Ai đang nhắm đến Sowatco?
Ngày 11/1/2016, ông Phạm Nghiêm Xuân Bình – cổ đông có liên quan đến cổ đông nội bộ của Sowatco (SWC) đã công bố thông tin đăng ký mua vào 14.1 triệu cổ phiếu SWC. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh SCIC công bố kế hoạch thoái hơn 66% vốn điều lệ của SWC.
Được biết, ngoài SCIC nắm 66% vốn tại SWC, còn có hai cá nhân khác cũng sở hữu lượng lớn cổ phần tại đây là cổ đông Lê Quỳnh Anh và Lưu Tiến Ngọc, cùng sở hữu 14.9% vốn điều lệ Sowatco.
Cảng Long Bình và Quyết định 7632/UBND-ĐTMT
Theo bản công bố thông tin chào giá cạnh tranh của Tổng CTCP Đường sông Miền Nam (Sowatco/SWC), có 3 tài sản/khoản đầu tư của SWC được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, bao gồm: Cảng Long Bình (được đánh giá là một trong những điểm mạnh chiến lược của SWC), 16% vốn góp tại Liên doanh Keppel Land Watco và 37% vốn góp tại Công ty liên doanh Phát triển Tiếp vận số 1 (VICT).
Tuy nhiên, trong số này, phần vốn góp tại Keppel dù là khoản đầu tư được đánh giá cao, nhưng lại có hiệu quả mang về cho Sowatco không lớn, với mức chia cổ tức thấp như năm 2014 là 9 tỷ đồng. Bên cạnh đó với tỷ lệ 16% SWC không có tiếng nói lớn tại liên doanh. VICT được lợi do diễn biến ngành và việc di dời các cụm cảng trong Thành phố.
Nhưng cảng Long Bình mới được kỳ vọng là nhân tố sẽ mang lại đột biến cho Sowatco. Với diện tích 20 ha, vị trí đẹp, thời gian cho thuê đất kéo dài, cảng này được kỳ vọng sẽ tăng mạnh hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới. Thế nhưng, những kỳ vọng ấy sẽ không còn nếu cơ quan Nhà nước quyết định giao toàn bộ cảng Long Bình cho đơn vị khác triển khai dự án.
Cụ thể, tháng 5/2007, Cảng thủy nội địa Long Bình của Tổng công ty Đường sông miền Nam, có vị trí tại bờ phải sông Đồng Nai, thuộc phường Long Bình, quận 9, Tp.HCM (Cảng Long Bình) được Bộ Giao thông Vận tải công bố là cảng được tiếp nhận phương tiện thủy Việt Nam, phương tiện thủy nước ngoài chở hàng hóa có trọng tải đến 5,000 DWT vào, ra và làm hàng tại cảng. Đây là một dấu mốc quan trọng với SWC, bởi sau 7 năm kể từ khi triển khai, Cảng Long Bình đã trở thành cảng sông quốc tế đầu mối có thể tiếp nhận tàu biển xuất nhập khẩu trực tiếp cho khu công nghiệp trong bối cảnh nhu cầu vận tải đường thủy của Tp.HCM tăng lên, và nhiều cảng trong thành phố đã bị quy hoạch di dời.
Theo đề án đã được phê duyệt, Cảng Long Bình có quy mô 20 ha, triển khai làm 2 giai đoạn, có thời hạn thuê đất là 50 năm, kể từ ngày 1/7/2002. Báo cáo của SWC cũng cho thấy, trong các năm qua, việc nhanh chóng vượt công suất thiết kế giai đoạn 1 của Cảng đã đóng góp không nhỏ đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty.
Tuy nhiên, giữa lúc doanh nghiệp đang khai thác dự án tốt, thời gian thực hiện dự án cũng chưa tới 1/3 thời gian thuê đất đã được phê duyệt, thì bất ngờ, giữa tháng 12/2015, Ủy ban Nhân dân Tp.HCM ra công văn số 7632/UBND-ĐTMT về việc xây dựng cụm cảng ICD mới tại phường Long Bình, quận 9, Tp.HCM, với quy mô 47.5 ha, tổng mức đầu tư 4,600 tỷ đồng. Điều đáng nói là Tp.HCM lại chấp nhận đề xuất cho phép chủ đầu tư mới vào xây dựng dự án mới, đè lên toàn bộ dự án cũ của SWC, với công năng sử dụng không đổi, nhằm tạo điều kiện cho di rời các cảng khác tại khu vực cảng Trường Thọ, quận Thủ Đức, Tp.HCM.
Việc thay đổi chủ đầu tư dự án cảng Long Bình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gần 80% hoạt động chính của SWC. Trong khi đó, khoản đầu tư tài chính 37% vào cảng VICT và 16% vào Liên doanh Keppel Land Watco lớn về giá trị nhưng nhỏ về tỷ lệ sở hữu nên không được xem là nguồn thu ổn định an toàn./.
|