ĐHĐCĐ HVG: Nắm 51% vốn Russian Fish để quản lý và thêm "visa" vào Nga
Sáng 29/01 tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG), Chủ tịch Dương Ngọc Minh cho biết, HVG muốn nắm 51% vốn của Công ty Russian Fish Joint Stock Company của Nga nhằm quản lý được thị trường bán buôn, sản xuất, lại thêm “visa” vào Nga dễ dàng hơn.
Tổng giá trị thương vụ khoảng 15 triệu USD. Russian Fish là công ty phân phối cá đứng đầu thị trường Nga với hơn 5% thị phần. Công ty chuyên nhập khẩu và phân phối nhiều mặt hàng nhất tại Nga với 60 loại cá từ 18 thị trường trên thế giới. Với 19 chi nhánh và 13 văn phòng đại diện, Russian Fish hiện có 250 nhân viên. Trong năm 2015, công ty đã tiêu thụ 108 ngàn tấn cá các loại, ước đạt 15.9 tỷ ruble, tương đương 200 triệu USD. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.2 tỷ ruble, tương đương hơn 15 triệu USD.
ĐHĐCĐ HVG sáng 29/01 tại TPHCM
|
10h40: Thảo luận
Vì sao lợi nhuận năm 2015 thấp?
Năm 2015, biên lợi nhuận thấp do HVG hạch toán đầu tư xây dựng, đồng thời khi hợp nhất các công ty con thì công nợ sẽ tăng. Thêm vào đó, giá thành sản xuất năm 2015 ở mức 21,000-22,000 đồng/kg. Nhưng đến năm 2016, giá thành sẽ dưới 19,000 đồng/kg.
Mặc dù con số thể hiện vậy nhưng điều quan trọng nhất là hoạt động của doanh nghiệp vẫn có lòng tin với ngân hàng. HVG hiện còn 2 miếng đất, nhiều đơn vị xin hợp tác để đầu tư vào địa ốc nhưng HVG không chọn mà chọn làm ăn với ngân hàng và sẽ phát triển địa ốc trong năm 2016.
Tại sao HVG đầu tư mạnh vào Nga khi thị trường Nga này đang khó khăn? Tại sao mua lại Russian Fish với tỷ lệ tới 51%?
Thị trường Nga gặp khó khăn từ năm 2014 là do nhiều yếu tố, trong đó có việc giá dầu giảm, và tất nhiên yếu tố này ảnh hưởng đến toàn cầu. Nhưng Nga là thị trường lớn, sản phẩm cá tra sẽ được hưởng lợi nhờ giá rẻ.
Việc HVG muốn nắm tới 51% vốn Russian Fish nhằm quản lý và điều tiết hệ thống tất cả các mặt hàng hải sản, vừa quản lý được thị trường bán buôn, sản xuất, lại thêm “visa” vào Nga dễ dàng hơn.
Vì sao HVG vừa đầu tư kho lạnh vừa đầu tư vào chế biến?
Ông Minh cho biết, nhu cầu bình quân của Việt Nam trong nhập khẩu và xuất khẩu tăng trung bình 15%/năm, vì thế nhu cầu kho rất lớn. Đối với việc đầu tư 60,000 tấn kho lạnh thì chỉ cần trong vòng 3 năm HVG có thể hoàn vốn đầu tư. Với 60,000 tấn kho lạnh thì HVG có thể mang về trên 40,000 USD/ngày.
Còn đối với chế biến, ngành thủy sản 2015 xuất khẩu như vậy là thành công dù kim ngạch không đạt do ảnh hưởng của giá dầu nhưng bù lại thị trường không mất, sản lượng bán ra cũng tăng 12%. Rõ ràng vấn đề ở đây là sự phát triển của ngành cá tra đang có bước chuyển biến mới, nên việc đầu tư mở rộng lĩnh vực chế biến là để bắt kịp thị trường.
