Trung Quốc: các công ty thép lỗ nặng
Từ tháng 1 đến tháng 11-2015, các công ty thép chủ chốt của Trung Quốc (TQ) thua lỗ khoảng 53,1 tỉ nhân dân tệ (8,07 tỉ đô la Mỹ) vì sản lượng dư thừa và nhu cầu sụt giảm mạnh, theo thông tin từ Hiệp hội Sắt thép TQ (CISA) ngày 18-1-2016.
Công nhân làm việc tại một nhà máy thép ở TP Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, TQ. Ảnh: Getty Images
|
Ngành thép TQ, chiếm khoảng 50% sản lượng thép toàn cầu, là một trong những ngành bị thua lỗ nặng nề nhất khi tăng trưởng kinh tế của TQ giảm tốc.
Chủ tịch CISA kiêm Chủ tịch Tập đoàn sắt thép nhà nước An Sơn, ông Trương Quảng Ninh, cho biết tổng công suất thép của TQ ở mức 1,2 tỉ tấn/năm nhưng hiện nay các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, ở mức 2/3 công suất.
Dù doanh nghiệp thua lỗ, thu hẹp hoạt động song theo ông Trương, TQ vẫn chưa có cơ chế cho phép các doanh nghiệp thoát khỏi thị trường. Ông nói: “Một số doanh nghiệp muốn thoát ra nhưng con đường thoát chưa được khai thông; một số chính quyền địa phương tiếp tục hối thúc các doanh nghiệp thép sản xuất vì lợi ích của sự phát triển địa phương và ổn định xã hội”. Ông ám chỉ đến nỗi lo của chính quyền các địa phương khi hàng loạt công nhân bị mất việc vì nhà máy thép đóng cửa.
Ông nói lợi nhuận của các doanh nghiệp thành viên CISA giảm 19,3% trong 11 tháng qua, với hơn 50% số doanh nghiệp bị thua lỗ.
Ông cho biết tiêu thụ thép của TQ đạt đỉnh vào năm 2013 và sản lượng thép của TQ lên mức cao nhất từ trước đến nay vào năm 2014. “Thời kỳ tăng trưởng nhu cầu cao của thị trường thép đã qua và kể từ bây giờ trở đi nhu cầu thép sẽ từ từ giảm”, ông Trương nhận định.
Trong 11 tháng đầu năm 2015, sản lượng thép thô của TQ đã giảm 2,2% còn 738,4 triệu tấn, đồng thời nhu cầu tiêu thụ thép trong cùng thời kỳ giảm 5,5%, còn 645 triệu tấn.
Xuất khẩu thép mang lại niềm hy vọng cho các doanh nghiệp thép TQ vì giá thép trong nước trong nước giảm giúp họ có lợi thế cạnh tranh với các nhà sản xuất thép nước ngoài nhưng đồng thời dẫn đến số vụ tranh chấp thương mại tăng vọt. Ở khắp nơi trên thế giới, các chính phủ và doanh nghiệp đều lên tiếng cảnh báo về làn sóng "bán tháo" thép từ TQ và vận dụng các biện pháp bảo hộ thị trường để ứng phó.Năm 2015, các doanh nghiệp TQ là đối tượng của 36 vụ điều tra chống phá giá, gấp đôi năm 2014.
Chánh Tài
tbktsg
|