DXL: "Tâm thư" từ cổ đông chỉ trích tư cách, trình độ của Chủ tịch Trần Việt Di
Vừa qua, ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2015 của CTCP Du lịch & XNK Lạng Sơn (UPCoM: DXL) đã thông qua kết quả bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tuy nhiên, đáng chú ý là tại đại hội đã có 2 đơn kiến nghị cổ đông chỉ trích gay gắt tư cách, trình độ của ông Trần Việt Di – Chủ tịch HĐQT DXL.
Cụ thể, theo nội dung đơn kiến nghị thứ nhất của ông Trần Đức Thanh, người được ủy quyền tham dự và biểu quyết tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 về việc kiến nghị rút ông Trần Việt Di ra khỏi danh sách ứng viên để bầu thành viên HĐQT Công ty nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ông Thanh cho rằng ông Di là người không đủ năng lực, trình độ điều hành Công ty khi hoạt hoạt động kinh doanh nhiều năm thu lỗ. Ông Thanh dẫn chứng các năm như “Năm 2011 lỗ 632 triệu, năm 2012 lỗ 7.5 tỷ, năm 2013 lỗ 655 (mặc dù kết quả kinh doanh chung của cả năm lãi 13.9 tỷ nhưng đó là kết quả từ việc bán tòa nhà trung tâm thương mại Bắc Sơn, làm mất đi một vị thế kinh doanh đắc địa của Công ty), năm 2014 lỗ 590 triệu.
Thu nhập người lao động thấp, không đảm bảo đời sống người lao động. Nhiều năm người lao động chỉ nhận được khoảng 60% lương cơ bản, thậm chí thấp hơn, nhiều lao động có tay nghề, nhiều cán bộ Lãnh đạo của các đơn vị đều xin chuyển công tác do thu nhập thấp kéo dài, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Công ty và nguồn năng lực của Công ty.
Làm giá trị cổ phiếu của Công ty trên sàn giao dịch chứng khoán giảm sút nghiêm trọng, làm tổn thất cho cổ đông (cụ thể: Giá tham chiếu giao dịch trên sàn chứng khoán của DXL tại thời điểm hiện nay giao động từ 2,100 đồng/cp đến 3,500 đồng/cp, giá trị ban đầu tại thời điểm cổ phần hóa vào năm 2006 là 10,050 đồng/cp)”.
Ông Thanh còn dẫn chứng hành vi được cho là vi phạm pháp luật của vị Chủ tịch DXL khi tự ý đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ điều hành Công ty mà không thông qua ĐHĐCĐ thường niên các năm 2014, 2015.
Với đơn kiến nghị thứ hai từ ông Đặng Xuân Khuê là cổ đông và người lao động trong DXL, nội dung cũng nhằm vào việc đánh giá tư cách và phẩm chất của ông Di. Cá nhân ông Khuê cho rằng mình là người lao động gắn bó với DXL từ những ngày thành lập, tuy nhiên đã không được nhận mức lương tương xứng với công việc và phương tiện lao động không có khả năng cạnh tranh để gia tăng thu nhập.
Ông Khuê nêu rõ “Năm 2013 vợ tôi không may mang bệnh nặng và qua đời để lại cho tôi ba đứa con nhỏ trong đó có một cháu vừa tròn 2 tháng tuổi, 2 cháu đang tuổi đến trường, lúc đó tôi vô cùng đau khổ và gặp khó khăn trong cuộc sống, một mình bươn trải nuôi con, phải nhờ cậy anh em họ hàng để giúp đỡ vượt qua lúc khó khăn. Trong lúc tôi khó khăn cùng cực như vậy, ông Trần Việt Di - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ lại ký ban hành quy chế khoán cho một mình cá nhân tôi lúc đó chỉ một mình tôi có bằng lái xe ô tô 15 chỗ, gián tiếp ép tôi phải nhận khoán chiếc xe ôtô cá mập 15 chỗ đã sử dụng gần 20 năm, sắp hết hạn kinh doanh vận chuyển, không có khả năng cạnh tranh với các xe du lịch khác trên địa bàn. Cơ chế khoán quy định tôi tự khai thác khách, đi ngày xe nào thì hưởng lương ngày đó, nếu trong tháng không khai thác hoặc đi đủ 14 ngày xe/ tháng thì tôi phải bỏ tiền cá nhân ra nộp BHXH và không có lương. Nếu tôi không đồng ý thì sẽ phải chuyển sang làm công việc khác trái với chuyên môn của tôi như bưng bê hay bảo vệ, nên tôi phải cắn răng chấp nhận.
Suốt hai năm qua tôi nhận được tiền lương bình quân từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng/tháng, nhiều tháng chỉ đủ nộp bảo hiểm, nhiều tháng tôi không có tiền lương nên phải bỏ tiền túi để nộp bảo hiểm, tôi phải đi là thêm bên ngoài để kiếm sống.
Ông Trần Việt Di với tính cách gia trưởng, độc đoán lại được Nhà nước ủy quyền nắm Cổ phần lớn tại Công ty nên ông ỷ thế hay lộng quyền, áp đặt cấp dưới, không ai dám trái ý ông. Ở Công ty, ông ban hành quy chế làm việc, cán bộ nhân viên đi sớm về muộn bị trừ điểm, trừ lương nhưng một mình ông tự cho mình quyền được đi muộn về sớm, ông thường đi làm vào lúc 9h sáng hàng ngày, nhiều hôm đi làm muộn bắt nhân viên nhà hàng phục vụ ăn sáng đến tận phòng làm việc, nhiều hôm nhân viên nhà hàng nấu ăn không vừa ý ông, ông mắng ngay trước mặt khách hàng không thương tiếc;… Còn rất nhiều việc, nhiều động thái không hay của ông Trần Việt Di nhưng tôi không tiện kể ra ở đây do thời gian không cho phép.
Việc ông Di với tư cách là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ mà lại đổi xử với một cổ đông, một người lao động như tôi có tình có lý có lòng người hay không? qua đó cho thấy rõ ông Trần Việt Di là một con người vô cảm trước nỗi khổ, nỗi đau của người lao động và cổ đông Công ty, độc đoán chuyên quyền”.
Theo đó, 2 cá nhân kiến nghị rút ông Trần Việt Di ra khỏi danh sách ứng viên để bầu thành viên HĐQT. Tuy nhiên, theo biên bản đại hội của DXL thì vẫn có 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội thông qua danh sách đại hội, trong đó có ông Trần Việt Di.
Kết quả, ông Di vẫn trúng cử vào HĐQT DXL nhiệm kỳ 2015-2020 cũng với 4 thành viên khác là bà Nguyễn Kim Thảo, ông Lâm Bảo Kỳ, bà Nguyễn Khánh Dân, bà Vũ Mộng Nương. Theo đó, sau phiên họp thứ nhất, bà Nguyễn Kim Thảo đã được HĐQT bầu giữ chức vụ chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 và bà Đỗ Thu Huyền đã được BKS bầu giữ chức vụ Trưởng BKS.
|