Thu ngân sách vượt dự toán 60.000 tỷ đồng: Dấu ấn của điều hành
Không phải đợi tới "phút 89" như cách đây 2 năm để biết thu ngân sách có về đích đúng hạn hay không, câu hỏi đặt ra cho “túi tiền quốc gia” trong năm 2015 chỉ là vượt dự toán bao nhiêu. Số thu ước tính lên tới hơn 970.000 tỷ đồng được Bộ trưởng Bộ Tài chính chính thức thông báo những ngày cuối tháng 12 theo đánh giá của giới chuyên gia là minh chứng rõ ràng nhất cho một năm đầy nỗ lực của Chính phủ và cơ quan chức năng.
Biến bất lợi thành cơ hội
Con số ước tính về tổng thu ngân sách trong năm 2015 vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ là khoảng 973.000-976.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng hơn 60.000 tỷ đồng).
Điều này cũng đồng nghĩa, khả năng ngân sách sẽ không phải không dùng tới khoản 10.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa để cân đối. "Đây là tín hiệu tốt," Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông báo trong hội nghị Chính phủ với các địa phương tổ chức cuối tháng 12.
Nhìn lại kết quả này, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng, trước bối cảnh giá dầu thô liên tục xuống thấp, nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu có thể giảm mạnh, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 06 đôn đốc thu ngân sách. Tuy nhiên, trước nỗi lo hụt thu, chỉ thị của Chính phủ đã khẳng định, đây là cơ hội để giảm chi phí đầu vào, mở rộng sản xuất kinh doanh và từ đó tăng thu ngân sách.
Ngoài ra, theo ông Hưng, một lý do quan trọng khác là sự điều hành kinh tế vĩ mô ổn định trong năm qua. Đây là điều kiện theo ông là vô cùng quan trọng để đầu tư, tiêu dùng xã hội cũng như hoạt động xuất nhập khẩu phát triển, từ đó tạo nguồn thu.
Ngoài yếu tố kinh tế ấm dần lên, lãnh đạo Vụ ngân sách Nhà nước cho rằng, sự vào cuộc từ Chính phủ tới bộ, địa phương để rà soát từng nguồn thu, từng số thu phát sinh, các khoản nợ thuế đã giúp số thu tăng tới 2 con số trong năm nay.
Đặc biệt, theo ông Hưng, một điều đáng ghi nhận là tỷ trọng thu nội địa đang có nhiều nét tích cực. Nếu như trong giai đoạn trước, tỷ trọng thu nội địa thường chỉ đạt khoảng 59-68% cho giai đoạn trước năm 2015 thì năm qua, con số này đã lên tới 74%. Sự chuyển dịch cơ cấu thu theo ông Hưng đã được thể hiện rõ ràng.
Đồng tình với nhận định này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) còn cho rằng, một điểm khó trong năm qua với ngân sách ngoài giá dầu giảm còn là lạm phát thấp.
"Trong kinh tế, lạm phát cũng là một nguồn thu ngân sách. Lạm phát thấp thì các loại thuế tính theo giá cũng sẽ bị ảnh hưởng," ông Cường nói.
Ngoài ra, theo ông, những cam kết quốc tế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do đã khiến nhiều khoản thuế bị cắt giảm. Đây là những yếu tố đã tác động tới số thu ngân sách.
"Tuy nhiên, với kết quả thu ngân sách hiện tại, có thể nói đó là sự cố gắng lớn của Chính phủ và Bộ Tài chính," vị chuyên gia này lên tiếng.
Giá dầu liên tục thủng đáy trong năm 2015 đã khiến ngân sách hụt thu riêng về lĩnh vực này hàng chục nghìn tỷ đồng. (Ảnh: TTXVN)
Về phần mình, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, những quyết sách theo ông là "táo bạo" trong đó có việc tăng thuế bảo vệ môi trường đã giúp tăng nguồn thu trong năm qua.
Nhờ vậy theo ông, đây là một trong những khoản thu đã sớm về đích trong năm nay. Theo tính toán, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường sau 11 tháng đã đạt gần 186% dự toán.
Năm 2016: Dư địa tăng thu vẫn còn?
Đánh giá cao những nỗ lực quản lý ngân sách năm 2015 nhưng ông Vũ Sỹ Cường cũng thẳng thắn, "sang năm có thể khó hơn vì những khoản có thể khai thác như nợ đọng, chậm thu đã khai thác rồi."
Ông Cường cho rằng, các khoản thu từ thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn là nguồn thu trụ cột nhưng việc có thể vượt thu như năm 2015 hay không theo ông còn phụ thuộc vào nền kinh tế có tiếp tục ấm lên không.
Nhận định thêm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong dự báo, ngoài hai khoản bền vững là thuế bảo vệ môi trường và thuế thu nhập cá nhân, các khoản thu từ nhà, đất, lệ phí trước bạ cũng có thể giữ phong độ khi thị trường bất động sản đang nóng lên.
Cùng nhận định này nhưng phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Sỹ Cường cho rằng, khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân hoàn toàn có thể tăng lên nếu cơ quan chức năng "làm quyết liệt."
"Việt Nam vẫn là nước dùng tiền mặt nhiều, nếu kiểm soát tốt hơn thì việc thu thuế sẽ tích cực hơn. Năm nay ngành thuế làm quyết liệt nhưng thế là chưa đủ. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn nhiều ràng buộc khác chứ không chỉ riêng ngành thuế," ông Cường đánh giá.
Ngược lại, theo ông Vũ Sỹ Cường, yếu tố ông lo lắng là vấn đề lạm phát. "Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc khá nhiều các loại thuế đi theo giá, trong khi các nước phát triển, các khoản thuế trực thu quan trọng hơn. Bởi vậy, việc tăng giá thấp sẽ gây khó khăn nhất định cho thu ngân sách," ông Cường nhận định.
Một khó khăn nữa theo ông liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là khoản thuế theo ông Việt Nam đang thực hiện lộ trình cắt giảm nên số thu dự báo có thể sẽ không tăng nhiều.
Với khoản thu từ dầu thô đang nhận được nhiều sự quan tâm những tháng cuối năm khi giá nguyên liệu này liên tục thủng đáy, ông Cường tỏ ra khá lạc quan.
Khoản thu này theo ông hiện giữ vai trò không quá quan trọng, chỉ khoảng 6% tổng thu ngân sách chắc chắn sẽ ảnh hưởng khi giá dầu xuống thấp nhưng về tổng quan, giá dầu thấp sẽ có lợi cho nhiều ngành khác.
"Giá dầu thực ra là khoản trung gian quan trọng. Nếu giá thấp thì doanh nghiệp sẽ có nguyên liệu đầu vào thấp, có thêm lãi và từ đó nộp thuế nhiều hơn," vị chuyên gia từ Học viện Tài chính nói./.
Theo dự toán ngân sách năm 2016 được Quốc hội thông qua tháng 11/2015, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
|
Xuân Dũng
Vietnam+
|