Ngân hàng và những con số của năm 2015
Năm 2015 khép lại với không ít sự kiện lớn đối với ngành ngân hàng, tuy hé lộ nhiều con số thiệt hại nhưng đi liền với đó là những thành quả đáng ghi nhận qua công cuộc tái cơ cấu.
* 17,000 tỷ đồng là con số nợ xấu VAMC đã xử lý được đến nay. Theo đó, kể từ khi bắt đầu hoạt động vào quý 4/2013, VAMC đã phát hành 192 ngàn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 220 ngàn tỷ đồng nợ xấu và đã xử lý được 17 ngàn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 7.7% tổng số nợ xấu đã mua).
* 6,000 tỷ đồng là con số thiệt hại của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) trong các đại án lớn chính thức được công bố trong năm 2015. Gần đây nhất là việc xét xử vụ án các cựu lãnh đạo Agribank duyệt cho vay bằng hồ sơ khống đối với Công ty liên doanh Lifepro Vietnam (và các bên liên quan), gây thiệt hại 4,000 tỷ đồng.
* 500 triệu là toàn bộ số cổ phần của Ngân hàng Đông Á (DongABank) không được phép chuyển nhượng kể từ giữa tháng 8/2015. Trong tháng này, NHNN công bố kết quả thanh tra giai đoạn 2012 trở về trước, DongABank đã có nhiều vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác. Ngân hàng rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, thay thế Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.
Trong năm 2015, Tập đoàn KIDO (KDC) tuy có kế hoạch góp vốn 1,000 tỷ đồng trong đợt tăng vốn lên 6,000 tỷ của DongABank nhưng sau đó đã ngừng đàm phán.
* 5% là mức tăng tỷ giá VNĐ/USD trong năm 2015, bao gồm 3% từ việc tăng tỷ giá liên ngân hàng và 2% từ nới biên độ lên +/-3%.
Cụ thể, NHNN đã có hai lần tăng tỷ giá thêm 1% vào ngày 07/01 và 07/05 - hết dư địa tăng tỷ giá do NHNN cam kết cho năm 2015. Tiếp đó, sau động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vào ngày 11/08, đến ngày 12/08, NHNN đã điều chỉnh biên độ tỷ giá giữa VNĐ và USD tăng từ +/-1% lên +/-2%. Và đến ngày 19/08 điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VNĐ và USD thêm 1%, đồng thời mở rộng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.
5% trên vốn điều lệ còn là giới hạn cho các TCTD cấp dư nợ đầu tư kinh doanh cổ phiếu từ ngày 01/02/2015. Quy định này nằm trong Thông tư 36 được NHNN ban hành vào những tháng cuối năm 2014. Trước đó, tỷ lệ này được giới hạn ở mức 20% vốn điều lệ theo Thông tư 13.
* 4 thương vụ sáp nhập ngân hàng đã hoàn tất trong năm 2015 gồm Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB) về với BIDV (BID), Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) sáp nhập vào VietinBank (CTG), Ngân hàng Phát triển MêKông (MDB) vào MaritimeBank (MSB) và SouthernBank (PNB) vào Sacombank (STB).
* 3 là số thương vụ sáp nhập công ty tài chính vào ngân hàng trong năm 2015. Việc ngân hàng mua lại và sáp nhập các công ty tài chính đã xuất hiện từ vài năm trước nhưng đến năm 2015 rầm rộ hơn cả khi NHNN công bố dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng với yêu cầu ngân hàng thương mại thực hiện cho vay tiêu dùng phải thành lập công ty tài chính.
Đó là các vụ “kết duyên ngân hàng – công ty tài chính: Techcombank - Hóa chất Việt Nam (VCFC), MB - Sông Đà (SDFC) hay SHB - Vinaconex Viettel (VVF) trong năm 2015. Trước đó, trong năm 2014 là thương vụ VPBank - Than Khoáng sản Việt Nam và HDBank - Việt-Société Générale.
* 3% - Toàn hệ thống ngân hàng đã đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức này theo lộ trình hết tháng 9/2015. Như vậy, sau ba năm kể từ khi lập đề án xử lý với tỷ lệ nợ xấu thống kê lên tới 17% vào tháng 9/2012, nợ xấu của Việt Nam đã chính thức giảm về còn 2.93% vào cuối tháng 9/2015 vào tiếp tục giảm xuống còn 2.72% đến cuối tháng 11/2015.
* 0 đồng là giá trị mua lại 3 ngân hàng thương mại cổ phần từ NHNN trong năm 2015, gồm Ngân hàng Xây dựng VN (CB) vào tháng 2/2015, Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) vào tháng 4/2015 và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) vào tháng 7/2015.
Một số lãnh đạo chủ chốt của cả ba ngân hàng này đã bị bắt do cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay gây ra các khoản lỗ lớn khiến ngân hàng âm vốn điều lệ. Trong đó, OceanBank lỗ đến 15,480 tỷ đồng trong năm 2014, âm vốn chủ sở hữu hơn 11,170 tỷ đồng; GPBank trong năm 2014 cũng lỗ khoảng 12,000 tỷ đồng. Còn Ngân hàng Xây dựng VN bị thiệt hại 9,000 tỷ đồng.
0 đồng còn là khoảng cách giá mua bán USD niêm yết tại Vietcombank ngày 15/12/2015 (trước 2 ngày khi Cục dự trữ liên bang Mỹ - Fed nâng lãi suất thêm 0.25% lên 0.25-0.5%, chấm dứt 7 năm áp dụng mức lãi suất gần 0%).
0% là mức lãi suất tiền gửi USD của cả tổ chức và cá nhân tại Việt Nam hiện nay. Kể từ cuối tháng 9/2015, tổ chức gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ không còn được hưởng lãi và đến giữa tháng 12 đến lượt tiền gửi bằng đồng USD của cá nhân lùi về 0%/năm.
0% là tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Đối với TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, TCTD tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém theo chỉ định sẽ được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tùy từng TCTD (theo Thông tư 23/2015/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 28/01/2016).
* -1,618 tỷ đồng là số lỗ lũy kế đến cuối năm 2014 mới được công bố tại ĐHĐCĐ bất thường vào đầu tháng 12/2015 của Eximbank (EIB) sau kết luận của thanh tra. Tỷ lệ nợ xấu của Eximbank lên đến 7.56% trên tổng dư nợ, với lượng nợ xấu là 4,365 tỷ đồng. Eximbank cho biết trong quý 1/2016 sẽ hoàn tất các khắc phục chỉnh sửa theo yêu cầu của thanh tra./.
|