Thứ Hai, 23/11/2015 17:59

Roadshow ACV: Nhiều câu hỏi về vay ODA của Nhật

Điều khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi trong buổi roadshow cơ hội đầu tư vào Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sáng 23/11 tại TPHCM là tình hình vay ODA của Nhật cũng như khấu hao và sửa chữa tài sản của ACV - là những chi phí trọng yếu ảnh hưởng đến nguồn thu cuối cùng của công ty.

IPO gần 78 triệu cp giá khởi điểm 11,800 đồng/cp

Ngày 10/12 tới, ACV sẽ chính thức IPO gần 78 triệu cp với mức giá khởi điểm 11,800 đồng/cp. Mức giá này được cho là khá thấp so với 2 công ty con đã IPO của ACV là Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO) và Công ty TNHH MTV Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS). Trong đó, giá trúng thầu của SASCO là 19,330 đồng/cp, gần gấp đôi giá khởi điểm; còn SAGS khá cao với 44,500 đồng/cp, gấp 3.6 lần giá khởi điểm.

Hiện ACV có vốn điều lệ 14,693 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt giá trị thực tế của Công ty mẹ ACV tính đến ngày 30/6/2014 là 37,919 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế vốn Nhà nước là 20,769 tỷ đồng. Theo Bộ Giao thông Vận tải, ACV phải xây dựng lộ trình cổ phần theo 2 giai đoạn, với tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ lần lượt giảm về 75% và 65%.

Dự kiến cơ cấu cổ đông của ACV sau cổ phần hóa

Về việc sử dụng vốn từ IPO, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Chính phủ cho phép ACV dùng số tiền thu được từ đợt bán cổ phần khoảng hơn 5,600 tỷ đồng để làm vốn đối ứng xây sân bay Long Thành. Được biết, tổng mức đầu tư cho dự án sân bay Long Thành là 336,763 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn cổ phần hóa, vốn đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Với nhu cầu vốn đầu tư lớn, ACV dự kiến sẽ phát hành thêm để huy động khoảng 1,662 tỷ đồng. Theo đó, vốn điều lệ dự kiến là 22,431 tỷ đồng, Nhà nước vẫn nắm chi phối 75% (1.68 tỷ cp), CBCNV 1.7% (hơn 31 triệu cp), Nhà đầu tư chiến lược 20% (gần 449 triệu cp) và IPO 3.47% (77.8 triệu cp).

Dự kiến tổng mức đầu tư cho các dự án trong và ngoài khu bay trong giai đoạn 2015-2020 là 43,374 tỷ đồng (chưa bao gồm dự án cảng Long Thành). Theo đó, trong giai đoạn 2018-2020, ACV sẽ tăng vốn điều lệ lên 23,900 tỷ vào năm 2018, lên 26,847 tỷ năm 2019 và 29,794 tỷ vào năm 2020.

Hiện ACV có 3 công ty con gồm CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (670.65 tỷ đồng – 51% vốn), CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (78 tỷ đồng – 55.51% vốn), CTCP Dịch vụ Nhiên liệu Hàng không Nội Bài (60 tỷ đồng – 60%). Bên cạnh đó còn có 5 đơn vị liên kết khác. Ngoài ra, quý 4/2015, ACV cũng dự kiến góp vốn thành lập CTCP Bay kiểm tra hiệu chuẩn hàng không Việt Nam với tổng mức vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó ACV tham gia dưới 30% vốn.

Gánh nặng nợ vay và khấu hao

ACV được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không miền Bắc, miền Nam và miền Trung. Hiện ACV khai thác và quản lý 22 cảng hàng không dân dụng, trong đó có 6 cảng hàng không quốc tế gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Cần Thơ; 14 cảng hàng không địa phương Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Đồng Hới, Vinh, Cát Bi, Nà Sản, Điện Biên, Thọ Xuân.

Trong giai đoạn 2012-2014, tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình (CAGR) của công ty mẹ ACV đạt 14%. Còn lợi nhuận trước thuế (không tính lợi nhuận phát sinh từ chênh lệch tỷ giá) tăng trung bình 15%, đạt 1,693 tỷ đồng vào năm 2014.

Do đặc thù hoạt động cảng hàng không, ACV có nhu cầu nâng cấp, sửaa chữa tài sản định kỳ. Vì thế chi phí khấu hao và sửaa chữa tài sản luôn là những chi phí trọng yếu của ACV. Trong 2 năm 2013 và 2014, tỷ trọng chi phí khấu hao, sửa chữa bình quân trong tổng giá vốn hàng bán lần lượt là 33% và 23%. Tổng chi phí sửa chữa lớn được trích trước bình quân hàng năm khoảng hơn 900 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, tổng tài sản dài hạn của ACV ở mức 24,000 tỷ đồng, chiếm 56% tổng tài sản và tăng 49% so với năm 2013 do ghi nhận giá trị đầu tư nhà ga T2 Nội Bài với tổng giá trị ước tính khoảng 15,000 tỷ đồng. Nợ phải trả của ACV cũng ở mức cao với 22,301 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho các khoản vay ODA của Nhật là 70.62 tỷ JPY (hơn 12,621 tỷ đồng), thời hạn vay kéo dài đến 40 năm, lãi suất từ 0.2% cho khoản đầu tư xây dựng T2 Nội Bài và 1.6% xây dựng Tân Sơn Nhất. Theo đó, dự kiến ACV chi trả nợ gốc trong các năm từ 2015-2020 khoảng 731 triệu JPY, tương đương 136 tỷ đồng/năm, còn chi phí lãi vay dao động từ 465-512 triệu JPY/năm (tương đương 87-95 tỷ đồng). Đối với những khoản vay này, ACV cũng phải chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá.

Cảng Đà Nẵng, Phú Quốc và Cát Bi cùng lỗ

Đối với tình hình hoạt động của từng cảng hàng không, ban lãnh đạo ACV cũng tiết lộ, năm 2014, cảng Tân Sơn Nhất lãi 2,300 tỷ đồng và năm 2015 sẽ tiếp tục tăng. Còn cảng Nội Bài ghi nhận lợi nhuận 1,100 tỷ đồng, sang năm 2015 con số này sẽ thấp hơn do phải trích khấu hao cho T2 Nội Bài là 1,800 tỷ đồng. Cảng Cam Ranh có lãi 60 tỷ đồng.

Trong khi đó, cảng Đà Nẵng, Phú Quốc và Cát Bi đều bị lỗ, trong đó cảng Đà Nẵng âm 150 tỷ trong năm 2014 và dự kiến năm 2015 vẫn lỗ nhưng nhỏ hơn.

Đối với sân bay Long Thành, công suất xây dựng 100 triệu khách/năm với 5 triệu tấn hàng hóa và hướng tới mục tiêu là trung chuyển của khu vực và thế giới. Việc đầu tư xây dựng cảng Long Thành sẽ chia làm 3 giai đoạn. Hiện ACV đã lập dự án giai đoạn 1 (từ nay đến 2035) đầu tư 5.45 tỷ USD. Giai đoạn 2 căn cứ vào nhu cầu hàng không, ước khoảng 16 tỷ USD. Sớm nhất vào năm 2018 sẽ tiến hành khởi công và 2023 đi vào khai thác.

Bên cạnh đó, thời gian tới ACV cũng đang mở rộng, cải tạo cảng Tân Sơn Nhất, nâng công suất nhà ga quốc tế, mở rộng sân đậu máy bay… dự kiến tổng mức đầu tư 2,000 tỷ đồng. Dự án mở rộng sân đậu cảng Phú Bài khoảng 70 tỷ đồng, sân đậu cảng Đà Nẵng khoảng 500 tỷ đồng, cảng Chu Lai 300 tỷ và Phú Quốc khoảng 1,000 tỷ đồng. Đối với sân bay Phú Quốc sẽ không nhượng quyền khai thác như kế hoạch ban đầu mà thay thế bằng phương án cho thuê hạng mục nhà ga hành khách.

Trong giai đoạn 2016-2020, ACV đặt kế hoạch doanh thu tăng từ 1% đến gần 4%/năm, còn lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 12-18%, riêng năm 2017 hầu như không tăng so với năm 2016. Cổ tức đều ở mức 5%.

Các tin tức khác

>   VIP: Thoái vốn khỏi VIP Greenport cùng 2 dự án bất động sản (23/11/2015)

>   VC9: Báo cáo kiểm toán nhà nước (BCTC năm 2014) (23/11/2015)

>   ICF: Kinh doanh tiếp tục đi xuống, lãi 9 tháng chưa đến 5% kế hoạch (24/11/2015)

>   FCN: Giải trình biến động KQKD HN và Cty mẹ quý 3,2015 so với cùng kỳ năm trước (23/11/2015)

>   HMH: Lãi ròng lũy kế 9 tháng đạt gần 75% kế hoạch (25/11/2015)

>   GDT: Đã bán được lô đất tại Bình Dương giá tối thiểu 64 tỷ đồng (23/11/2015)

>   CGP: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 (23/11/2015)

>   DNP: Báo cáo tài chính quý 3/2015 (23/11/2015)

>   HHC: Điều chỉnh phụ lục hợp đồng kiểm toán (23/11/2015)

>   HHC: Giải trình liên quan đến số liệu tài chính điều chỉnh so với BCTC năm 2014 (23/11/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật