ASM: Hành trình trở thành doanh nghiệp lớn nhất vùng đất chín rồng
Chặng đường 19 năm không phải là ngắn nhưng sẽ khó đủ để xoay chuyển một doanh nghiệp từ nhỏ trở thành một Tập đoàn kinh tế tầm cỡ trong khu vực. Tập đoàn Sao Mai có trụ sở chính tại tỉnh An Giang là một trong số rất ít doanh nghiệp đã làm nên điều thần kỳ đó. Riêng cá nhân Chủ tịch tập đoàn Sao Mai được vinh danh là một trong 100 nhà quản lý giỏi của các doanh nghiệp Việt Nam.
Vượt “vũ môn”
Tập đoàn Sao Mai (ASM) hiện tại đã có 12 công ty thành viên với tổng số CBCNV hơn 6,000 người, tổng vốn điều lệ hơn 4,400 tỷ đồng, tổng tài sản theo thị giá trên 15,000 tỷ đồng. Với quy mô mở rộng và năng lực gia tăng không ngừng, kể từ năm 2012 Sao Mai đã có mặt bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất cả nước, được vinh danh là một trong 50 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, Nhà phát triển bất động sản hàng đầu ĐBSCL. Công ty I.D.I (IDI) thành viên của Sao Mai cũng được xếp vào Tóp 500 VNR và trong Top 5 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Công ty cổ phần đầu tư du lịch và phát triển thủy sản (Trisedco - DAT) - một thành viên khác của Sao Mai vừa niêm yết cổ phiếu trên HOSE được biết đến là đơn vị chuyên chế biến, cung cấp các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra với sản phẩm chiến lược là dầu ăn cao cấp Ranee tinh luyện từ mỡ cá đầu tiên trên thế giới.
Dầu ăn cao cấp Ranee không chỉ là sản phẩm độc đáo mang về lợi nhuận cao cho công ty mà còn được lãnh đạo Bộ NN&PTNT đánh giá cao trong việc góp phần nâng cao giá trị cho chuỗi sản xuất ngành hàng này. Vừa chào sàn, cổ phiếu DAT của Trisedco đã được giới đầu tư tài chính chuyên nghiệp khát khao săn đón.
Với chuyên môn là kỹ sư xây dựng và có quá trình kinh nghiệm trong ngành, ông Lê Thanh Thuấn - người sáng lập và điều hành đã đưa công ty trở thành đơn vị mạnh trong hoạt động thi công xây lắp. Sau 5 năm trong ngành xây dựng, Sao Mai đã để lại nhiều dấu ấn tại các tỉnh thành trong cả nước với những công trình qui mô lớn, phức tạp, có yêu cầu chuyên môn kỹ mỹ thuật cao, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương. Sang năm 2002 và những năm sau đó, khi thị trường bất động sản khởi sắc, với nền tảng đã có trong mảng xây dựng, Sao Mai bắt đầu mở rộng hoạt động sang lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và dịch vụ. Các hoạt động nhận thầu xây dựng dần thu hẹp lại để nhường chỗ cho các dự án bất động sản trải dài từ miền Tây đến TPHCM, miền Đông và miền Bắc. Việc tham gia vào lĩnh vực này với hàng loạt các dự án hạ tầng khu dân cư nhà ở đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp,… đã giúp Sao Mai gia tăng đáng kể lợi nhuận và đưa Sao Mai trở thành một nhà đầu tư kinh doanh bất động sản quy mô lớn. Song song đó, năm 2003, Sao Mai phát triển mảng kinh doanh dịch vụ du lịch với dự án đầu tiên Sao Mai resort Vũng Tàu qui mô 3.5 ha tiêu chuẩn 4 sao. Mới đây, với việc mua cổ phần chi phối Công ty cổ phần Du lịch Đồng Tháp, một đơn vị có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động du lịch, cho thấy Sao Mai quyết tâm lớn trong việc mở rộng kinh doanh lĩnh vực này.
