Satra trình phương án bảo tồn Thương xá Tax
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (Satra) hôm nay 14-12, đã có văn bản gởi các cơ quan nhà nước có liên quan báo cáo kế hoạch bảo tồn thương xá Tax.
Toàn bộ gạch mosaic trên cầu thang, diềm trang trí, các lối vào sẽ được bóc tách và lắp đặt lại trên kết cấu mới - Ảnh: TLTBKTSG
|
Theo văn bản do Phó Tổng giám đốc Satra Trần Văn Bắc ký gởi các sở, ban ngành như Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Văn hóa-Thể thao, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Hội Kiến trúc sư thành phố,... phương án bảo tồn sẽ gồm cả kế hoạch bảo tồn bên ngoài lẫn bên trong tòa nhà Thương xá Tax.
Bảo tồn bên ngoài công trình: Khối bệ cao 6 tầng với ba tầng bên dưới (tương đương với số tầng của tòa nhà năm 1924) được thiết kế mô phỏng các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc ban đầu, trên nóc tầng 3 ở góc đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ có một mái vòm với hoa văn gợi lại hình ảnh của tòa nhà Grands Magasins Charner (GMC). Ba tầng phía trên của khối bệ thiết kế với phong cách mới nhưng vẫn hài hòa với các tầng thấp, đồng thời là yếu tố chuyển tiếp lên khối tháp có kiến trúc hiện đại.
Tổng thể tòa nhà, tuy là một công trình hoàn toàn hiện đại, đáp ứng tất cả các yêu cầu về thẩm mỹ và công năng của đô thị mới song vẫn hài hòa với phong cách kiến trúc cổ của các tòa nhà trong khu vực như UBND TPHCM, khách sạn Rex, Nhà hát Thành phố, và vẫn lưu giữ được phần nào hình ảnh ban đầu của tòa nhà GMC.
Bảo tồn bên trong công trình, theo báo cáo, gồm nhiều công việc đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ năng chuyên gia. Cụ thể, về kiến trúc, mặt bằng trệt là nơi tập trung các hạng mục công trình cần bảo tồn như cầu thang chính khảm gạch mosaic với tay vịn, lan can, biểu tượng con gà trống, quả cầu bằng đồng, không gian thông tầng sảnh chính và các thảm gạch mosaic ở hai lối vào.
Trong công trình mới, ở tầng trệt tại khu vực tòa nhà ban đầu, các hạng mục trên gần như được giữ nguyên ở vị trí cũ như các lối vào với thảm gạch mosaic được bảo tồn, cầu thang chính được khôi phục và bố trí đối diện lối vào đường Nguyễn Huệ với không gian thông tầng lên tầng 2 được giữ nguyên bao gồm lan can, tay vịn và các chi tiết trang trí gốc thời kỳ đầu.
Văn bản của Satra cũng nêu rõ, chủ yếu công việc bảo tồn chính phía trong Thương xá Tax là nhằm gìn giữ các hoa văn bằng gạch mosaic. Việc khảo sát hiện trạng gạch mosaic là công tác đầu tiên của sự chuẩn bị cho quá trình bảo tồn nhằm có những đánh giá đúng về các phương án, cách thức bảo tồn, nhân lực, nguồn kinh phí cũng như các vấn đề có liên quan khác để chọn lựa các phương án bảo tồn tối ưu.
Công tác bảo tồn gạch mosaic được tiến hành qua ba giai đoạn gồm khảo sát sơ bộ và xây dựng các phương án bảo tồn; chọn phương án tối ưu và tiến hành thử nghiệm; khảo sát sâu đối tượng bảo tồn.
Sau khi khảo sát sơ bộ, từ năm 2014 đến nay Satra đã phối hợp với rất nhiều đơn vị tư vấn chuyên ngành về khảo cổ, bảo tồn thực hiện khảo sát, đánh giá thực tế và cuối cùng chọn phương án bóc tách toàn bộ gạch mosaic trên cầu thang, diềm trang trí, các lối vào và lắp đặt lại trên kết cấu mới. Đây là phương án đã được áp dụng phổ biến trong việc bảo tồn gạch mosaic trên thế giới.
Các chi tiết lan can cầu thang và lầu 1 như tay vịn, lá nguyệt quế, chữ đồng, lá đồng, con gà, quả châu cùng khung sườn lan can… sẽ được phục chế và chế tác. Sau đó sẽ được đóng gói, đánh ký hiệu, lưu kho chờ đến thời điểm lắp đặt, phục dựng trong kết cấu mới tương thích. Mọi dữ liệu bảo tồn sẽ được thu thập trong suốt quá trình bảo tồn dưới dạng bản vẽ, bản ảnh và nhật ký.
Đồng thời, căn cứ quy mô, tính chất của các công tác bảo tồn tại Thương xá Tax, Satra sẽ dựa vào hệ thống thông tin, dữ liệu và các cơ sở khoa học đã được nghiên cứu để tổ chức lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện theo quy định.
Kế hoạch bảo tồn sẽ được Satra gửi các cơ quan, ban ngành đã góp ý kiến trước khi trình UBND TPHCM xem xét phê duyệt.
Để triển khai dự án, Satra đã tổ chức tuyển chọn các tư vấn quốc tế có nhiều kinh nghiệm để thực hiện, trong đó, thiết kế chính là công ty TNHH Gensler và các cộng sự quốc tế (Mỹ). Đây là công ty thiết kế có 50 năm hoạt động trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc và 25 năm hoạt động tại Châu Á với gần 5.000 chuyên gia và 46 văn phòng ở 112 quốc gia. Thiết kế địa phương là công ty TNHH Kiến trúc B+H Việt Nam, có trụ sở chính ở Canada với hơn 60 năm kinh nghiệm.
Ngoài ra còn có các nhà tư vấn phụ quốc tế khác như Thornton Tomasetti – Mỹ (xây dựng và kết cấu), WSP – Anh (cơ điện, nước và phòng cháy chữa cháy), Edgett Williams Consulting Group – Mỹ (giao thông đứng)…
Được biết, Thương xá Tax được khởi công xây dựng vào năm 1922 và khánh thành vào ngày 26-11-1924 mang tên Grands Magasins Charner (GMC) với công năng là trung tâm thương mại, thuộc sở hữu của công ty Société Coloniale des Grands Magasins – SCGM được thành lập vào năm 1921 từ công ty mẹ L'Union Commerciale Indochinoise et Africaine (LUCIA). Tòa nhà do nhiều công ty tham gia xây dựng.
Ban đầu tòa nhà chỉ có 3 tầng với hai lối vào ở đường Nguyễn Huệ và góc Nguyễn Huệ - Lê Lợi ngày nay, nền nhà ngay các lối vào có trang trí hoa văn bằng gạch mosaic, đối diện lối ra vào đường Nguyễn Huệ là cầu thang chính và nóc nhà phía trên lối ra vào ở góc đường có một mái vòm đồng hồ.
Sau năm 1934, biểu hiện GMC được gắn thêm ở khu vực tháp vòm đồng hồ. Năm 1942 tòa nhà được cải tạo, xây dựng thêm tầng 4, mái vòm bị dỡ. Đầu những năm 1960, GMC được đổi thành Thương xá Tax.
Sau năm 1975 toàn bộ tòa nhà thuộc sự quản lý của UBND TPHCM. Từ năm 1978 là cửa hàng phục vụ thiếu nhi của thành phố. Năm 1981 đổi tên thành Cửa hàng bách hóa Tổng hợp thành phố thuộc sự quản lý của Sở Thương nghiệp. Năm 1997 là công ty bán lẻ Sài Gòn thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và từ năm 1998 đổi lại là Thương xá Tax.
Vũ Yến
tbktsg
|