Vàng rớt mốc 1,100 USD/oz
Triển vọng dài hạn của giá vàng vẫn còn khá bi quan
Hợp đồng vàng tương lai rớt giá 2 phiên liên tiếp vào ngày thứ Hai khi kim loại quý không thể giành lại mốc 1,100 USD/oz sau đà leo dốc 4% trong tuần trước, MarketWatch cho biết.
* Dầu lao xuống dưới 32 USD/thùng lần đầu trong 12 năm
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng vàng giao tháng 2 rớt 1.70 USD (tương ứng 0.2%) xuống 1,096.20 USD/oz sau khi tăng lên mức cao nhất trong phiên tại 1,108.30 USD/oz. Được biết, giá kim loại quý ghi nhận đà leo dốc 3.6% trong tuần trước, mức tăng hàng tuần mạnh nhất kể từ ngày 21/08/2015, dữ liệu của FactSet cho thấy.
Từ đầu tháng đến nay, giá vàng đã tăng 3.4%.
Theo CNBC, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0.8% xuống 1,095.06 USD/oz.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc và hầu hết các thị trường chứng khoán toàn cầu đều lao dốc mạnh vào ngày thứ Hai. Tuy nhiên, tại thời điểm thị trường vàng khép phiên, chứng khoán Mỹ lại trồi sụt.
Trong tuần trước, kim loại quý đã tăng mạnh trước mối lo lắng về các vấn đề trên toàn cầu, bao gồm căng thẳng tại vùng Trung Đông giữa Iran và Ả-rập Xê-út cũng như đợt thử nghiệm bom hạt nhân tại Triều Tiên. Vàng được xem là kênh trú ẩn an toàn và hưởng lợi khi nhà đầu tư tập trung vào tình trạng căng thẳng toàn cầu.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng bạc giao tháng 3 mất 5.2 xu (tương ứng 0.4%) còn 13.866 USD/oz.
Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất, qua đó làm giảm tính hấp dẫn của các kim loại vốn không đem lại lợi suất, đã làm giảm nhu cầu vàng của nhà đầu tư.
Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp lạc quan hơn dự báo được công bố trong ngày thứ Sáu, với lượng công việc tăng thêm 292,000 trong tháng 12, đã ủng hộ quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có lý do chính đáng để nâng lãi suất trong suốt năm 2016, qua đó nhấc bổng đồng USD và gây áp lực lên giá vàng trong tương lai.
Những yếu tố này đã khiến tâm lý của một vài nhà phân tích trở nên bi quan hơn đối với vàng.
Trong khi đó, mối lo lắng về tốc độ tăng trưởng ảm đạm tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng là nhà nhập khẩu kim loại hàng đầu thế giới, đã làm giảm nhu cầu kim loại của quốc gia này.
Trong số các kim loại còn lại trên sàn Comex, hợp đồng đồng giao tháng 3 mất 5 xu (tương ứng 2.5%) còn 1.973 USD/oz, mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Hợp đồng bạch kim giao tháng 4 giảm 32.40 USD (tương ứng 3.7%) và khép phiên tại 846.30 USD/oz. Trong khi đó, hợp đồng paladi giao tháng 3 rớt 19.30 USD (tương ứng 3.9%) xuống 474.30 USD/oz./.
Diễn biến giá vàng giao ngay 3 phiên vừa qua
Nguồn: Kitco
|
Diễn biến giá vàng giao ngay trên sàn New York
Nguồn: Kitco
|
|