Những chiếc thùng không đáy trên TTCK và dấu hỏi về hiệu quả
Trên thị trường hiện nay không ít doanh nghiệp đang dần trở thành những chiếc thùng không đáy, đã huy động được nguồn vốn cực vốn khủng trong hơn một năm trở lại đây và đang tiếp tục có phương án phát hành khủng khác. Điều này đặt ra dấu hỏi về cách thức sử dụng cũng như hiệu quả đồng vốn.
* Phát hành thêm: “Ế” lần đầu, thành công khi phân phối lại - chiêu trò, ma mãnh?
* Lỡ mua cổ phiếu DN tăng vốn khủng, biết đời nào lấy lại vốn?
* Thế hệ tiếp theo của kịch bản lãi khủng và tăng vốn
Những chiếc thùng không đáy
Trong vòng hai năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên sôi động hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư quay lại thị trường hơn. Do vậy, các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội này để phát hành tăng vốn hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Song, một số doanh nghiệp dù đã huy động được lượng vốn khổng lồ lên đến cả ngàn tỷ trong thời gian qua nhưng dường như cảm thấy chưa đủ khi vẫn liên tục đưa ra các kế hoạch phát hành khủng khác.
Điển hình, ở mức vốn đầu tư của chủ sở hữu 174 tỷ đồng cho đến cuối năm 2014, chỉ trong vòng vỏn vẹn 1 năm vốn của Nông dược HAI (HOSE: HAI) đã chạm mốc 1,173 tỷ đồng bao gồm phát hành cổ phiếu thưởng và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Đồng thời, HAI lại đang có kế hoạch tăng vốn lên 2,300 tỷ đồng, mục đích là để đầu tư bất động sản thủy lợi.
Có thể thấy HAI đang tạo cho nhà đầu tư có cảm giác như một cái thùng không đáy, hút bao nhiêu cũng không thấy đủ nhưng hiệu quả đem lại thì ra sao? Quả thật đây là một ẩn số! Chỉ biết rằng quý 4 vừa qua (niên độ tài chính 01/10/2014 – 30/09/2015), HAI công bố bị lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng do giá vốn và chi phí bán hàng tăng cao. Cùng với đó, kết quả kinh doanh lũy kế 12 tháng cũng không có gì đặc biệt, doanh thu tăng trưởng 70% nhưng lãi ròng giảm 22%.
Tăng vốn ồ ạt và kết quả kinh doanh không nổi trội có lẽ là nguyên nhân khiến thị giá của HAI không cách nào ngóc đầu nổi và hiện chỉ lình xình đi ngang quanh ngưỡng 5,000 – 6,000 đồng/cp.
Được biết, trong đợt tăng vốn trước, tổng số tiền thu được trên 520 tỷ phát hành cho cổ đông hiện hữu được đơn vị chuyển hết về Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Địa ốc HAI để kinh doanh bất động sản trong khi lĩnh vực theo đuổi là nông nghiệp.
Một cái thùng không đáy khác, Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (HNX: KLF) từ mức vốn điều lệ 260 tỷ đồng năm 2013 nhảy vọt lên 1,517 tỷ năm 2014 và 1,653 tỷ vào năm 2015. Mục đích huy động vốn trong đợt này là đầu tư xây dựng tòa nhà FLC Complex 36 Phạm Hùng, Hà Nội. Tuy có tốc độ tăng vốn khủng như vậy nhưng KLF vẫn đang trong tình trạng khát vốn và thời gian tới còn muốn tăng vốn lên 3,700 tỷ đồng để theo đuổi các dự án tiềm bất động sản và nông nghiệp công nghệ cao.
Phải nhìn nhận, chỉ trong hai năm 2014 – 2015, KLF đã mở rộng hoạt động ra rất nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, khám chữa bệnh, nông nghiệp, đào tạo nghề, phân phối sữa thông qua M&A… Xét về kết quả kinh doanh khó có thể nói KLF đang có bước tăng trưởng ổn định, bởi sau năm 2014 lãi tăng trưởng đột biến gần gấp 3 lần năm 2013 nhờ chuyển nhượng cổ phần thì 9 tháng đầu năm 2015 đã hụt hơi. Quý 1/2015, KLF vẫn lãi lớn 34 tỷ đồng nhờ bán các khoản đầu tư, sang đến quý 2 và 3 thì sụt giảm khoảng 80%. Mặc dù doanh thu thuần vẫn tăng trưởng tốt nhưng lại không đem lại lợi nhuận bao nhiêu, hoạt động tài chính suy yếu là nhân tố khiến lãi ròng giảm mạnh. Do vậy, thị giá hiện tại của KLF chỉ còn khoảng 4,500 đồng/cp, giảm 60% so với thời điểm đầu năm.
