Chứng khoán Tuần 07–11/12: Dòng tiền bắt đáy đã xuất hiện
Ảnh hưởng tiêu cực từ đà giảm của nhóm Large Cap tiếp tục kéo các chỉ số thị trường đi xuống. Trong khi đó, áp lực tháo hàng ở nhóm đầu cơ diễn ra mạnh. Điểm đáng chú ý là, đà giảm mạnh đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy hoạt động trở lại.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 07/12 – 11/12/2015
Giao dịch: Sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế. Nỗ lực bắt đáy đã xuất hiện nhưng không thể đẩy lùi đà giảm của thị trường. Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần giảm 1.43% đứng tại 563.43 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm 1.15% đang dừng ở 79.22 điểm.
Giao dịch ở các nhóm Market Cap tiếp tục diễn ra không mấy tích cực. Theo đó, VS-Micro Cap là nhóm giảm điểm mạnh nhất với 1.25%. Tiếp theo là VS-Large Cap giảm 1.20%, VS-Mid Cap giảm 0.97%. Trong khi đó, VS-Small Cap ít tiêu cực hơn khi đứng yên trong tuần qua.
Giao dịch thị trường diễn ra trầm lắng. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE giảm 8.2% so với tuần trước và chỉ đạt hơn 429 triệu đơn vị; trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh giảm 5.3% với 166 triệu cổ phiếu.
Với các tín hiệu giao dịch yếu đi trong tuần giao dịch trước, thị trường đã khởi đầu tuần mới bằng phiên giảm điểm mạnh. Trong đó, đà giảm ở nhóm Large Cap tiếp tục tạo ảnh hưởng mạnh lên chỉ số với những cái tên quen thuộc như VCB, GAS, VNM… Tuy vậy, tâm điểm hướng về nhóm cổ phiếu tài chính trong phiên này khi Ngân hàng, Bảo hiểm và Chứng khoán đồng loạt lùi sâu.
Phiên giảm điểm mạnh đã nhanh chóng kích hoạt dòng tiền bắt đáy hoạt động sôi động trở lại. Sức nóng hướng về nhóm cổ phiếu Large Cap đã giảm mạnh trong thời gian trước và kéo thị trường tăng điểm mạnh.
Tuy vậy, giao dịch ở nhóm cổ phiếu nóng vẫn diễn ra khá trầm lắng. Cùng việc khối ngoại duy trì xu hướng bán ròng đã không thể giúp thúc đẩy sự hưng phấn của giới đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thị trường tuộc dốc trở lại trong các phiên tiếp theo.
Kịch bản giảm điểm không nhiều thay đổi khi nhóm Large Cap tiếp tục là nhóm kéo giảm thị trường mạnh nhất. Điểm khác biệt là (i) sắc đỏ trong các phiên giảm điểm này đã lan rộng hơn (ii) nhóm đầu cơ chịu áp lực tháo hàng mạnh khi nhiều cổ phiếu đầu cơ giảm điểm sâu hoặc kết phiên ở giá sàn.
Phiên cuối tuần, dòng tiền bắt đáy tiếp tục được kích hoạt trở lại. Tuy vậy giới đầu tư đã thận trọng hơn sau khi gặp thất bại trong phiên bắt đáy trước đó. Điều này khiến cho đà tăng của các chỉ số không quá mạnh, bên cạnh đó thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đáng kể so với các phiên trước.
Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng 775 tỷ đồng trên cả hai sàn ( đã loại bỏ giao dịch thoả thuận đột biến). Hoạt động bán ròng của khối ngoại diễn ra trên cả hai sàn. Trong đó, họ vẫn tập trung chủ yếu trên HOSE với gần 1,087 tỷ đồng trong khi bán ròng gần 70 tỷ đồng trên HNX. Khối ngoại mở rộng hoạt động bán ròng trên cả hai sàn trong khi đó hoạt động mua ròng diễn ra khá trầm lắng. Điều này không chỉ tác động lên các chỉ số mà còn khiến cho giới đầu tư thận trọng hơn.
Trên HOSE, họ bán ròng mạnh nhất là ở VIC với 460 tỷ đồng, chủ yếu thông qua giao dịch thoả thuận với 382 tỷ đồng. Tiếp theo là VCB với 81.6 tỷ đồng, PVD với 66.3 tỷ, MSN với 49 tỷ đồng… Về phía mua ròng là các mã như SBT với 14.9 tỷ đồng, KSB 11.6 tỷ, FIT 11.6 tỷ, CAV 10.8 tỷ...
