TP.HCM kiến nghị có cơ chế riêng huy động vốn
Từ ngày 1-7-2017 nguồn vốn ODA sẽ chỉ dành cho các tỉnh khó khăn, những dự án dân sinh, các chương trình xóa đói giảm nghèo chứ không để đầu tư những dự án hạ tầng lớn...
Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đã từ chối việc vay vốn ODA mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, thay vào đó là tự huy động vốn tự có và vốn vay trong nước để triển khai dự án - Ảnh: Hữu Khá
Tại hội thảo khoa học “Cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 8-1, ông Trương Hùng Long, cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết từ ngày 1-7-2017 nguồn vốn ODA sẽ chỉ dành cho các tỉnh khó khăn, những dự án dân sinh, các chương trình xóa đói giảm nghèo chứ không để đầu tư những dự án hạ tầng lớn...
Theo ông Long, hiệu quả sử dụng vốn ODA của các địa phương thời gian qua còn nhiều bất cập, hầu hết dự án thiếu vốn đối ứng, chậm tiến độ, 90% dự án phải gia hạn ít nhất một lần, kéo theo tăng chi phí, có những dự án đội vốn lên hàng tỉ USD.
Do đó tới đây sẽ có cơ chế phù hợp nhất để quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài hiệu quả hơn tại các địa phương.
Cũng tại hội thảo, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết trong điều kiện huy động vốn từ ngân sách còn hạn chế, việc huy động trong và ngoài nước là một giải pháp bắt buộc để TP.HCM có thêm nguồn lực thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.
Do đó, TP.HCM kiến nghị được tăng tỉ lệ điều tiết, có cơ chế riêng về tỉ lệ bội chi ngân sách, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu chính quyền trong nước bằng ngoại tệ, trực tiếp vay vốn nước ngoài.
N.Bình
Tuổi trẻ
|