Lãnh đạo Kim Vĩ nói gì về việc rút vốn trái luật?
Công bố rút sạch vốn khi mà công ty đang có kế hoạch tăng vốn mở rộng đầu tư, hơn nữa hành động rút vốn này lại trái với quy định điều kiện niêm yết trên HNX, lãnh đạo CTCP Sản xuất XNK Inox Kim Vĩ (HNX: KVC) đã có giải thích nào cho hành động này?
Trong khoảng thời gian từ 09/12/2015 đến 07/01/2016, hàng loạt lãnh đạo của KVC bao gồm Chủ tịch, các Phó Tổng Giám đốc và Ủy viên HĐQT dự kiến bán toàn bộ tổng cộng 4.4 triệu cp KVC, tương đương 26.66% vốn. Điều đáng nói ở đây là cổ phiếu KVC chỉ mới lên sàn vào tháng 4/2015, tức đến nay mới khoảng 9 tháng, cổ đông nội bộ và tổ chức có liên quan đều phải cam kết nắm giữ 100% trong 6 tháng đầu tiên và 50% trong 6 tháng tiếp theo. Việc đăng ký bán của lãnh đạo KVC đã trái với quy định niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Công bố này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của KVC quý 3 vừa qua không được khả quan, lợi nhuận ghi nhận chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm trước. Đồng thời, giá cổ phiếu sau thời gian tăng mạnh lên mốc 37,000 đồng/cp thì bất ngờ sụt giảm mạnh và hiện đang lình xình đi ngang quanh mốc 8,000 đồng/cp.
Có thể nói, những diễn biến trên thực sự khiến nhà đầu tư hoang mang, lo lắng. Và tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2015 diễn ra sáng ngày 10/12, các cổ đông đã có những ý kiến đề nghị HĐQT có sự giải thích rõ ràng. Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Hồng Hạnh, là vợ của Chủ tịch Đỗ Hùng, lý giải nguyên nhân bán là để đầu tư dự án resort. Bà cho biết, việc đầu tư này là của các cá nhân trong ban lãnh đạo và không liên quan đến Công ty.
Được biết, Chủ tịch Đỗ Hùng vừa qua đã góp vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 2 dự án resort cao cấp tiêu chuẩn 5 sao tại Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) với tổng đầu tư 106 tỷ đồng.
* KVC: Khó hiểu với cuộc tháo chạy của gia đình Chủ tịch
* KVC: Sau cổ đông lớn, đến lượt dàn lãnh đạo đăng ký thoái 4.4 triệu cp
Liên quan đến việc cổ đông nội bộ đăng ký bán hết 100% khi thời gian niêm yết chưa được một năm là trái với quy định niêm yết trên HNX, bà Hạnh cho biết là do ban lãnh đạo đã không xem kỹ quy định và sẽ có điều chỉnh nếu cần thiết?!
Một điểm đáng chú ý khác, hiện KVC đang có kế hoạch tăng vốn từ 165 tỷ lên 495 tỷ đồng bằng cách phát hành 33 triệu cp, việc này cũng đã được Đại hội sáng nay (10/12) thông qua. Phát biểu tại Đại hội, ông Hùng nhận định nền kinh tế vĩ mô đang có nhiều chuyển biến tích cực, đây thực sự là cơ hội để công ty mở rộng hoạt động. Việc huy động vốn mục đích là để đầu tư, thay thế các trang thiết bị hiện đại, xây dựng thêm nhà xưởng, kho bãi, xây dựng thêm 2 dây chuyền sản xuất. Theo đó, dự kiến năm 2016 Công ty sẽ có bước tiến và đột phá trong kế hoạch kinh doanh.
Tuy nhiên, với những triển vọng này, tại sao ban lãnh đạo công ty lại rút hết vốn để làm riêng? Rút vốn cũng đồng nghĩa với việc những cổ đông nội bộ này từ bỏ quyền kiểm soát Công ty cũng như quyền được mua cổ phần phát hành thêm?!
Cũng trong phương án tăng vốn, chính những vị lãnh đạo này lại cho biết ưu tiên phát hành cho cổ đông hiện hữu mà không mời gọi đối tác chiến lược bởi không muốn các đối tác chiến lược tham gia quá sâu vào kế hoạch kinh doanh của công ty!?
Có thể nói, những hành động của ban lãnh đạo KVC hay cụ thể hơn là gia đình Chủ tịch Đỗ Hùng khá là mâu thuẫn, một mặt không muốn mất quyền chi phối Công ty, một mặt lại muốn thoái 100% vốn. Điều này rõ ràng khiến cổ đông khó tin tưởng vào sự tâm huyết cũng như gắn bó của họ đối với Công ty. Bởi ngay cả ban lãnh đạo, những người lên kế hoạch tăng vốn lại rút vốn để đầu tư riêng thì điều gì sẽ là cơ sở để cổ đông yên tâm bỏ thêm tiền vào KVC? Hay phải chăng quyền chi phối của gia đình ông Hùng thực tế vượt xa con số tỷ lệ sở hữu đích danh trên?./.
|