Cổ đông chất vấn Ban lãnh đạo HVG tại ĐHĐCĐ HVG
|
Đầu tư kho lạnh 60,000 tấn đón đầu FTA, TPP
9h35: Chủ tịch Dương Ngọc Minh lý giải vì sao dư nợ tăng cao trong năm qua do HVG xác định tập trung đầu tư cho lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Vốn đầu tư cho hệ thống chăn nuôi hiện đã lên hơn 600 tỷ đồng với việc mở rộng kho tại nhà máy Sa Đéc và Lai Vung cũng như phát triển công nghệ. Nhờ đó, chi phí giá thành hiện tại của Việt Thắng (VTF) đã tiết kiệm được 500-600 đồng/kg, công suất cũng tăng lên.
Trong năm 2016 này, HVG cũng sẽ đầu tư 1 kho lạnh với công suất 60,000 tấn tại KCN Tân Tạo với công nghệ tự động hóa, ngoài 42,000 tấn kho lạnh đang sở hữu. Sở dĩ HVG đầu tư lớn vào kho lạnh này là để nhằm đón đầu FTA Việt Nam và châu Âu đi vào vận hành trong năm 2018. Bên cạnh đó, TPP tháng 2 ký kết chung vào giữa 2017 sẽ đi vào vận hành nên nhu cầu kho hàng tại Việt Nam sẽ thiếu trầm trọng.
Song song với việc đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, HVG xác định đầu tư vào con heo bởi nhu cầu từ sản phẩm này rất lớn, hiện khẩu phần thịt của người Việt mỗi ngày chưa tới 200 gram. Cùng với chính sách của Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân chăn nuôi, trong năm 2015, HVG đã hoàn thành thủ tục cấp đất tại Bình Định, Long An, Bến Tre, An Giang. Dự kiến, trại giống của HVG sẽ đạt 5,000 con trong năm 2016 và nâng lên mức 100,000 con vào năm 2018. Trong đó, hai trung tâm cung cấp tinh heo sẽ được xây dựng tại Bến Tre và Bình Định, riêng con giống sẽ được chọn lọc từ Đan Mạch.
Năm 2016 phát hành 1,300 tỷ trái phiếu, kế hoạch lãi 500 tỷ đồng
Với nhiều kế hoạch đầu tư trong tương lai, năm 2014 - 2015 HVG đã phát hành 1,300 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi cho 3 ngân hàng. Và dự kiến trong năm 2016, HVG sẽ phát hành thêm trên 1,000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh cá tra, 9 tháng năm 2015, HVG đã xuất khẩu được 112 triệu USD doanh thu, chiếm 10.4% tổng kim ngạch cả nước. Châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất của HVG với 33.9%, châu Á vươn lên từ vị trí thứ 4 lên thứ 2 với 19.6% kim ngạch xuất khẩu.
Còn đối với tôm, Thực phẩm Sao Ta (FMC) và Thủy sản Tắc Vân (TFC) của HVG vẫn tăng trưởng ổn định với gần 104 triệu USD và chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Tổng sản lượng bán ra của nhóm công ty thức ăn chăn nuôi của HVG đạt 534 ngàn tấn, trong đó tiêu thụ ra bên ngoài chiếm 64%, còn lại 36% nội bộ tiêu thụ tương đương 5,759 tỷ đồng.
Về chỉ số tài chính, 9 tháng đầu năm HVG thực hiện được 12,337 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 119.5 tỷ đồng. Do đổi niên độ nên hai chỉ tiêu này đều giảm so với cả năm 2014 lần lượt là 17% và 58%.
Theo đó, trong niên độ 2016, ĐHĐCĐ HVG thông qua kế hoạch doanh thu đạt 24,000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng và cổ tức 20% bằng tiền hoặc cổ phiếu, hoặc kết hợp cả hai. Niên độ 2017 và 2018, lợi nhuận dự kiến lần lượt là 800 tỷ đồng và 1,200 tỷ đồng.
Theo HVG, năm 2015 và bước sang 2016, diễn biến kinh tế quốc tế có nhiều biến động phức tạp, HVG đang có những bước đi thận trọng để đảm bảo mức tăng trưởng ổn định. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu 2016 sẽ đạt 500-600 triệu USD, trong đó cá tra chiếm 200-250 triệu USD, tôm đạt 300-350 triệu USD. Sản lượng thức ăn chăn nuôi dự kiến là 1.5 triệu tấn và sẽ đạt 2.5 triệu tấn trong năm 2018 với tổng đàn heo bố mẹ là 100,000 con./.
|