Ấn tượng doanh nghiệp ngàn tỷ từ tự tích lũy mà nên
Với làn sóng tăng vốn ồ ạt như hiện nay, trên sàn niêm yết không hiếm doanh nghiệp vốn ngàn tỷ và đa phần đều nhờ chào bán để thu tiền tươi thóc thật từ cổ đông và nhà đầu tư. Song, vẫn có những trường hợp hiếm hoi doanh nghiệp tăng vốn ngàn tỷ nhờ tích lũy từ hoạt động kinh doanh hay thặng dư vốn.
* Những chiếc thùng không đáy trên TTCK và dấu hỏi về hiệu quả
* Phát hành thêm: “Ế” lần đầu, thành công khi phân phối lại - chiêu trò, ma mãnh?
Khi nhắc đến phát hành cổ phiếu trả cổ tức hay thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, ở khía cạnh tiêu cực thì nhà đầu tư suy đoán rằng doanh nghiệp thiếu tiền không thể trả cổ tức tiền mặt nên dùng phương án trả cổ phiếu để xoa dịu nhu cầu được chia lợi nhuận của cổ đông. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác cũng là xu hướng thường thấy trên thế giới là doanh nghiệp dùng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư mở rộng quy mô. Khi nhìn lại cả quá trình phát triển và tăng quy mô có lẽ nhà đầu tư sẽ không khỏi giật mình với những trường hợp vốn tăng ngàn tỷ chỉ nhờ tích lũy từ hoạt động kinh doanh. Điều mà những doanh nghiệp chuyên thanh toán cổ tức tiền mặt cao cho cổ đông khó có thể đạt được.
Trên sàn niêm yết hiện nay có 83 đơn vị có vốn trên ngàn tỷ đồng; trong đó có 9 ngân hàng, 6 công ty chứng khoán và 2 đơn vị bảo hiểm.
|
Điển hình trong nhóm doanh nghiệp này, Đầu tư Thế giới di động (HOSE: MWG) là một điểm sáng. Khởi đầu từ năm 2004 cho đến năm 2009, MWG có vốn điều lệ chỉ khoảng 7.6 tỷ đồng, sau 6 năm sau thì số vốn tăng lên mốc gần 1,500 tỷ đồng. Điều đáng nói ở đây là ngoại từ hơn 2 triệu cp chào bán cho cổ đông hiện hữu, cổ đông riêng lẻ có thu tiền thì còn lại đều tăng vốn từ thặng dư vốn cổ phần hay lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Cụ thể, tháng 3/2011, Công ty tăng vốn từ 7.6 tỷ lên 98 tỷ bằng cách phát hành hơn 9 triệu cp lấy từ lợi nhuận chưa phân phối tại năm 2010. Tháng 4/2014, MWG phát hành 7.8 triệu cp thưởng và 43.3 triệu cp để trả cổ tức nhằm tăng vốn lên 627 tỷ đồng. Sau khi niêm yết tại Sở GDCK TPHCM (HOSE) vào tháng 7/2014, Công ty cũng toàn thưởng cổ phiếu hay chia cổ tức cổ phiếu. Ngoài ra, MWG cũng là một trong các đơn vị dẫn đầu thị trường về việc phát hành ESOP cho cán bộ công nhân viên.
* Lỡ mua cổ phiếu DN tăng vốn khủng, biết đời nào lấy lại vốn?
* Thế hệ tiếp theo của kịch bản lãi khủng và tăng vốn
Một trường hợp điển hình khác, Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) cổ phần hóa từ năm 2005 với mức vốn điều lệ 49 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, vốn DRC đã tăng lên 914 tỷ đồng. Tương tự MWG, quy mô vốn của DRC tăng trưởng chủ yếu từ các đợt phát hành cổ phần trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu và thưởng cổ phiếu. Có thể nói từ thời điểm niêm yết đến nay, DRC luôn là đơn vị đưa ra các mức cổ tức đáng mơ ước cho cổ đông, không chỉ cổ phiếu mà còn cả bằng tiền mặt. Mức cổ tức mà DRC đưa ra các năm trước đều khoảng 40% cả tiền mặt và cổ phiếu. Riêng năm 2011, Công ty đặc biệt chia cổ tức cổ phiếu 40% và thưởng thêm 10% cổ phiếu cho cổ đông. Song đến năm 2015, đơn vị lại chỉ đưa ra mức cổ tức 15% tiền mặt và cổ đông đã không thông qua mức này khi được lấy ý kiến bằng văn bản.
Không phải đơn vị nào cũng có khả năng chỉ dựa vào yếu tố nội tại mà có thể mở rộng được hoạt động sản xuất kinh doanh đạt đến quy mô ngàn tỷ đồng. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải duy trì được hoạt động tăng trưởng ổn định, lợi nhuận đều đặn thì mới có khả năng tích cóp, tạo giá trị thặng dư cho cổ đông cũng như mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh từ chính đồng vốn cổ đông đóng góp ban đầu.
Quá trình tăng vốn của MWG và DRC
Tích lũy là cách mà DRC và MWG đã mở rộng quy mô mà không cần huy động thêm vốn từ cổ đông hay nhà đầu tư bên ngoài
|
Quả thật, đi kèm với giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, mở rộng quy mô đến nay cả MWG và DRC đều đạt được những thành quả đáng kể. MWG hiện đã có 70 cửa hàng trong chuỗi Điện máy xanh, gần 600 cửa hàng của thegioididong.com và khoảng 10 cửa hàng chuỗi Bách hóa Xanh, đồng thời cũng đẩy mạnh cả online và phát triển thị phần hàng điện tử ở thị trường phía Bắc. Còn DRC trở thành một trong hai doanh nghiệp trên sàn có được nhà máy lốp xe tải Radial, công suất 600 ngàn lốp/năm và là đơn vị chiếm thị phần cao nhất nước về lốp ô tô tải (khoảng 13%). Đồng thời, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) của cả hai đều khá cao, MWG duy trì trên 8,000 đồng và DRC trên 4,500 đồng trong các năm gần đây.
Trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đem lại sự hài lòng cho nhà đầu tư như VNM, MSN, GAS, VIC… nhưng tăng vốn mạnh chỉ từ vốn chủ sở hữu như DRC và MWG là hàng hiếm và đáng ghi nhận./.
|