Năm 2007-2008 khi mà thị trường BĐS rơi vào khó khăn, Sao Mai đã nhanh chóng mở rộng thêm kinh doanh nuôi và chế biến các tra xuất khẩu - một lĩnh vực cho lợi nhuận cao vào thời điểm lúc bấy giờ , để tạo thế chân vạc hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành nghề. Sự linh hoạt lèo lái con thuyền đi đúng hướng đã giúp Sao Mai “tránh bão” an toàn và đạt được sự tăng trưởng ổn định trong những năm tiếp sau.
Ý tưởng táo bạo, tầm nhìn xa
Năm 2007 – 2008, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Tình hình kinh doanh bất động sản lúc đó rất ế ẩm vì lạm phát gia tăng, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưỡng, gần như tất cả các dự án bất động sản đều đóng băng. Không bán được hàng, lãi suất ngân hàng và các chi phí khác đã gặm nhấm nhiều khu dân cư, nhiều chủ đầu tư lâm vào cảnh nợ nần bán dự án để trả nợ, không còn tiền để trả lương cho nhân viên.
Thế nhưng ở thời điểm vô vàn khó khăn ấy, hầu hết các dự án của Sao Mai đều có đầu ra rất tốt, tiêu biểu như dự án Khu dân cư Sao Mai tại phường 7, TP. Bến Tre có diện tích hơn 120,000 m2 (gần 650 lô nền) được triển khai xây dựng hạ tầng vào năm 2003, chào bán sản phẩm đúng thời điểm khó khăn nhất của thị trường BĐS nhưng đến tháng 9/2009 thì toàn bộ số lô nền trong dự án đã được bán hết. Các dự án khác của Sao Mai tại thành phố Long Xuyên và các huyện, thị xã thuộc tỉnh An Giang cũng đã đạt doanh số bán hàng khá ấn tượng. Cũng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu rất khắc nghiệt, nhiều doanh nghiệp đã co cụm việc làm và tinh giảm biên chế thì, cũng thời khắc đó Sao mai lại mở rộng vòng tay tiếp nhận hơn 4.000 lao động, đưa tổng số lao động của Tập đoàn lên hơn 6.000 người hiện tại. Quả là một nghĩa cử và những con số đáng khâm phục. Rồi trời cũng không phụ lòng người, tập đoàn Sao Mai vẫn sừng sững phát triển trong bảo táp của cuộc khủng hoảng tài chính quá cay nghiệt của toàn cầu (2007-2015), với những bước đi ngoạn mục.
“Tập đoàn Sao Mai thành công trên lĩnh vực BĐS không chỉ nhờ kinh nghiệm, uy tín, thương hiệu mà còn dựa trên nền tảng vững chắc nghiên cứu thị trường, nắm chắc nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, lựa chọn địa điểm phù hợp, đặc biệt chú trọng trong khâu quản lý. Trong thời điểm lãi suất ngân hàng cho người vay mua nhà cao thì Sao Mai đã dùng chính nguồn lực của mình hỗ trợ tối đa cho khách hàng như bán hàng trả chậm với lãi suất thấp linh hoạt… nhờ vậy mà doanh số bán hàng của Tập đoàn vẫn đạt mức tăng trưởng ngay thời điểm khó khăn nhất”, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai chia sẻ.
Trong thời điểm lĩnh vực chính của Tập đoàn là BĐS còn khó khăn ấy Ban giám đốc Tập đoàn Sao Mai đã dám nghĩ, dám làm đầu tư sang lĩnh vực được xem là “hot” ở thời điểm đó là nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu mặc dù đây là lĩnh vực khá mới mẽ đối với công ty. Với sự đầu tư đón đầu về công nghệ, có chính sách phát triển vùng nuôi hợp lý cùng với hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nên chỉ sau một thời gian ngắn gia nhập lĩnh vực mới, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của IDI, thành viên của Tập đoàn đã được nhiều quốc gia biết đến, liên tục nhiều năm IDI nằm trong Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Còn nhớ khoảng thời gian này cách đây gần 10 năm trước, lần đầu tiên tôi khá bất ngờ khi được nghe ông Thuấn chia sẻ kế hoạch đang theo đuổi nghiên cứu một dây chuyền tinh luyện mỡ cá tra thành dầu ăn và nguyên liệu đầu vào cho ngành dược phẩm, mỹ phẩm. Vào thời điểm đó phụ phẩm cá tra rẻ như bèo, chủ yếu là làm nguyên liệu thức ăn gia súc, việc tận thu để tinh chế thành mặt hàng giá trị cao là một điều xa vời chưa ai dám nghĩ tới.
