Những thay đổi trên giúp Công ty không bị nợ đọng và dòng tiền cải thiện. Năm 2015, Traphaco ghi nhận doanh thu 1,981 tỷ đồng, lãi ròng 180 tỷ đồng, tăng trưởng trong khoảng 20-25%. “Hầu như trong năm 2015, TRA không phải vay ngân hàng bởi số tiền thu về đã đủ tài trợ cho vốn lưu động, vốn kinh doanh”, bà Thuận cho hay.
Tham vọng dẫn đầu
Về định hướng trong thời gian tới, bà Thuận cho biết, chiến lược phát triển của Traphaco không còn là thuộc hàng đầu nữa mà là dẫn đầu. Khẩu hiệu trong năm 2016 là “đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm, đột phá, thành công và nâng tầm vị thế”.
“Việc này rất khả thi bởi hiện nay TRA đang ở vị trí thứ hai sau Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) nhưng Công ty có các đặc trưng riêng về hệ thống phân phối, uy tín thương hiệu, cơ sở vật chất hiện đại, sản xuất cả đông và tân dược, áp dụng các công nghệ quản trị (5 năm tới sẽ áp dụng từng bước ERP – Enterprise resource planning) và cuối cùng là đội ngũ nhân sự có năng lực. ĐHĐCĐ thường niên 2016 sắp tới, TRA sẽ bầu ra HĐQT cho nhiệm kỳ mới”, bà Thuận nói.
Đại hội cũng sẽ trình kế hoạch tăng vốn, để nâng tầm Công ty thì vốn điều lệ hiện tại rất nhỏ (247 tỷ đồng). Bà Thuận cũng cho biết mục tiêu tăng trưởng của Công ty trong 5 năm tới là không dưới hai con số.
Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập thì TRA cũng có hướng hợp tác với tổ chức nước ngoài để chuyển giao công nghệ. Vào tháng 7/2015, Công ty đã hợp tác với Tập đoàn Novarits của Thụy Sỹ để phân phối sản phẩm cho Sandoz. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, thương vụ hợp tác chưa đem lại lợi nhuận lớn với doanh số chỉ khoảng 3 hay 4 triệu USD. Bà Thuận lý giải nguyên nhân là do sản phẩm Sandoz vẫn còn ở đâu đó trên thị trường và không phải TRA độc quyền như hợp đồng đã ký kết. Do vậy, trong khi TRA thực hiện theo đúng chính sách bán hàng của Sandoz thì nhiều nhà cung cấp khác đưa ra giá tốt hơn. Công ty đã đề nghị Sandoz xem xét lại và kiểm soát nguồn hàng để mối quan hệ hợp tác đúng như trên hợp đồng - TRA là đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm Sandoz trên thị trường OTC.
Lấn sân tân dược
Traphaco hiện đang thực hiện hai dự án xây nhà máy với mục tiêu sản xuất tân dược và tăng cường kiểm soát chất lượng. Đó là nhà máy dược Việt Nam và nhà máy chế biến tại Sapa.
Cụ thể, TRA đã đấu thầu được 19 hạng mục trong dự án xây dựng nhà máy dược Việt Nam, kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2016 và bắt đầu triển khai trong năm 2017. Nếu đi đúng lộ trình, nhà máy dược có thời gian hoàn vốn trong vòng 7 năm.
Nhà máy có công nghệ hiện đại và dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU, sản xuất tân dược như thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi… Điều này có nghĩa là Traphaco hướng tới cả sản xuất tân dược chứ không chỉ dừng lại ở đông dược. Bà Thuận cho biết, tính đến hiện tại nguồn tiền đầu tư vào dự án vẫn đang là vốn tự có của Traphaco từ lợi nhuận tạo ra trong vài năm gần đây và lượng vốn huy động được từ cổ đông hồi tháng 10/2013. Song, thời gian tới là thời điểm gấp rút hoàn thiện cần chi tiền rất nhiều nên có lẽ sẽ phải vay thêm bên ngoài.
Còn nhà máy tại Sapa quy mô 1 triệu USD, tháng 4/2016 sẽ khánh thành để chế biến nguyên liệu từ vùng trồng. Việc này giúp TRA kiểm soát được chất lượng nguyên liệu, tăng quy mô sản xuất./.
|