SHN: Lãi “trên trời rơi xuống” nhờ Geleximco?
Được Geleximco “ưu ái” dành cho dự án đẹp để phân phối nhưng 9 tháng đầu năm SHN mới chỉ thu về gần 61 tỷ đồng lãi sau thuế, chưa tới 18% kế hoạch. Bất ngờ, chỉ vỏn vẹn 2 tuần cuối tháng 11/2015, nhờ “lướt sóng” cổ phiếu mà SHN đưa mức lợi nhuận lũy kế gần chạm 330 tỷ đồng, hoàn thành đến 94% kế hoạch năm. Liệu do SHN là thiên tài đầu tư 1 vốn 4 lời hay đơn thuần là “mèo mù vớ cá rán” hoặc một nguyên nhân nào khác?
Lãi “khủng” từ… lướt sóng cổ phiếu
Câu chuyện của SHN bắt đầu từ ĐHĐCĐ thường niên 2015 với sự góp mặt của những nhân tố mới là nhóm cổ đông ông Vũ Văn Tiền, CTCP XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và Đầu tư An Bình... Kế hoạch tăng vốn khủng từ 385.9 tỷ đồng lên đến hơn 2,000 tỷ đồng của SHN cũng được đề ra, thông qua phương án phát hành hoán đổi cổ phần với Đầu tư An Bình (ABFG), cấn trừ công nợ và chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Cùng với điều này, sát giờ kết thúc Đại hội, sau cuộc họp “chớp nhoáng” giữa các thành viên HĐQT, nội dung tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2015 đã được sửa đổi với mức doanh thu mới dự kiến đạt hơn 1,228 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 350 tỷ đồng. Đáng chú ý là con số này vượt xa kế hoạch trước đó được công bố đầu giờ diễn ra ĐHĐCĐ (851.2 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế dự kiến 70.2 tỷ đồng).
Đi kèm với đó là lời khẳng định đến từ ông Vũ Văn Hậu – Đại diện Geleximco, đồng thời là tân Chủ tịch HĐQT SHN, theo đó Geleximco đã chuẩn bị sẵn một số dự án để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của SHN và cho biết mức lợi nhuận dự kiến cho SHN năm nay sẽ được nâng lên 350 – 400 tỷ đồng.
Điều này đã hiện thực hóa khi Geleximco để SHN trở thành đối tác phân phối tòa CT2 thuộc dự án “Thành phố Giao Lưu” và một số công trình khác. Tuy nhiên, mặc dù nhận được sự ưu ái như vậy nhưng 9 tháng đầu năm 2015, SHN cũng chỉ ghi nhận vỏn vẹn 67.3 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 61 tỷ đồng lãi sau thuế, tương đương 17% kế hoạch.
Nếu hoạt động kinh doanh của SHN vẫn tiếp tục duy trì như những tháng trước đây thì mức kế hoạch được HĐQT đưa ra “chắc như đinh đóng cột” tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 coi như nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng, đến 2 tuần cuối tháng 11/2015, gần kề thời điểm “chốt số”, khoản lãi đột biến đã đến với SHN nhờ… “lướt sóng” cổ phiếu.
Ngày 11/11/2015, SHN công bố Nghị quyết HĐQT về việc mua gần 6.6 triệu cp của CTCP Sapa Hưng Yên do CTCP Sapa Việt Nam sở hữu với giá 15,000 đồng/cp, tương đương với số tiền mà SHN bỏ ra 100 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau đó 6 ngày, HĐQT SHN bất ngờ thông báo chuyển nhượng toàn bộ số cp mới mua này với cái giá khiến không ít nhà đầu tư (NĐT) giật mình, 42,000 đồng/cp, gấp 2.8 lần giá mua trước đó. Thương vụ mang lại lãi đậm cho SHN trong “chớp nhoáng” với 175 tỷ đồng, gấp gần 3 lần con số lũy kế 9 tháng đầu năm 2015.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại, đến ngày 25/11/2015, HĐQT SHN tiếp tục công bố mua vào 3 triệu cp của CTCP Tân Hoàng Cầu, tuy nhiên Nghị quyết không nói rõ giá mua. Kết quả của việc đầu tư này đến nay vẫn chưa được công bố lên Sở GDCK, nhưng ông Đinh Hồng Long – TGĐ SHN mới đây đã trả lời phỏng vấn báo chí cho biết, SHN đã thu về khoảng 77 tỷ đồng lợi nhuận từ thương vụ chuyển nhượng này.
Cùng với đó, đến ngày cuối cùng của tháng 11/2015 (30/11), SHN công bố, lũy kế lợi nhuận trước thuế tính đến thời điểm đó đã đạt gần 330 tỷ đồng, hoàn thành hơn 94% kế hoạch lợi nhuận năm 2015 và hoàn thành mục tiêu xóa lỗ lũy kế.
