TTCK Campuchia: Cơ hội lên sàn cho các SME
Đối với những công ty mong muốn niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) thì việc nới lỏng các điều kiện niêm yết gần đây chính là cơ hội tốt cho họ.
* TTCK Campuchia sẽ có thêm sàn giao dịch cho các doanh nghiệp SME
* Sở GDCK Campuchia sẽ có doanh nghiệp vừa và nhỏ niêm yết trong năm nay?
Phnom Penh Post cho biết sau 3 năm kể từ khi CSX chính thức khai trương giao dịch và chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết, mới đây Ủy ban Chứng khoán Campuchia (SECC) đã tiến hành cắt giảm các tiêu chuẩn niêm yết nhằm tăng số lượng doanh nghiệp lên sàn.
Việc cắt giảm điều kiện niêm yết trên được thực hiện dựa trên khung pháp lý áp dụng cho sàn giao dịch mới mang tên “Growth Board” trên CSX với mục đích thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lên sàn.
Được công bố và chấp thuận hồi tháng 9, nghị định mới về các điều kiện niêm yết dễ thở hơn cho phép các doanh nghiệp có vốn tối thiểu 7.5 triệu USD được niêm yết cổ phiếu trên sàn chính kèm theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 2 năm, so với yêu cầu trước đây là 3 năm.
Ông Sok Dara – Phó Tổng giám đốc SECC cho biết: “Sẽ có nhiều công ty đáp ứng được điều kiện này, đặc biệt là khi chúng tôi chỉ yêu cầu họ công bố báo cáo tài chính của 2 năm”.
Ông chia sẻ: “Thật ra, chỉ một năm là đủ nhưng chúng tôi yêu cầu báo cáo của 2 năm là để họ có thể so sánh kết quả kinh doanh giữa 2 năm đó”.
Ông Dara cho biết các nhà quản lý SECC đã không ngừng nỗ lực để đạt được 2 mục đích chính đó là nới lỏng các điều kiện niêm yết và hòa cùng xu hướng với các nước khác trong khu vực. Ông nhấn mạnh rằng, các nước khác như Lào, đã cắt giảm yêu cầu về thời gian báo cáo tài chính xuống chỉ còn 1 năm trước khi niêm yết nhằm thu hút nhiều công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Ông chia sẻ: “Họ muốn thu hút nhiều doanh nghiệp hơn nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh của họ, thì chúng tôi cũng thế”.
Theo điều kiện niêm yết trước đây, các công ty có vốn tối thiểu từ 2.5 triệu USD đến 5 triệu USD, quy mô IPO ít nhất phải là 20% vốn điều lệ. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn tối thiểu từ 5 triệu USD trở lên, quy mô niêm yết ít nhất phải là 15% vốn điều lệ.
Ông Dara chia sẻ thêm: “Hiện nay, yêu cầu này được gỡ bỏ do chúng tôi muốn các công ty được linh hoạt hơn. 15% hay 20% là đã lớn lắm đối với họ”.
Ngay cả khi 2 sàn giao dịch riêng biệt được thành lập thì ông Dara cho biết các công ty lớn vẫn có thể trao đổi với Ban chỉ đạo IPO, bên bảo lãnh và CSX về việc niêm yết cổ phiếu trên sàn Growth Board, sàn giao dịch dành cho các công ty nhỏ hơn.
Theo nhận định của ông Thomas Hugger, CEO kiêm Giám đốc quản lý quỹ tại công ty đầu tư Asia Frontier Capital, trong khi tiêu chuẩn cũ được xem là quá khắc khe đối với thị trường vốn đang phát triển và còn non trẻ của Campuchia thì những thay đổi mới này là một bước tiến đúng đắn.
Đề cập đến CSX, ông Hugger cho rằng: “Việc đưa ra những yêu cầu niêm yết khắc khe ở Campuchia quả là một sai lầm. Chúng có thể phát huy tác dụng ở Hàn Quốc, nhưng ở Campuchia thì không”.
Ông nhận xét thêm: “Tuy nhiên, trong khi SECC đang nới lỏng các yêu cầu theo hướng thuận lợi cho phía doanh nghiệp thì cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư tiềm năng nên biết thêm về các rủi ro liên quan”.
Ông nhận định: “Đầu tư vào các công ty nhỏ và các công ty không có hoặc có lịch sử lợi nhuận ngắn dĩ nhiên là khá rủi ro”.
Ông Hugger cũng cho rằng việc một công ty lớn niêm yết trên sàn Growth Board “sẽ thật sự tác động đến chỉ số giao dịch”, và cần cân nhắc đến việc áp dụng mức hạn chế đối với những doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn nhỏ.
Trong khi đó, ông Stephen Higgins, đối tác quản lý tại công ty tư vấn đầu tư Mekong Strategic Partners cho rằng, giới đầu tư không quan tâm đến việc niêm yết ở sàn nào. Cái họ cần là tính thanh khoản trên thị trường trước khi quyết định nhảy vào.
Ông nói: “Điều mà giới đầu tư muốn chứng kiến chính là một công ty minh bạch, có hoạt động tốt với triển vọng tăng trưởng bền vững. Họ cũng cần đến tính thanh khoản trên thị trường và đây là một trở ngại chính hiện nay”.
Ông Higgins nhận thấy diễn biến trên thị trường hiện nay giống như “tình huống giữa con gà và quả trứng”, đâu là nguyên nhân chính khi mà nhà đầu tư muốn né tránh thị trường do thiếu thanh khoản, còn thị trường lại khan hiếm thanh khoản do sự né tránh của nhà đầu tư”.
Ông nói: “Yếu tố có thể thay đổi tình trạng này là việc có một doanh nghiệp như Acleda Bank đặt chân vào thị trường chứng khoán”.
Ông Svay Hay, CEO của Acleda Securities cho rằng các công ty có khả năng thực hiện IPO đang mong muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn chính và những quy định mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình IPO, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính.
Ông cho rằng: “Hầu hết các công ty này đều có các báo cáo tài chính đã được kiểm toán để sẵn sàng đáp ứng cho việc đánh giá bất cứ lúc nào. Vì vậy, những yêu cầu về kiểm toán 2 năm hay 3 năm họ hoàn toàn đáp ứng được”.
“Hấp dẫn hơn nữa, đây giống như một ưu đãi về chi phí, thời gian và dành cho các công ty có những kế hoạch hoạt động trung hạn”./.
|