Thứ Hai, 18/01/2016 09:15

Những điểm nóng bất động sản tại các “tỉnh lẻ”

Không chỉ riêng 2 thành phố phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh thành trên cả nước trong năm 2015 cũng bắt đầu “dậy sóng” nhờ trào lưu đầu tư “đánh bắt xa bờ” của các đại gia lớn trong ngành.

Đại gia bất động sản với trào lưu “ đánh bắt xa bờ ”

Một mặt ăn theo các chính sách quy hoạch đô thị, cảng biển, nhà ga, nhà máy... Mặt khác, doanh nghiệp phân tán các vùng đầu tư và tận dụng những lợi thế có sẵn của địa phương để phát triển dự án. Điểm qua các địa phương, có không ít doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã và đang tạo được những quỹ đất tiềm năng và khẳng định tên tuổi của mình ở nhiều nơi.

Phú Quốc

Được mệnh danh là đảo ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam và nằm trong vịnh Thái Lan, Phú Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách cả trong và ngoài nước..Bên cạnh đó, việc được định hướng xây dựng thành đặc khu hành chính - kinh tế thuộc Trung ương đã giúp Phú Quốc trở thành thỏi nam châm hút hàng tỷ đô la đổ vào, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

* Doanh nghiệp niêm yết ồ ạt đổ tiền vào Phú Quốc

Một số dự án doanh nghiệp niêm yết đầu tư tại Phú Quốc

Tên tuổi đầu tiên phải kể đến chính là Tập đoàn Vingroup (VIC) với khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl khai trương cuối năm 2014 với 402 phòng nghỉ và 220 biệt thự tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, để tăng sức hấp dẫn, VIC còn xây dựng vườn thú lớn thứ hai thế giới với tổng vốn 150 triệu USD, quy mô 500 ha, hội tụ 1,000 loài động thực vật.

Một công ty trực thuộc VIC là CTCP ĐT& PT Du lịch Phú Quốc cũng đang trực tiếp quản lý dự án cảng tàu biển hành khách quốc tế theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư 1,644 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư BOT là 493 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công vào cuối tháng 4/2015, dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2017.

Tháng 11/2015 vừa qua, Tập đoàn Sao Mai (ASM) tranh thủ triển khai dự án Sao Mai Resort Phú Quốc với tổng mức đầu tư 1,200 tỷ đồng, diện tích 20 ha, gồm 10 ha là resort và du lịch sinh thái, còn lại là khách sạn cao cấp và khu đô thị. ASM sẽ dành ra 600 tỷ đồng trong tổng số tiền mặt 1,072 tỷ đồng vừa thu về từ đợt phát hành tháng 9/2015 để đầu tư vào dự án này, 50% sẽ vay ngân hàng.

Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng góp mặt tại Phú Quốc với khu resort và khách sạn 5 sao, quy mô 20 ha. Hiện dự án đã có quỹ đất sạch và đang trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 điều chỉnh.

Ngoài ra phải kể đến hàng loạt ông lớn khác cũng đang đổ tiền vào như Tập đoàn FLC, LDG Group, Tập đoàn CEO

Đà Nẵng 

Thành phố hơn 1 triệu dân này đang trở thành một trong những địa phương có vị trí địa lý trọng yếu, sở hữu những danh lam thắng cảnh, khu du lịch nghỉ dưỡng xuất hiện trên các trang báo nổi tiếng của thế giới. Yếu tố này trở thành lợi thế để Đà Nẵng thu hút không ít doanh nghiệp đầu tư vào dự án khu dân cư và du lịch nghỉ dưỡng.

Hai thổ địa thuộc họ “Nhà Đà Nẵng” NDN NDX dường như đã quá quen thuộc trên sân nhà với nhiều công trình như trung tâm hội chợ triển lãm, đài truyền hình, khu công nghệ cao Đà Nẵng… Trong hoạt động hiện tại của mình, NDN tranh thủ khai thác đất nền tại Green Lake, Sơn Trà Ocean View và căn hộ Đà Nẵng Plaza và Lapaz Tower. Đồng thời, NDN và NDX đang cùng nhau khởi động dự án khu phức hợp The Monarchy (đã hoàn thiện xong phần thô) và dự kiến bàn giao nhà vào quý 1/2016.

Ngoài ra, sự nóng sốt thị trường bất động sản Đà Nẵng còn được Vingroup khuấy động khi Tập đoàn này đặt quyết tâm đầu tư vào dự án di dời gia đường sắt ra khỏi nội thành Đà Nẵng dài 16 km, vốn đầu tư khoảng 6,900 tỷ đồng theo hình thức BT. Dấu ấn của VIC còn được thể hiện ở chuỗi Vinpearl Resort & Villas tại Đà Nẵng với cam kết sinh lời ít nhất 10%/năm trong 10 năm. Giai đoạn 2 mở bán dự án đang được triển khai với tổng số 134 căn biệt thự từ 300-1,000 m2/căn gồm 2-4 phòng ngủ, mức giá dao động 15-20 tỷ đồng/căn.