Như vậy, chỉ vỏn vẹn trong 2 tuần cuối tháng 11/2015, SHN đã đầu tư cổ phiếu “tài tình” đến mức thu về lợi nhuận gần 250 tỷ đồng, mức tỷ suất sinh lời ước tính đến 3 con số.
Ẩn số Geleximco và nghi ngờ giao dịch nhằm đẩy lợi nhuận của SHN
Xem xét lại 2 khoản đầu tư của SHN có thể thấy khá nhiều điểm đặc biệt, trong đó đáng chú ý là mối quan hệ trực tiếp hay gián tiếp của các khoản đầu tư này với Geleximco.
Với khoản đầu tư vào Sapa Hưng Yên, việc SHN có thể bán được cổ phiếu của công ty này với cái giá 42,000 đồng/cp và gấp 2.8 lần so với giá mua chỉ trong vòng 6 ngày khiến nhiều NĐT có thiên hướng nghĩ về đơn vị có hoạt động nổi trội hoặc lợi thế đặc biệt với những sản phẩm đứng đầu thị trường. Tuy nhiên, CTCP Sapa Hưng Yên với mã số doanh nghiệp là 0900934757 thực tế chỉ mới đi vào hoạt động từ ngày 30/09/2015, với lĩnh vực chính là sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh, khai thác và thu gom các loại than khác nhau.
Trong khi, địa chỉ của doanh nghiệp này lại trùng lặp với 2 doanh nghiệp khác cùng với cái tên có chữ Sapa, trong đó CTCP Sapa NHP Việt Nam được cũng mới được thành lập từ cuối tháng 5/2015 dựa trên sự hợp tác giữa NHP Việt Nam và Geleximco, mà thông tin bắt nguồn từ ĐHĐCĐ thường niên 2015 của NHP Việt Nam. Mặt khác, theo tìm hiểu của người viết, CTCP Sapa – Geleximco, công ty thành viên của Geleximco cũng có địa chỉ trùng với địa chỉ của cả 3 doanh nghiệp trên. Và cũng như các công ty trên, thông tin về hoạt động của Sapa – Geleximco cũng rất khó tìm kiếm.
Danh sách các công ty cùng thuộc địa chỉ của Sapa Hưng Yên
Nguồn: Cổng Thông tin Đăng ký Doanh nghiệp Quốc gia.
|
Với thương vụ mua cổ phiếu của CTCP Tân Hoàng Cầu, với chia sẻ từ TGĐ SHN - ông Đinh Hồng Long về khoản lãi đến 77 tỷ của thương vụ này, có thể tính được mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán cổ phiếu khoảng gần 25,700 đồng, cho thấy đây là một thương vụ mang hơi hướng giống như việc đầu tư vào Sapa Hưng Yên. Trong khi, cũng giống như lần trước, Tân Hoàng Cầu không phải cái tên tiếng tăm trên thị trường.
Được biết, Tân Hoàng Cầu là công ty nằm trong danh sách các công ty liên kết của Geleximco. Trước đó, Công ty này từng là Chủ đầu tư của dự án Tân Hoàng Cầu Tower tại vị trí 36 Hoàng Cầu. Nhưng kể từ năm 2007, sau những "lùm xùm" liên quan đến giấy phép của dự án, Tân Hoàng Cầu Tower dần biến mất khỏi thị trường cùng với CTCP Tân Hoàng Cầu.
Việc Geleximco cam kết giúp SHN đạt mức lợi nhuận “khủng” từ ĐHĐCĐ thường niên cùng 2 thương vụ chuyển nhượng cổ phần ít nhiều có liên hệ với công ty này dẫn đến những nghi vấn về việc đẩy lợi nhuận thông qua giao dịch mua bán cổ phiếu.
Dù có hay không việc này thì với thông tin SHN đã xóa sạch khoản lỗ lũy kế (từng suýt chút nữa khiến SHN bị hủy niêm yết), giúp kế hoạch phát hành tăng vốn lên hơn 2,000 tỷ đồng trong năm 2016 của SHN có thể được tiến hành suôn sẻ. Bởi theo quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Chứng khoản sửa đổi, một trong những điều kiện để doanh nghiệp được phát hành là không còn khoản lỗ lũy kế trên BCTC kiểm toán kết thúc năm. Và khi đó, người được lợi nhiều nhất từ việc phát hành này, nhiều khả năng vẫn là thành viên của Geleximco - CTCP Tập đoàn Đầu tư An Bình (ABFG).
Xem thêm: Nước cờ cao tay của Geleximco tại SHN
|