Vì sao doanh nghiệp Hàn Quốc e ngại khi đầu tư gián tiếp vào Việt Nam?
Hàn Quốc là quốc gia đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam nhưng dòng vốn gián tiếp lại khá yếu, không tương xứng. Nguyên nhân nào dẫn đến sự bất cân xứng này? Do thị trường chứng khoán Việt Nam không đủ thu hút hay còn những rào cản nào khác?
Phát biểu tại hội thảo song phương giữa các nhà tín dụng – doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc được xác lập từ năm 1992, đến 2001 hai nước tiến tới mối quan hệ toàn diện và đến 2009 nâng cấp thành quan hệ song phương đối tác chiến lược. Hàn Quốc hiện là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, tổng đầu tư vào nước ta là 43.3 tỷ USD, chiếm khoảng 31.3% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Ông Kim Su Ho, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh, cũng đánh giá rất cao triển vọng kinh tế của Việt Nam khi là một trong số ít nước được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP sẽ tăng trưởng 0.5% trong khi các quốc gia khác trong khu vực sụt giảm. Thêm nữa, dù tỷ giá VNĐ/USD điều chỉnh tăng gần 5% trong năm 2015 nhưng tỷ giá VNĐ/KOR lại khá ổn định, không có nhiều biến động.
Đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tính đến nay đã tăng 457 lần so với thời điểm năm 1992, năm 2015 tăng lên 510 dự án đầu tư với 3.77 tỷ USD. Đánh giá về triển vọng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới, ông Kim Su Ho nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng bởi tiềm năng to lớn để đầu tư. Các lĩnh vực tập trung đầu tư tiếp tục là vải, may mặc và thiết bị điện tử.
Hơn nữa, các hiệp định thương mại đã ký kết sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai bên như hiệp định thương mại tự do Việt Hàn triển khai hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực thương mại, năng lượng, linh kiện phụ tùng; hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thảo thuận góp phần tăng năng suất đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam…
Tuy nhiên, nếu nói về dòng vốn đầu tư gián tiếp thì khá ít, không tương xứng với nguồn vốn trực tiếp mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đổ vào Việt Nam. Lý giải cho sự nghịch lý này, ông Kim Su Ho cho hay doanh nghiệp Hàn Quốc khá thận trọng khi đầu tư gián tiếp vào Việt Nam sau bài học thất bại vào năm 2009. Thời điểm đó, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam 100 đồng thì chỉ thu về được 50 đồng, đây thực sự là một bài học đắt giá buộc các doanh nghiệp Hàn Quốc phải thận trọng hơn.
Tiếp theo là việc tiếp cận các quy định, thủ tục đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá khó khăn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ngoài ra, ông Kim Su Ho cũng chia sẻ nếu Việt Nam muốn thu hút dòng vốn gián tiếp nhiều hơn thì nên chú trọng đến việc nâng cao độ tin cậy của báo cáo tình hình hoạt động doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Hàn Quốc nhận thấy thông tin tình hình hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam không được truyền tải một cách chính xác, một trong lý do có thể là việc dịch thuật từ tiếng Việt sang tiếng Anh không được chuẩn xác. Mặt khác, đối với đầu tư trực tiếp, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng hy vọng việc chuyển vốn về công ty mẹ sẽ ít gặp khó khăn hơn so với hiện nay.
Dẫu vậy, ông Kim Su Ho đánh giá cao việc mở room trong Nghị định 60 mới ban hành của UBCKNN và việc thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn của Nhà nước Việt Nam.
Liên quan đến việc dòng vốn gián tiếp từ Hàn Quốc vào nước ta còn yếu, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường – UBCKNN, cho rằng nguyên nhân có thể là do quá trình tiếp xúc với các nhà đầu tư Hàn Quốc không được sâu và rộng. Mới đây, Luật đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu từ 49% đến 100% vốn một công ty chứng khoán tại Việt Nam, điều nay sẽ làm tăng khả năng tiếp xúc với nhà đầu tư ngoại hơn. Cùng với đó, Ủy ban cũng đang nỗ lực để công bố và cập nhật các quy định mới trên thị trường chứng khoán bằng bản tiếng Anh để các nước bạn dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu hơn./.
|