Thỏa thuận lịch sử 16,000 tỷ USD về biến đổi khí hậu được thông qua
195 quốc gia thành viên của Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Thỏa thuận Paris sau 20 năm thương lượng về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đây được coi là thỏa thuận lịch sử về vấn để biến đổi khí hậu toàn cầu mà các quốc gia đã miệt mài đàm phán nhiều năm qua. Bản Thỏa thuận Paris có 31 trang, 29 điều khoản, tập trung vào 5 vấn đề lớn và sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 2020.
Thoả thuận Paris cần được ít nhất 55 quốc gia, chiếm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu phê chuẩn để có hiệu lực.
Theo Cổng thông tin Chính phủ, trích dẫn từ kết quả nghiên cứu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được công bố ngày 13/12, thế giới sẽ cần phải chi 16,500 tỷ USD trong vòng 15 năm tới để thực hiện thành công các mục tiêu chống biến đổi khí hậu vừa đạt được tại Hội nghị này.
Nghiên cứu chỉ ra, phần lớn trong con số chi phí "khủng" nêu trên là để thay thế các nhà máy điện sử dụng than đá và khí đốt bằng các nguồn năng lượng không phát thải CO2 như gió, mặt trời và hạt nhân.
Một phần chi phí lớn nữa là để giảm tổng lượng điện được sử dụng trong các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn cầu.
Bên cạnh cam kết giảm lượng khí thải CO2 từ hơn 175 nước trên thế giới, Thỏa thuận Paris nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu còn bao gồm các mục tiêu mới rất khó khăn là giữ cho mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 1.5 độ C - so với 2 độ C trước đó - và loại trừ khí thải CO2 hiệu quả trong nửa sau của Thế kỷ 21.
Đối với Việt Nam, một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu, theo đánh giá ban đầu, Thoả thuận đã đề cập đến các vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu./.
|