Không truy thu hàng nghìn tỉ đồng thuế của 8 doanh nghiệp sữa
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng về việc xử lý quyết định truy thu thuế với Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) và 7 doanh nghiệp nhập khẩu sữa khác. Trong đó Bộ nêu quan điểm kiến nghị Thủ tướng chấp nhận mã số và mức thuế suất theo khai báo của các doanh nghiệp đã được cơ quan hải quan thông qua trước đây.
* Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý kiến nghị khẩn cấp của các DN sữa
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không truy thu thuế của các doanh nghiệp này nữa.
Việc nhập khẩu nguyên liệu sữa diễn ra từ nhiều năm trước. Các doanh nghiệp nhập Anhydrous Milk fat và khai báo mặt hàng này là “dầu bơ khan” có mã số HS là 0405.90.10, mức thuế suất nhập khẩu là 5%. Đến năm 2015, Tổng cục Hải quan có công văn cho rằng các doanh nghiệp đã nhập khẩu “chất béo khan của sữa” có thuế suất 15%, do đó yêu cầu truy thu thuế các doanh nghiệp ngược trở lại từ năm 2010, số thuế lên đến cả ngàn tỉ đồng.
Các doanh nghiệp lập tức phản ứng và gửi đến công văn đến Thủ tướng và Bộ Tài chính, cho rằng có sự bất nhất trong việc xác định biểu thuế của cơ quan hải quan với mặt hàng Anhydrous Milk fat nhập khẩu.
Người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm sữa. Ảnh: Quỳnh Như
Trong công văn mới gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính cho rằng việc tách biểu thuế với hai mã số cho hai mặt hàng trên là cần thiết, tách riêng chất béo khan từ sữa và chất béo khan từ bơ. Tuy nhiên, không “hồi tố” để truy thu thuế đối với các lô hàng đã nhập khẩu từ trước.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế nhập khẩu 15% với mặt hàng chất béo khan từ sữa là quá cao. Do đó, cơ quan này sửa mức thuế suất nhập khẩu xuống 5%. Như vậy, dù có điều chỉnh tên gọi mặt hàng, phân biệt rõ hai loại mặt hàng này thì thuế suất cũng như nhau.
Quỳnh Như
pháp luật tphcm
|