Đà Nẵng cũng có thể được coi là “đất dụng võ” của Sun Group khi sở hữu những dự án cao cấp thuộc top thế giới. Đáng chú ý như Bà Nà Hills Mountain Resort,  khu nghỉ dưỡng Intercontinental Da nang Sun Peninsula Resort được coi đánh giá sang trọng nhất thế giới gồm 197 phòng, suite, villa hướng biển, tổng vốn đầu tư 2,000 tỷ đồng.

Nha Trang

Trong báo cáo về nguồn cung căn hộ tại Nha Trang 6 tháng đầu năm, Savills nhận định thị trường du lịch nơi đây hoạt động tốt, chi du lịch tăng 20%, khách đến tăng 18% so với cùng kỳ.

Cuối tháng 11, Hoàng Quân (HQC) đã chính thức nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án HQC Nha Trang. Nơi đây có tổng diện tích xây dựng trên 10,800 m2, vốn đầu tư 500 tỷ đồng gồm 4 block chung cư cao từ 15-18 tầng, dự kiến sẽ bàn giao căn hộ từ quý 4/2016. Tính đến 24/11, dự án đã bán được 728/1,002 căn hộ.

Mới đây, PDR đồng ý góp gần 159 tỷ đồng với nhà đầu tư cho dự án Phát Đạt Resort và 5 tỷ đồng chi phí liên quan dự án đầu tư xây dựng tuyến đường phía Tây bán đảo khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Được biết Phát Đạt Resort có tổng vốn đầu tư 959 tỷ đồng gồm 80 biệt thự và 250 phòng khách sạn.

Khó mà tránh khỏi tên tuổi của VIC tại các điểm nóng, Vinpearland Nha Trang đã quá nổi tiếng từ năm 2006. Tháng 4/2015, VIC tiếp tục khai trương phần 1 quần thể du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Premium Nha Trang Bay. Đây là khu nghỉ dưỡng thứ ba trên đảo Hòn Tre, gồm: phần 1 là khách sạn với 504 phòng; phần 2 là biệt thự 5 sao với hơn 450 phòng ngủ, hệ thống bể bơi, chuỗi nhà hàng-bar...

Một ông lớn khác là Tập đoàn Đại Dương (OGC) cũng gián tiếp sở hữu nhiều khách sạn thuộc nhóm StarCity thông qua công ty con Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH), trong đó có StarCity Nha Trang quy mô 217 phòng khách sạn và 92 căn hộ condotel. Tuy nhiên biến cố của OGC trong năm 2015 đã ảnh hưởng đến tiến độ của dự án này.

Tập đoàn FLC cùng với CTCP Tập đoàn Phúc Sơn đồng đầu tư cho dự án BT khu đô thị hành chính mới tại Nha Trang với tổng mức lên 7,000 tỷ đồng. Diện tích 126 và khu đất đối ứng. Trong đó, FLC được giao cho khu đất của một số trụ sở các cơ quan hành chính, còn được gọi là BT2.

Thanh Hóa

Một trong những tỉnh thành có diện tích rộng lớn của Bắc Trung bộ, Thanh Hóa sở hữu bãi biển Sầm Sơn – một trong những bãi biển đẹp thuộc top thế giới.

Qua đó, nhắc đến Sầm Sơn không thể bỏ qua FLC Samson Beach & Golf Resort của FLC. Dự án có diện tích trên 200 ha, tổng mức đầu tư 5,500 tỷ đồng. Ngoài ra, FLC cũng đang đầu tư hàng loạt dự án khác tại Thanh Hoá như khu nhà ở FLC Complex, khu công nghiệp Hoàng Long, dự án phát triển nông nghiệp ở nông trường Lam Sơn với tổng mức đầu tư hiện xấp xỉ 15,000 tỷ đồng.

406 tỷ đồng là số vốn mà ASM rót vào khu đô thị mới tại huyện Triệu Sơn 52 ha và 561 tỷ đồng vào huyện Xuân Thọ 71 ha của tỉnh Thanh Hóa. Đây là những khu đô thị vệ tinh đầu tiên ở địa phương này với đầy đủ tiện ích như trường học, trạm y tế, vui chơi giải trí... Không những thế, ASM còn tranh thủ phân khúc nghỉ dưỡng núi cao, tiêu chuẩn 5 sao tại Thọ Xuân với tổng vốn đầu tư 550 tỷ đồng, quy mô 53.8 ha, dự kiến khai thác từ sau năm 2016.

Bên cạnh đó, Petrosetco (PET) cũng đầu tư dự án khu nhà ở và dịch vụ phục vụ Liêp hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại huyện Tĩnh Gia với diện tích 25 ha. PET nhận chuyển nhượng dự án này từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Theo đó, Công ty triển khai cho giai đoan 2 với quy mô 600 căn hộ, khu nhà thể thao và các tiện ích công cộng khác. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng 700 tỷ đồng và dự kiến quý 1/2016 sẽ hoàn thành.

