Thứ Sáu, 18/12/2015 10:44

“Cắt lỗ” mùa Giáng sinh

Đồng đô la Canada (CAD) đã xuống đến mức thấp kỷ lục 1 đô la Mỹ đổi được 1,376 CAD (tương đương 16.400 đồng/CAD) vào ngày mà giá dầu thô quốc tế chạm mức 34,5 đô la Mỹ/thùng trong tuần qua, thấp nhất trong vòng bảy năm. Tương tự đồng rúp Nga lại một lần nữa “nhảy” lên 70,7 rúp ăn một đô la Mỹ.

 

Nếu nói các ngoại tệ mạnh sẽ điều chỉnh sau khi FED quyết định tăng lãi suất, dù chỉ là 0,25 điểm phần trăm, có thể trở nên thiếu chính xác. Ảnh TL

Mấy năm trước khi tỷ giá hối đoái còn quanh mức 20.400-20.500 đồng/đô la Mỹ, đã có thời điểm 1 CAD đổi được 22.000 đồng. Thế mới biết sự tương quan của dầu mỏ, hay nói cách khác là giá năng lượng, nguyên liệu trên thế giới với các ngoại tệ mạnh chặt chẽ đến mức nào.

Nga, Canada và các nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ có thể còn chịu tác động dài dài của giá dầu thấp. Bản thân ngân sách của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của giá dầu do chúng ta có xuất dầu thô. Tuy nhiên, trong đợt sụt giảm giá dầu thế giới lần này, cơ quan quản lý ngân khố quốc gia đã có một phản ứng mau lẹ về mặt truyền thông. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói với VTV rằng số thu ngân sách từ dầu thô trên thực tế giờ đây còn thấp hơn phần nợ đọng thuế, và rằng bộ đã tính đến kịch bản giá dầu về 30 đô la Mỹ/thùng. Đây hẳn là một “tiến bộ” của ngành tài chính vì năm ngoái khi giá dầu đã về 60 đô la Mỹ/thùng, dự toán thu ngân sách vẫn tính ở mức 100 đô la Mỹ/thùng, cách quá xa thực tế.

Chưa thấy cơ quan, ngành nào tính toán giá dầu và nguyên liệu giảm đã ảnh hưởng ra sao đến lạm phát. Năm nay chỉ số CPI dự báo khoảng 1%, thấp nhất trong 14 năm và chắc chắn trong sự thấp đó không thể không có yếu tố giảm giá xăng dầu bán lẻ.

Giá dầu thô đang khiến thị trường chứng khoán “điêu đứng” bởi cổ phiếu dầu khí chiếm tỷ trọng không nhỏ trong giá trị vốn hóa cả hai sàn. Thị giá hàng loạt cổ phiếu dầu khí đang ở vùng đáy thấp nhất không chỉ một năm, mà tới hai năm. Một môi giới kể khách hàng hỏi liệu có nên cắt lỗ cổ phiếu dầu khí? Nhân viên môi giới trả lời đại ý cắt lỗ không bao giờ muộn vì còn tiền là còn cơ hội giao dịch. Làm sao có thể ngờ tháng 7-2015 cổ phiếu PVT (Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí) còn có giá gần 14.000 đồng, mà nay chỉ hơn 9.000 đồng? Một cổ phiếu được xếp vào hàng ngũ “đầu cơ có hạng” như PXS (Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí) cùng thời gian trên đã giảm từ 19.000 đồng về gần 12.000 đồng mới đây. Các tên tuổi “lừng lẫy” một thời như GAS, PVD, PVS, PVB cũng không tránh khỏi số phận rớt giá.

Tuy nhiên chứng khoán là thứ sản phẩm kỳ lạ của nền kinh tế thị trường. Thường vào lúc mà nhà đầu tư “đau xót” cắt lỗ xong, giá cổ phiếu bắt đầu đi lên. Lần sụt giảm mấy tháng trước, giá dầu quốc tế bật tăng sau khi chạm ngưỡng 38 đô la Mỹ/thùng. Nó đã phục hồi tới tận gần 60 đô la Mỹ/thùng. Lần này khi giá giảm đến 34 đô la Mỹ/thùng, sức đầu cơ đã đẩy giá lên. Cổ phiếu dầu khí trên cả Hose và Hnx bắt được tín hiệu “ngoi ngóp” leo lên “thở”. Không biết đợt “thở” này kéo dài bao lâu?

Chuyển động theo giá dầu, CAD và đồng rúp lấy lại vài phần trăm giá trị. Nhưng ngay cả các nhân viên kinh doanh ngoại tệ giỏi nhất của những ngân hàng hàng đầu Việt Nam cũng không dám nhận định CAD sẽ đi về đâu. Nói đồng tiền Canada là để nói những ngoại tệ khác. Ngày 3-12 vừa rồi khi Ngân hàng Trung ương châu Âu họp, đồng euro đã lên giá hàng trăm điểm so với đô la Mỹ, trái ngược hoàn toàn với dự báo của các tổ chức kinh doanh tiền tệ trước đó. Đồng bảng Anh và yen Nhật cũng vậy. Cho nên nói các ngoại tệ mạnh sẽ điều chỉnh sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất, dù chỉ là 0,25 điểm phần trăm, có thể trở nên thiếu chính xác.

Tại thị trường trong nước, tỷ giá hối đoái đã được đẩy lên kịch trần ở chiều niêm yết bán ra và gần kịch trần ở chiều mua vào ở hầu hết các ngân hàng ngày 15-12. “Hiệu ứng FED” có thể chỉ là thứ yếu. Người ta đang nhìn vào sự biến động của đồng nhân dân tệ nhiều hơn. Trong tuần qua, đồng tệ đã giảm giá khoảng 2%. Đồng tệ mất giá mới là điều mà các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách phải tính đến.

Có thể những lo ngại về sự biến động của tỷ giá đã khiến khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu. Chỉ riêng mã MSN, khối ngoại đã bán ròng 16 phiên với tổng giá trị bán ròng chừng 450 tỉ đồng. Giờ đây mốc 570 điểm biến thành thử thách của VN-Index. Nếu các cổ phiếu chủ chốt như BID, MSN, VIC... vẫn bị khối ngoại bán ròng, thì lực cầu trong nước có thể không đỡ nổi và VN-Index có khả năng lùi về vùng 540-550 điểm. Giáng Sinh năm nay dường như không phải là ngày đẹp trời với VN-Index.

Thành Nam

tbktsg

Các tin tức khác

>   Nhịp đập Thị trường 18/12: “Trái đắng” trong ngày cuối VNM ETF cơ cấu danh mục (18/12/2015)

>   18/12: Bản tin 20 giờ qua (17/12/2015)

>   BLF: Chậm công bố BCTC bán niên soát xét 2015, bị phạt 60 triệu đồng (18/12/2015)

>   Sóng 5 đang phát triển hay điều chỉnh còn kéo dài? (17/12/2015)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 17/12/2015: MACD cho tín hiệu mua (17/12/2015)

>   Vietstock khai giảng lớp Phân tích Kỹ thuật Bậc 2 và lớp Lướt sóng-Nghệ thuật đầu tư ngắn hạn (19/12/2015)

>   SHN: Cổ phiếu ra khỏi diện bị cảnh báo từ 18/12/2015 (17/12/2015)

>   17/12: Bản tin 20 giờ qua (17/12/2015)

>   VNM ETF đã bán ra gần 1.1 triệu cp BID "mua nhầm" (17/12/2015)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 17/12 (17/12/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật