Doanh nghiệp gánh nguy cơ hủy niêm yết - Cái khó chưa ló cái khôn
Năm 2015 qua đi cũng là thời điểm mà báo cáo tài chính năm đã cận kề ngày công bố. Đáng lưu ý, có nhiều doanh nghiệp đang ngấp nghé bờ vực rời sàn HNX và HOSE do không đủ điều kiện niêm yết.
Tính đến cuối tháng 09/2015, có 13 doanh nghiệp nằm trong nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc khi liên tiếp lỗ ròng gần 3 năm hoặc đã bào mòn vốn chủ sở hữu khi để lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu. Tất cả hy vọng đang dồn vào kết quả kinh doanh quý 4/2015, bởi nếu tình hình không được cải thiện trong quý này thì việc hủy niêm yết sẽ trở nên tất yếu.
Ròng rã thua lỗ
Đến cuối quý 3/2015 đã có 10 doanh nghiệp trên cả hai sàn phải chịu lỗ liên tiếp gần 3 năm, bao gồm lỗ ròng hai năm 2013, 2014 và 9 tháng đầu năm 2015. Nổi lên trong số đó là những cái tên như VLF, IDJ, SQC hay HDO với mức lỗ ròng khá cao và đặc biệt đang có chiều hướng gia tăng lỗ.
Lợi nhuận sau thuế của những doanh nghiệp có nguy cơ hủy niêm yết do thua lỗ nhiều năm (Đvt: Triệu đồng)
Đây là những doanh nghiệp thua lỗ liên tiếp trong hai năm 2013, 2014 và 9 tháng đầu năm 2015
|
Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (HOSE: VLF) chính là đơn vị đang phải gánh chịu rủi ro bị hủy niêm yết bắt buộc lớn nhất khi vừa lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu, vừa lỗ liên tiếp gần 3 năm qua. Đến cuối tháng 9, lỗ lũy kế của đơn vị đã lên tới hơn 167 tỷ đồng, vượt gần 47 tỷ đồng so với vốn góp chủ sở hữu.
Nếu không có phép nhiệm màu trong quý 4/2015 này thì khả năng hủy niêm yết của VLF gần như chắc chắn khi lỗ đang trong xu hướng gia tăng theo thời gian. Lỗ 9 tháng đầu năm 2015 lên đến gần 86 tỷ đồng, vượt xa khoản lỗ của các năm trước. Trong tháng 1/2016, VLF sẽ họp ĐHĐCĐ để bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Cũng là doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn khi trong 5 năm qua, kết quả hoạt động kinh doanh của Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) liên tục tuột dốc thảm khốc. Ngoại trừ năm đầu tiên niêm yết - 2010, IDJ có lãi gần 16 tỷ đồng, kết quả kinh doanh những năm tiếp theo rất bết bát. Năm 2011, đơn vị lỗ ròng hơn 20 tỷ đồng, năm 2012 có lãi nhưng chỉ vỏn vẹn hơn 300 triệu đồng. Mức lỗ ròng trong năm 2013 và 2014 lại biến chuyển theo chiều hướng tiêu cực khi lỗ năm sau cao gấp đôi năm trước và lên tới vài chục tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn này là IDJ phải đóng cửa trung tâm thương mại Grand Plaza - một trong những nguồn thu chính từ cuối năm 2012 đến nay. Thêm vào đó, để có nguồn tiền thực hiện những kế hoạch đầu tư kinh doanh khác, công ty bắt buộc phải chuyển nhượng với mức giá thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu của một số danh mục tài sản khiến cho lợi nhuận gộp là con số âm. Việc công ty con vẫn chưa đi vào hoạt động trong khi vẫn phát sinh những chi phí cố định cũng gây ra những khó khăn không nhỏ cho đơn vị.
Khi IDJ đang đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc thì những cổ đông lớn của công ty, trong đó có Thương Mại và Đầu tư Barotex Việt Nam (Barotex), quyết tâm thoái vốn qua nhiều đợt đăng ký bán cổ phiếu liên tiếp.
Ở một trường hợp khác, cổ phiếu SQC của Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn phải tạm ngừng giao dịch từ tháng 4/2015 đến nay vì không giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị kiểm soát. Trong năm 2013 và 2014, SQC liên tiếp lỗ ròng với con số khá lớn lần lượt là 27 tỷ và 125 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2015, kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị cũng chưa có cải thiện và tiếp tục lỗ ròng 48 tỷ đồng.
Khó khăn của SQC là do thị trường của sản phẩm titan vẫn chưa hồi phục nên mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng, kể cả khách hàng nhỏ lẻ nhưng đơn vị vẫn chưa bán được hàng tồn kho. Mặt khác, SQC cũng không thể chủ động nguồn nguyên liệu quặng titan vì các mỏ được cấp phép đã khai thác hết. Theo đó, nhà máy xỉ Titan hiện vẫn chưa thể hoạt động trở lại.
Khi tài sản chỉ còn là đống giấy nợ
Đến cuối quý 3/2015, ngoại trừ VLF đã đề cập ở trên thì còn có 3 doanh nghiệp khác là CTN, DAC và VC5 có lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu và cũng đang trong nguy cơ bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 được công bố không lật ngược được tình hình.
Như vậy toàn bộ tài sản của những doanh nghiệp đó hoàn toàn được tài trợ bằng nợ vay.
Trong năm 2015, mặc dù doanh thu của Xây dựng Công trình ngầm (HNX: CTN) đã được cải thiện vượt bậc nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn là một con số âm. Đến ngày 30/09/2015, CTN đã lỗ lũy kế hơn 72 tỷ đồng, vượt hơn 2 tỷ đồng so với vốn góp chủ sở hữu. Khó khăn dồn dập, CTN đã phải trì hoãn chi trả cổ tức năm 2013 lên tới 4 lần.
Để có thể khắc phục những tồn đọng, ngày 27/11/2015, HĐQT của công ty ra quyết định tập trung thu hồi công nợ. CTN cũng đặt chỉ tiêu trong hai tháng cuối năm 2015 phải thu về hơn 29 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhằm đạt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm hơn 12 tỷ đồng. Nếu kết quả hoạt động kinh doanh của CTN đúng như kỳ vọng, con số lỗ lũy kế của đơn vị sẽ được giảm bớt khoảng 10 tỷ đồng và thoát “án” hủy niêm yết.
Những doanh nghiệp có lỗ lũy kế trượt vốn góp chủ sở hữu tính tính đến 31/09/2015
(Đvt: Triệu đồng)
|
Là công ty con của “ông lớn” VCG nhưng kết quả hoạt động kinh doanh của Xây dựng Số 5 (HNX: VC5) khá bèo bọt, với lỗ lũy kế đến ngày 30/09/2015 đã lên gần 67 tỷ đồng, vượt 17 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu. Dù trong giai đoạn 2010-2015, đơn vị liên tiếp kinh doanh có lãi, nhưng đến năm 2014, VC5 bất ngờ lỗ ròng 17 tỷ đồng sau khi kiểm toán phát hiện một số vấn đề liên quan đến việc hoạch toán chi phí của doanh nghiệp trong năm. Việc điều chỉnh tăng chi phí lãi vay vốn hóa vào công trình và giá vốn, ghi nhận tăng chi phí tài chính theo đề nghị của kiểm toán đã khiến cho tổng chi phí của doanh nghiệp tăng mạnh và trượt doanh thu khiến cho lợi nhuận sau thuế thu về là con số âm. Chưa thể giải quyết những khó khăn trong năm 2014, VC5 lại gặp phải nhiều vấn đề mới và tiếp tục lỗ ròng trong 9 tháng đầu năm 2015 – với mức lỗ tăng gấp 3 lần so với lỗ ròng cả năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu là do một số công trình có giá trị quyết toán được duyệt thấp hơn dự kiến khiến lợi nhuận gộp âm hơn 16 tỷ đồng, theo đó lỗ ròng hơn 50 tỷ đồng. Có lẽ do kết quả kinh doanh không mấy khả quan của VC5 mà VCG đã quyết định thoái toàn bộ vốn tại đây tương ứng 2.55 triệu cổ phiếu.
Tuy đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu nhưng hi vọng vẫn còn - ẩn số mang tính quyết định là kết quả kinh doanh quý 4/2015 vẫn chưa hé lộ. Trong quá khứ đã không hiếm trường hợp doanh nghiệp tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm” vào phút cuối như VOS, PVV, BTS, LCG, PTL, PVX… Điển hình như trường hợp của VOS khi trong hai năm 2012, 2013, đơn vị bị lỗ nặng lần lượt gần 35 tỷ đồng và 194 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2014, kết quả kinh doanh tiếp tục bết bát khi lỗ ròng hơn 87 tỷ đồng. Thế nhưng lãi ròng 6 tháng cuối năm 2014 đã cứu cánh cho lợi nhuận sau thuế cả năm. Kết quả, VOS đã đảo ngược tình thế khi lãi ròng gần 71 tỷ đồng trong năm 2014 và thoát án hủy niêm yết./.
|