Tương tự, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG), từ mức vốn gần 700 tỷ đồng năm 2014 nay đã lên gần 1,700 tỷ đồng, mức tăng vốn được xếp vào hàng khủng trên TTCK. Dẫu vậy với việc mở rộng đầu tư ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thủy điện, bất động sản DLG còn đang ấp ủ kế hoạch tăng vốn lên hơn 3,500 tỷ đồng.
Với DLG thì tình hình kinh doanh 2 năm trở lại đây chuyển biến rõ rệt, lãi ròng 2014 nhảy vọt từ 2 tỷ lên 53 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2015 lãi ròng ghi nhận 50.7 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ 6%. Cùng với đó, EPS của Công ty cũng tăng mạnh từ 30 đồng năm 2013 lên khoảng 500 đến 600 đồng trong thời gian gần đây tuy nhiên đây vẫn chưa phải là một con số cao. Xong xét về giá cổ phiếu DLG hiện đang ở mốc 6,700 đồng/cp, giảm 40% so với thời điểm đầu năm.
Những dấu hỏi
Hầu hết các doanh nghiệp trên đều đã huy động được không dưới cả ngàn tỷ đồng trong chưa đầy hai năm qua. Và hiện nay họ lại tiếp tục đưa ra kế hoạch tăng vốn thêm hơn ngàn tỷ nữa trong khi thời gian chưa đủ để lượng vốn khủng hấp thụ trước đây thể hiện được tính hiệu quả đòi hỏi nhà đầu tư cần cẩn trọng soi xét trước các quyết định rút hầu bao.
Bởi, dù tăng vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh chính hay đầu tư dự án đa ngành thì cũng cần thận trọng để đảm bảo tính hiệu quả. Việc nghiên cứu để tìm ra một dự án tốt không phải là đơn giản, đầu tư ồ ạt rất dễ dẫn đến việc mất khả năng quản trị, đồng vốn bị thất thoát. Hơn nữa, doanh nghiệp tăng vốn mạnh trong một thời gian quá ngắn sẽ gây ra nhiều áp lực về vấn đề quản trị, phải chuẩn bị đội ngũ nhân sự có năng lực kiểm soát cũng như sử dụng đồng vốn hiệu quả. Và điều quan trọng nhất là nhà đầu tư bao giờ cũng quan tâm đến lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) có tương xứng hay không, đây quả là áp lực không nhỏ với Ban lãnh đạo của các doanh nghiệp tăng vốn khủng.
Trao đổi với người viết, một chuyên gia cho rằng đối với trường hợp doanh nghiệp huy động vốn để đầu tư dự án thì rất có thể dự án đó có tài sản hay quỹ đất đẹp, sau khi mua xong sẽ định giá lại làm phát sinh một khoản lợi nhuận lớn. Song ở một khía cạnh tiêu cực hơn là “game” phát hành của doanh nghiệp nhằm mục đích “in giấy lấy tiền”.
Giám đốc môi giới của công ty chứng khoán có vốn nước ngoài cũng nhận định tương tự. Theo vị này, một doanh nghiệp hoạt động nên đem lại tiền cho cổ đông chứ không phải là liên tục hút vốn từ cổ đông. Nếu thực sự rơi vào trường hợp “in giấy lấy tiền” thì khá “nguy hiểm” bởi khi sử dụng nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu, doanh nghiệp không bị áp lực trả lãi vay và trả nợ chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là tạo ra tỷ suất sinh lời cao. Điều này lại càng dễ đẩy doanh nghiệp đến quyết định đầu tư vào các dự án có tỷ suất sinh lời cao và rủi ro cũng cao không kém.
Những ý kiến trên là chưa tính đến trường hợp doanh nghiệp trục lợi, khẩn trương sử dụng cho hết để tiến hành đợt phát hành mới. Hiện tượng này đang xét đến trường hợp doanh nghiệp lợi dụng sự hưng phấn của nhà đầu tư trước sức hấp dẫn của cổ phiếu trên sàn mà tung ra các đợt phát hành tăng vốn trong khi mục đích sử dụng vốn chưa có hoặc chưa chắc chắn; mục đích sử dụng vốn đưa ra trước phát hành chỉ để hoàn thiện và đáp ứng về mặt hồ sơ pháp lý. Trường hợp doanh nghiệp thay đổi mục đích sử dụng vốn ngay sau đợt phát hành không phải là hiếm trên thị trường./.
|