Trung Quốc đang khơi mào cho một cuộc chiến tiền tệ toàn cầu?
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục mất giá và đang châm ngòi cho cuộc tranh luận về một “cuộc chiến tiền tệ” toàn cầu.
* Trung Quốc phá giá nhân dân tệ 0,51%
* Trung Quốc tạm dừng áp dụng thiết bị ngắt giao dịch tự động
Theo CNN Money, khi Trung Quốc tiến hành giảm giá Nhân dân tệ, các quốc gia đang phát triển khác cũng sẽ có động thái tương tự. Và các động thái tiền tệ gần đây của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm khá quan trọng đối với đồng Nhân dân tệ khi đồng tiền này được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế được biết đến với tên gọi Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của tổ chức này.
Có thể không phải các quan chức Trung Quốc đang khơi mào cho một cuộc chiến tiền tệ, một số chuyên gia nhận định. Xét cho cùng, hiện họ đang cho phép các lực lượng thị trường phát huy sức ảnh hưởng lớn hơn đến đồng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, hiệu ứng “quả cầu tuyết” đối với một đồng tiền rớt giá mạnh đang tăng tốc. Hiện đồng Nhân dân tệ đã giảm 6% so với đồng USD so với cách đây 1 năm.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thậm chí đã hạ giá đồng tiền này xuống mức thấp hơn trong ngày thứ Năm (07/01) kể từ sau động thái phá giá đầy bất ngờ vào tháng 8/2015. Lo lắng ở đây là động thái này sẽ buộc các quốc gia khác “trả đũa” bằng việc phá giá đồng tiền của mình.
Trong vòng một năm qua, đồng nội tệ của Indonesia và Thái Lan đã sụt lần lượt 9% và 10%. Đồng tiền của Việt Nam và Đài Loan cũng giảm 4% và 6%.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia này có tính hai mặt: vừa là đối tác nhưng cũng vừa là đối thủ trong lĩnh vực thương mại.
Bằng cách phá giá đồng tiền của mình, Trung Quốc đã đạt được lợi thế trong hoạt động giao thương toàn cầu. Các mặt hàng xuất khẩu của nước này sẽ trở nên rẻ hơn và hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài. Để duy trì sự cạnh tranh so với Trung Quốc, các đối tác thương mại của nước này – hầu hết là tại châu Á – cũng sẽ phá giá để duy trì một đồng tiền rẻ.
“Các thị trường mới nổi sẽ phản ứng tiêu cực”, nhận định của Ihab Salib, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định quốc tế tại Federated Investors. Họ phải duy trì sự cạnh tranh.
Đà giảm giá của các đồng tiền toàn cầu cũng là tín hiệu về một bức tranh lớn hơn. Nhiều quốc gia thị trường mới nổi đang dựa vào việc xuất khẩu các loại hàng hóa như dầu, đồng và đậu nành để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giá hàng hóa đã liên tục sụt giảm trong vòng một năm qua và tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng lúc, đồng USD mạnh và động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến việc vay mượn tiền ở nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn.
Các chuyên gia cho rằng chính những lực lượng này – chứ không nhất thiết phải là PBoC – đang đẩy đồng Nhân dân tệ giảm giá.
Trên thực tế, PBoC đã chi “hàng tấn” tiền để nâng đỡ Nhân dân tệ. Được biết, trong năm ngoái, ngân hàng này đã chi 500 tỷ USD để ngăn đồng tiền này giảm giá sâu hơn nữa.
“Không phải (các quan chức Trung Quốc) muốn làm suy yếu đồng Nhân dân tệ mà họ đang cố gắng ngăn đồng tiền này giảm giá mạnh hơn nữa”, nhận định của Win Thin, Trưởng bộ phận tiền tệ thị trường mới nổi tại Brown Brothers Harriman. “Thị trường đang cho thấy các đồng tiền thị trường mới nổi, trong đó có Nhân dân tệ, sẽ suy yếu hơn nữa”.
Và điều quan trọng là cần phải nhớ rằng Nhân dân tệ không chìm nghỉm. Có thể đồng tiền này đang đứng ở mức thấp nhất trong 5 năm nhưng vẫn là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất tại các thị trường mới nổi. Đồng tiền của các nước như Brazil, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi đều trượt dài 2 con số trong vòng một năm qua.
Dù vậy, Trung Quốc có tác động mạnh đến các đồng tiền khác nhiều hơn so với đồng tiền của những quốc gia này.
Liệu các lực lượng thị trường hay PboC đang đẩy đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp hơn thì phản ứng từ các đối thủ của Trung Quốc vẫn giống nhau: phá giá đồng tiền của mình. Điều vẫn chưa rõ ràng là các nước sẽ phá giá đến mức nào và tác động của những động thái đó lên nền kinh tế toàn cầu, cũng như khi nào thì làn sóng phá giá sẽ kết thúc./
|