VEC được tăng vốn điều lệ lên hơn 72,600 tỷ đồng
Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương điều chỉnh vốn điều lệ của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) của Bộ GTVT. Theo đó, vốn điều lệ của VEC đến năm 2019 sẽ là 72,602 tỷ đồng.
Được biết tại thời điểm thành lập vào cuối năm 2009, vốn điều lệ của VEC là gần 1,019 tỷ đồng.
Các dự án VEC được giao làm chủ đầu tư được thực hiện chủ yếu từ 2 nguồn vốn là vay lại của Chính phủ vay các nhà tài trợ, phần vốn còn lại VEC phát hành trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ. Tuy nhiên với số vốn điều lệ (1,018 tỷ đồng) và tài sản của VEC cũng chưa được hình thành và xác định, do đó việc huy động vốn từ các tổ chức xã hội, tư nhân là rất khó khăn; việc phát hành trái phiếu công trình cũng không thực hiện được do quy định của Luật Quản lý nợ công (tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu không được quá 3 lần).
Bên cạnh đó các Nhà tài trợ quốc tế đều cho rằng khả năng tài chính của VEC là không mạnh; khả năng trả nợ của một số dự án do VEC đang đầu tư xây dựng là thấp, đồng thời các dự án hoàn thành và đưa vào khai thác cũng chỉ đảm bảo hoàn trả toàn bộ hoặc một phần vốn vay trong thời gian vay, do đó nguồn kinh phí để tái đầu tư và xây dựng các dự án mới là hết sức khó khăn. Vì vậy, để tiếp tục đầu tư và phát triển cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ cho VEC.
Trước tình hình đó, từ năm 2012, Bộ GTVT đã chỉ đạo VEC xây dựng Đề án tái cơ cấu, thực hiện theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc “đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước”. VEC đã lập phương án tái cơ cấu mô hình tổ chức và nguồn vốn đầu tư trình Bộ GTVT và Bộ đã báo cáo Chính phủ. Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu tổ chức, hoạt động của VEC tại Quyết định số 1902/QĐ-BGTVT ngày 13/8/2012, đồng thời tiếp tục chỉ đạo VEC lập phương án tái cơ cấu tài chính của 5 dự án để trình Bộ và Chính phủ. Ngày 12/11/2012, VEC đã trình Bộ và Bộ đã trình Chính phủ. Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch&Đầu tư, Thủ tướng đã có Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 về tái cơ cấu nguồn vốn của 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư.
Theo đó, VEC phát hành trái phiếu công trình cho các dự án đường cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai; vốn đối ứng Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; vay lại từ các khoản vay của Chính phủ từ các tổ chức tín dụng quốc tế (ADB, WB, JICA).
VEC chủ động tiếp xúc các nhà tài trợ quốc tế để vay các nguồn vốn lớn cho các dự án lớn và huy động các nguồn vốn khác từ xã hội. Tổng nguồn vốn huy động cho 5 dự án (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh – Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Bến Lức – Long Thành) là 125,572 tỷ đồng.
Các dự án đã đưa vào khai thác như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Các dự án đang triển khai gồm đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Dự án chuẩn bị đầu có đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn (đoạn km1+800 – km45+100)./.
|