Trên sàn HNX, giá trị bán ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở PVS với 68 tỷ đồng, NDN với 5.1 tỷ đồng, HUT với 3.7 tỷ đồng; ngược lại mua ròng chủ yếu ở PVC với 6.1 tỷ đồng CHP với 2.9 tỷ.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế với 16/20 ngành giảm điểm. Trong đó, Khai khoáng, Tiện ích và SX Hàng gia dụng là những ngành giảm điểm mạnh nhất với 4.35%, 4.08% và 2.89%. Cùng với Khai Khoáng, các ngành nóng khác như Chứng khoán, Bất động sản, Xây dựng và Ngân hàng đều chìm trong sắc đỏ với mức giảm lần lượt 2.35%, 1.99%, 1.48% và 0.23% Ở chiều ngược lại, Bảo hiểm, SX Nhựa Hoá chất, Chế biến Thuỷ sản là những ngành tăng điểm tích cực nhất với mức tăng 4.08%, 1.73% và 0.76%.
Các cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là DHM với 13.95%, BHS với 9.27% ; trên sàn HNX là DST với 55.93% và DPS với 24.24%
DHM tăng 13.95%. DHM tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng liên quan đến hoạt động đầu tư của công ty này. Theo đó, DHM đã thoái vốn khỏi CTCP Thương mại và Khai thác khoáng sản miền Trung và hiện chỉ còn nắm giữ 10% vốn tại đây. Ngược lại, DHM cũng vừa quyết định mua thêm 3 triệu cp tương đương 15% vốn điều lệ tại CTCP Khai khoáng luyện kim Bắc Việt. Dự kiến sau giao dịch, DHM sẽ sở hữu 9 triệu cp tương đương 45% vốn điều lệ của Bắc Việt.
BHS tăng 9.27%. BHS tăng mạnh trong tuần qua có thể xuất phát từ việc (i) BHS dự kiến sẽ tạm ứng cổ tức niên độ 2014-2015 với 5% bằng tiền mặt, chốt quyền ngày 22/12 (ii) dòng tiền đầu cơ đổ vào cổ phiếu này ăn theo hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF khi BHS được chọn vào rổ chỉ số FTSE Vietnam Index.
DST tăng 55.93%. DST tăng mạnh trong tuần qua khi không có thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh. Do đó, nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ đang hoạt động tại cổ phiếu này.
DPS tăng 24.24%. DST tăng mạnh trở lại trong tuần qua khi không có thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh. Do đó, nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ đang hoạt động tại cổ phiếu này. Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT, ủy viên HĐQT và thành viên BKS đã đồng loạt đăng ký bán ra cổ phiếu này trong tháng 11.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là DLG giảm 17.98%, SHI với 14.93%, HQC với 13.43% ; trên HNX là SHA giảm 11.63%.
DLG giảm 17.98%. DLG giảm mạnh trong tuần qua dù không đón thông tin mới về hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng DLG giảm mạnh do (i) dòng tiền tháo chạy khỏi hầu hết các cổ phiếu đầu cơ trong tuần qua (ii) Quỹ PYN Elite Fund lần đầu tiên hạ tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam xuống còn 89% tổng tài sản ( giảm 1%). Dù mức giảm không quá lớn nhưng cũng gây lo ngại cho giới đầu tư đặc biệt là khi PYN cũng đang sở hữu DLG.
SHI giảm 14.93% và SHA giảm 11.63%. SHI và SHA giảm mạnh trong tuần qua dù không đón thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh. Do đó, đà giảm của các cổ phiếu này có thể xuất phát từ việc dòng tiền đầu cơ tiếp tục rời bỏ thị trường trong tuần qua.
HQC giảm 13.43%. HQC giảm mạnh trong tuần qua có thể xuất phát từ những lo ngại của giới đầu tư về việc CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản Đông Dương (công ty con của HQC) đăng ký bán 20 triệu cổ phiếu HQC thông qua giao dịch thoả thuận với giá 10,000 đồng/cp. Tuy vậy, đà giảm của HQC đã chững lại về cuối tuần khi Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của HQC đã đăng ký mua 10 triệu cp trong khoảng thời gian từ 15/12/2015 - 14/01/2016.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
|