BVS: NHNN có thể dùng dự trữ ngoại hối can thiệp "ngầm" vào cơ chế tỷ giá mới
Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVS), NHNN vẫn có thể giữ vai trò điều hành trung tâm trong cơ chế mới. Một trong số đó là sử dụng dự trữ ngoại hối để điều tiết cung cầu trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của các ngày hôm trước – vốn là một trong những tham chiếu để xác định tỷ giá trung tâm cho ngày hôm sau.
Ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của VNĐ với USD, tỷ giá tính chéo của VNĐ với một số ngoại tệ khác. Trong đó, tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Khối Phân tích và TVĐT của CTCK Bảo Việt (BVS) mới đây đã công bố báo cáo chuyên đề về cơ chế điều hành mới "Tỷ giá trung tâm" của NHNN.
BVS nhận định, tỷ giá niêm yết và giao dịch hàng ngày của các ngân hàng sẽ biến động nhanh và sát cung cầu thị trường hơn. Đồng thời, CTCK này cũng cho rằng, cơ chế này khá tương đồng với cách điều hành tỷ giá mà Trung Quốc đã áp dụng, vốn được gọi là cơ chế thả nổi có kiểm soát (managed floating). Ngay từ khi chính thức được áp dụng, diễn biến đồng Nhân dân tệ (CNY) đã phản ánh đúng hơn yếu tố “kỳ vọng” của thị trường, mà trước thời điểm đó luôn bị coi là bị định giá quá thấp nhằm kích thích xuất khẩu. Trong giai đoạn 2005-2013, CNY đã tăng giá hơn 36% và chỉ đến năm 2014 khi kinh tế vĩ mô của nước này phát đi những tín hiệu suy giảm rõ nét, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu, thì đồng CNY mới quay đầu điều chỉnh giảm.
"Tất nhiên, điều này không hàm ý khả năng tăng giá của VNĐ khi cơ chế mới được áp dụng mà chỉ nhấn mạnh vào tính phản ánh yếu tố kỳ vọng của thị trường lên tỷ giá sẽ rất nhanh và sát thực tế. Điều này sẽ giúp hạn chế tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ phá giá, như đã tồn tại trong các năm qua" - BVS nhận định.
Về mặt quản lý, NHNN vẫn có thể giữ vai trò điều hành trung tâm trong cơ chế mới. Theo nhận định của BVS, NHNN có thể thực hiện vai trò điều tiết của mình qua ba cách. Thứ nhất là sử dụng dự trữ ngoại hối để điều tiết cung cầu trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của các ngày hôm trước – vốn là một trong những tham chiếu để xác định tỷ giá trung tâm cho ngày hôm sau. Thứ hai, việc tính toán và áp tỷ trọng đối với các đồng tiền được chọn trong rổ tham chiếu, mặc dù sẽ có nguyên tắc cụ thể nhưng có thể sẽ không được công bố công khai. Thứ ba, việc quy định biên độ biến động hàng ngày quanh tỷ giá trung tâm cũng có thể được linh hoạt, thu hẹp hoặc nới rộng tùy từng giai đoạn (hiện tại NHNN vẫn đang duy trì ở mức +/-3%).
Nhận xét về việc thay đổi cơ chế tỷ giá, BVS cho rằng, cơ chế tỷ giá trung tâm giúp giảm bớt tính “tổn thương” cho nền kinh tế trước những biến động tiền tệ trên thị trường thế giới.
Thực tế thị trường ngoại hối và tài chính quốc tế luôn có những biến động, và Việt Nam không nằm ngoài những biến động này do nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việc đưa ra những mục tiêu điều hành chủ quan theo từng năm đã cho thấy một số bất cập và sai lệch so với diễn biến thực tế mà năm 2015 là một minh chứng rất rõ cho điều này. Những “độ trễ” trong phản ứng sẽ được rút ngắn tối đa, giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu và các bài toán cân đối vĩ mô khác của nền kinh tế trong nước.
Duy trì nguồn dự trữ ngoại hối đủ lớn là thách thức với cơ chế mới
BVS nhận định, việc áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới "Tỷ giá trung tâm" của NHNN ngay trong đầu năm 2016 có thể sẽ phải đổi diện với 3 thách thức lớn.
Thứ nhất, NHNN cần xây dựng và duy trì nguồn dự trữ ngoại tệ đủ lớn để can thiệp khi có những biến động lớn trên thị trường ngoại tệ. BVS cho rằng, dự trữ ngoại tệ càng lớn sẽ càng tạo ra nhiều dư địa cho các nhà điều hành chủ động trong công tác điều tiết, giảm sốc cho thị trường thậm chí là đối phó lại các cuộc tấn công tiền tệ có chủ ý. Mặc dù cần tôn trọng quy luật cung cầu tự nhiên của thị trường nhưng vẫn cần có phương án phòng vệ lại những yếu tố cung cầu bất thường trong ngắn hạn để tránh tổn thương cho nền kinh tế.
Thứ hai, Chính phủ cần tăng cường công tác dự báo và kiên định trong việc theo đuổi những mục tiêu dài hạn về lạm phát và tăng trưởng. Điều kiện này sẽ tạo ra những nền tảng quan trọng cho việc tạo dựng một chính sách tỷ giá mới, hiện đại trong tương lai, bởi những thay đổi trong chính sách kinh tế vĩ mô cần dựa trên những dự báo tốt để điều chỉnh các kỳ vọng và động cơ trên thị trường, hướng đến việc đạt được những mục tiêu trong dài hạn, thay vì các mục tiêu ngắn hạn và chạy theo những diễn biến trong quá khứ.
Thứ ba, lộ trình tăng lãi suất của Fed và diễn biến của đồng Nhân dân tệ là những áp lực cần được theo dõi sát. Theo dự báo mới nhất của Fed công bố vào ngày 16/12/2015, ngay sau khi tổ chức này quyết định lần đầu tiên nâng lãi suất, lãi suất vào cuối năm sẽ đạt mức 0.4%. Lộ trình nâng lãi suất trong những năm sau đó cho thấy mỗi năm Fed sẽ nâng lãi suất thêm 1%. Lãi suất mục tiêu sẽ ở mức 3.3% vào năm 2018, và lãi suất dự kiến trong dài hạn sẽ ở mức 3.5%./.
|