Trong một vài lần sau khi đến công ty tôi được ông Thuấn cho xem nhiều sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm với nhiều nhãn hiệu của nhiều quốc gia có thành phần chiết suất từ dầu cá với các thành phần acid béo Omega 3, EPA, DHA chủ yếu được khai thác từ một số loài cá biển sống ở các vùng nước lạnh, giá cả rất đắt đỏ. “Trong khi đó mỡ cá tra được nuôi trên dòng MêKông của Việt Nam cũng rất giàu các dưỡng chất này, như kho báu chưa được khai quật, điều quan trọng là dùng công nghệ gì để chiết suất, tinh luyện nó”, ông Thuấn phân tích. Để có được sản phẩm dầu cá tinh luyện Ranee là một sự kỳ công của ông Thuấn sau nhiều năm bôn ba ra nước ngoài tìm kiếm, đặt hàng công nghệ.
Với tầm nhìn chiến lược, mới đây Tập đoàn Sao Mai đã ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty Koyo Corporation trực thuộc tập đoàn Koyo Group của Nhật Bản tiến tới xây dựng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời. Lại một lĩnh vực hứa hẹn rất mới được Sao Mai đang thò chân tới.
Tại hội nghị về khí hậu COP-21 diễn ra tại Paris một lần nữa các nhà khoa học đã gióng lên hồi chuông báo động các vấn đề trong sử dụng quá nhiều năng lượng hóa thạch phát sinh thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm cho toàn cầu nóng lên. Xu hướng tất yếu của cả thế giới hiện nay đang đổ xô tìm nguồn năng lượng thay thế nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt và góp phần cải thiện vấn nạn ô nhiễm môi trường. Hiện nay, nguồn năng lượng mặt trời được xem là năng lượng sạch, hiệu quả nhất. Do nước ta nằm gần đường xích đạo, khí hậu nhiệt đới nên có tiềm năng dồi dào về năng lượng mặt trời, đây là một mệnh đề để Sao Mai quyết định lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh năng lượng sạch, một ngành kinh doanh của tương lai, còn giàu tiềm năng chưa được nhiều doanh nghiệp khai phá. Việc ký thỏa thuận hợp tác với công ty Koyo Corporation được xem là một hướng đi tắt đón đầu có tính chiến lược của Tập đoàn Sao Mai, ông Thuấn tiết lộ.
Trong buổi làm việc với UBND TP. Cần Thơ mới đây, ông Thuấn cũng đề nghị được địa phương chấp thuận cho công ty làm chủ đầu tư hạ tầng KCN 400 ha tại quận Thốt Nốt và cho biết nếu được chấp thuận, Sao Mai sẽ đầu tư một KCN hiện đại, chủ yếu là sử dụng năng lượng sạch đề thu hút nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc đến đầu tư tại đây.
Trong thời gian gần đây, Tập đoàn Sao Mai còn được biết đến với việc khởi công và chuẩn bị đầu tư hàng loạt dự án lớn như: Sao mai resort Phú Quốc 1,200 tỷ đồng, nhà máy chế biến thức ăn thủy sản 20 triệu USD, khu đô thị tại Triệu Sơn, Thanh Hóa hơn 800 tỷ đồng, khách sạn 5 sao tại Đồng Tháp, Dự án thành phố mới Long Xuyên, Khu dân cư thương mại và dịch vụ tại TP. Cần Thơ…đã cho thấy một Tập đoàn Sao Mai đang hừng hực sinh lực để lớn mạnh./.
|