Cái tên VIC tiếp tục xuất hiện ở Thanh Hóa khi đề nghị đầu tư vào 2 dự án khu đô thị và tổ hợp khách sạn. Cụ thể là dự án khu trung tâm hành chính thành phố mới tại phường Đông Hải và khai thác quỹ đất khu trung tâm hành chính cũ tại phường Điện Biên để xây dựng một trung tâm thương mại, khách sạn cao 25 tầng theo mô hình chuẩn Vincom trên tổng diện đất 5,500 m2 và một khu nhà thương mại biệt thự 3 tầng trên diện tích đất 44,740 m2.

Chưa dừng ở đó, VIC còn được chấp thuận đầu tư vào Nông trường Sông Âm, tổng diện tích đang quản lý là 1,000 ha, nằm trên địa giới hành chính của 8 xã thuộc 2 huyện Ngọc Lặc và Thọ Xuân (Thanh Hóa) với mục đích sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hướng đến xuất khẩu.

Bình Định

Thị trường bất động sản tại Bình Định những năm gần đây phải nói là khá trầm lắng mặc dù khu kinh tế Nhơn Hội được quyết định thành lập từ năm 2005. Tuy nhiên, trong năm 2015, thị trường bắt đầu nóng lên khi hàng loạt đại gia bất động sản đã nhảy vào để "ăn theo" dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội.

Việc FLC bấm nút khởi công dự án FLC Bình Định trên diện tích gần 300 ha trở thành sự kiện đáng chú ý nhất. Dự án ôm trọn địa danh Eo Gió, nơi được coi là có cảnh hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam. Các hạng mục chính gồm sân golf, khu resort trên biển tiêu chuẩn 7 sao, khách sạn 600 phòng tiêu chuẩn 5 sao, khu biệt thự du lịch sinh thái cao cấp, trung tâm hội nghị quốc tế 1,300 chỗ...

Trong tháng 9, Bamboo Capital (BCG) đã cho khởi công dự án resort 4 sao Casa Marina tại Quy Nhơn. Tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, xây dựng trên diện tich 1.8 ha và kế hoạch hoàn thành trong tháng 6/2016, ước doanh thu khoảng trên nửa triệu USD và lợi nhuận trên 33,500 USD.

HĐQT Nông nghiệp & Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (HKB) vào tháng 10 cũng đã thông qua việc sẽ mua lại toàn bộ tài sản trên đất của nhà máy chế biến nông sản Lumex Quy Nhơn, thuộc lô D2.5.1 khu công nghiệp Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, với giá trị mua toàn bộ tài sản nhà máy trên đất đã bao gồm thuế VAT không quá 55 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng trong tháng 5, số phận của Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API) lại không may mắn trên vùng “đất võ” khi dự án khu đô thị mới Nhơn Phú có vốn đăng ký 2,300 tỷ đồng của Công ty bị chính quyền thu hồi chủ trương đầu tư do chậm triển khai và tỉnh muốn kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực khác tham gia.

Cần Thơ

Là một trong những thành phố “hiền hòa” của khu vực ĐBSCL, cầu nối giữa các tỉnh miền Tây Nam bộ, Cần Thơ thuộc “tỉnh lẻ” thứ hai (sau Hải Phòng) mà VIC ra mắt trung tâm thương mại Vincom và nhà phố thương mại Vincom Shophouse. Đây là tổ hợp khách sạn và trung tâm thương mại, 52 căn shophouse đã được mở bán từ giữa tháng 12/2015 và dự kiến bàn giao thô cho khách hàng trong quý 2/2016.

Cuối tháng 4/2015, Tập đoàn Mường Thanh đã nhanh chân hơn khi cho khai trương khách sạn 5 sao đầu tiên tại Cần Thơ và thứ hai tại ĐBSCL (sau Vinpearl Phú Quốc). Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ cao 23 tầng, 309 phòng nghỉ, 4  phòng hội thảo đa chức năng từ 50 – 1,200 chỗ. Công trình này nằm trên diện tích 1.7 ha đất, tổng vốn đầu tư 870 tỉ đồng.

Không phải là địa phương ồn ào, náo nhiệt nhưng việc đầu tư của VIC, Mường Thanh hứa hẹn mang lại diện mạo mới và khởi sắc cho thị trường bất động sản Cần Thơ nói riêng và khu vực miền Tây nói chung./.

Các tin tức khác

>   BIDV đột ngột dừng cho vay mua nhà, có bất thường? (18/01/2016)

>   Năm 2016, tỷ lệ đô thị hóa phấn đấu đạt 36.8% (16/01/2016)

>   Hà Nội: Ban hành hệ số điều chỉnh giá đất năm 2016 (16/01/2016)

>   Giải pháp mới cho chống ngập nước ở TP.HCM (16/01/2016)

>   Nhà ở xã hội: “Xây được rồi nhưng phải để dân mua được” (15/01/2016)

>   Phó Thủ tướng: Cấu trúc lại thị trường bất động sản đã thành công (15/01/2016)

>   Nhà nước sẽ rót vốn làm cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa (15/01/2016)

>   Thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn (15/01/2016)

>   Bộ Xây dựng: Tồn kho BĐS giảm hơn 60% sau gần hai năm (14/01/2016)

>   Lập hội đồng kỷ luật cán bộ vụ nhà 8B Lê Trực (14/01/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật