“Giải cứu” được HAG, đến lượt HNG bị “đo ván”
Trong khi cổ phiếu HAG tạm thời đang được “giải cứu” thì đến lượt cổ phiếu HNG quay đầu giảm sàn liên tục với khối lượng dư bán giá sàn chất đống.
Cổ phiếu HNG cùng bắt chung nhịp giảm mạnh với HAG từ đầu tháng 12/2015 khi HĐQT của HAG công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu HNG để trả cổ tức cho cổ đông HAG. Song, mức độ giảm trọng yếu nhất của HNG được thể hiện từ phiên giao dịch ngày 13/01/2016 khi giảm dưới vùng 27,000 đồng/cp (mặt bằng giá mà cổ phiếu này đã thiết lập từ khi lên sàn vào tháng 7/2015).
Liên tục sau đó là những phiên giảm điểm khá mạnh của HNG (cổ phiếu HAG cũng chính thức mất mốc 10,000 đồng/cp). Đến phiên giao dịch ngày 22/01 thì HNG đã giảm tổng cộng gần 24%, lùi về mức giá 21,900 đồng/cp.
* Sự thật về thông tin thanh tra các khoản vay của HAG
* Không có chuyện NHNN thanh tra Hoàng Anh Gia Lai
* Hơn 1 năm, tài sản bầu Đức "bốc hơi" gần 5,000 tỷ đồng
Diễn biến giá cổ phiếu HAG – HNG trong 3 tháng qua
|
Với HAG, sau nhiều phiên giảm sàn, cổ phiếu này đã chạm mức thấp kỷ lục tại 7,900 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 22/01. Cũng trong phiên giao dịch này, HAG tạo ra một kỷ lục riêng nữa đó là phiên có khối lượng giao dịch lớn nhất, đạt hơn 19 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, cổ phiếu HAG đã được “giải cứu” sau đó nhờ phía HAG cũng như đại diện Ngân hàng Nhà nước lên tiếng phủ nhận tin đồn về việc bị thanh tra các khoản vay. Từ mức giá 7,900 đồng, HAG đã có 3 phiên tăng điểm áp đảo để lên lên mức 8,800 đồng/cp (tính đến phiên 27/01), tương ứng mức tăng gần 12%. Giao dịch trong những phiên này cũng rất đáng chú ý, từ vị thế bị bán mạnh, HAG đã hút mạnh lực cầu bắt đáy, tổng khối lượng đặt mua tăng gần như gấp đôi so với lượng đặt bán, chẳng hạn phiên 25/01, hơn 25 triệu cp được đặt mua trong khi bán ra chỉ hơn 13 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, diễn biến của HNG lại trái ngược hoàn toàn với HAG. Cụ thể, sau phiên giao dịch 22/01, mặc dù HAG tăng kịch trần thì HNG lại bị “đo ván” với 3 phiên nằm sàn liên tục. Thống kê của Vietstock cho thấy lượng đặt bán trung bình trong 3 phiên giao dịch vừa qua của HNG đạt gần 2 triệu đơn vị trong khi lượng đặt mua chỉ vỏn vẹn hơn 4,000 cổ phiếu. Hệ quả là kể từ đầu năm đến hết phiên giao dịch 27/01, HNG đã bốc hơi gần 40%, về mức giá 17,700 đồng/cp (so với thời điểm niêm yết thì HNG đã giảm 47%).
Việc HNG liên tục giảm giá thời gian vừa qua chắc chắn không nằm ngoài khả năng do nhà đầu tư lo ngại giá cao su tiếp tục sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, trong 3 phiên giảm sàn vừa qua, trưởng phòng giao dịch một công ty chứng khoán (CTCK) cho biết là do áp lực giải chấp. Mặc dù theo quy định thì HNG không được cho vay margin do chưa đủ thời gian niêm yết nhưng có những công ty chứng khoán muốn giữ khách hàng vẫn cung cấp dịch vụ này dưới dạng một hợp đồng giao dịch khác. Tuy nhiên, khi giá cổ phiếu giảm mạnh thì buộc các CTCK phải thực hiện giải chấp, đó là lý do tại sao có tình trạng bán cho bằng được trong 3 phiên gần đây.
Đối với trường hợp của HAG, đến thời điểm này, mặc dù cổ phiếu đã hồi phục đáng kể nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng xu hướng giảm đã hết. Có thể là lòng tham nhà đầu tư bị kích thích khi thị giá cổ phiếu HAG quá thấp. Bởi điều nhà đầu tư đang cần ở HAG vẫn là cách giải quyết bài toán nợ vay. Lúc này, nhà đầu tư cũng rất mong chờ BCTC quý 4 của cả HAG và HNG./.
|