“Nước cờ” kinh doanh BĐS của PTI liệu có rủi ro?
Gom mạnh cổ phiếu của CTCP Hồng Hà Việt Nam (UPCoM: PHH) hay quyết định lấy ý kiến cổ đông về việc bổ sung lĩnh vực kinh doanh BĐS có thể là những bước đệm cuối cùng cho Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu Điện (HNX: PTI) thực hiện “nước cờ” rẽ sang lĩnh vực BĐS – một lĩnh vực mà nhiều ông lớn đã “ngoảnh mặt làm ngơ”.
Việc một doanh nghiệp đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh không có nghĩa là doanh nghiệp đó sẽ ngay lập tức thực hiện, thậm chí không ít doanh nghiệp hiện nay đăng ký ngành nghề kinh doanh thực chất chỉ là để cho có.
Nhưng với những động thái gần đây về việc gom mạnh cổ phần của PHH – một doanh nghiệp bất động sản (BĐS) bị hủy niêm yết bắt buộc bên cạnh kế hoạch bổ sung lĩnh vực kinh doanh BĐS đã cho thấy ý định thực sự từ PTI. Đặc biệt là nguồn tiền dồi dào hơn 1,000 tỷ đồng từ thương vụ bán 35% cho phía Dongbu Hàn Quốc vẫn chưa có mục đích sử dụng rõ ràng.
Đầu tư tay ngang do… thừa tiền?
PHH, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thi công xây lắp và đầu tư BĐS, tiền thân từ một công ty xây dựng trực thuộc công đoàn ngành xây dựng. Hoạt động của PHH không có nhiều nổi bật so với một số doanh nghiệp BĐS khác trên sàn, với mức lợi nhuận 3 năm gần đây chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu so với quy mô vốn 200 tỷ đồng.
KQKD 4 năm gần đây của PHH (Đvt: Triệu đồng)
|
Đến đầu tháng 08/2015, do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC Công ty mẹ 2014 và BCTC hợp nhất 2014 nên CTCP Hồng Hà Việt Nam (HNX: PHH) đã chính thức bị hủy niêm yết theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Tuy nhiên, trong bối cảnh bên bờ vực hủy niếm yết, khi cả cổ đông lớn lẫn cổ đông nhỏ cùng lũ lượt “thoát hàng” thì nhân tố mới là PTI xuất hiện. Đơn vị bảo hiểm này liên tục gom mua cổ phiếu PHH. Tính từ thời điểm đầu tháng 6/2015 – khi có những thông tin bất lợi về khả năng bị hủy niêm yết của PHH, PTI đã liên tục mua vào và theo như thông tin từ BCTC hợp nhất quý 3/2015, tính đến thời điểm 30/09, PTI đang nắm giữ 1,941,100 cp, tương đương 10.72% của PHH.
Cùng với động thái này, đến đầu tháng 11/2015, HĐQT PTI đã thông qua việc xin ý kiến cổ đông mở rộng nội dung, phạm vi kinh doanh trong giấy phép thành lập và hoạt động của PTI, cụ thể là bổ sung ngành nghề “kinh doanh bất động sản”. Bên cạnh đó, PTI cũng kiến nghị bổ sung thêm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT.
Trước đó, đầu tư bất động sản cũng không hẳn là lĩnh vực quá xa lạ với PTI. Trong danh mục các công ty liên doanh, liên kết của PTI, chiếm tỷ trọng lớn nhất là CTCP BĐS Bưu Điện với tỷ lệ nắm giữ 49%, tương đương 88.2 tỷ đồng. Đáng chú ý là mặc dù chỉ nắm giữ 49% cổ phần nhưng tỷ lệ lợi ích của Công ty mẹ PTI tại BĐS Bưu Điện đạt hơn 95%. Ngoài ra, PTI cũng ưu ái đầu tư hơn 61 tỷ đồng vào các dự án kinh doanh BĐS qua BĐS Bưu Điện (theo BCTC hợp nhất quý 3/2015 của PTI).
Danh sách các công ty liên doanh, liên kết của PTI
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2015
|
Thêm nữa, nhờ việc phát hành riêng lẻ 30 triệu cp cho đối tác chiến lược là Công ty TNHH Bảo hiểm Dongbu (Hàn Quốc) đã giúp PTI thu về hơn 1,000 tỷ đồng, tiềm lực của PTI nếu muốn rẽ sang lĩnh vực BĐS không phải là điều khó.
Trong khi, chi tiết sử dụng vốn từ số tiền “khủng” thu được vẫn chưa được HĐQT công bố cụ thể. Hiện tại, số tiền này đang nằm trong 2 khoản mục chính là đầu tư tài chính ngắn hạn và đầu tư dài hạn khác, trong đó chủ yếu dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn.
Bảng CĐKT tóm tắt khoản mục tài sản của PTI tại thời điểm 30/09/2015 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2015 PTI
|
“Nước cờ” liệu có mạo hiểm?
Việc các tập đoàn, công ty lớn đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là lĩnh vực BĐS không phải chuyện xưa nay hiếm nhưng hầu như đó đều là câu chuyện của nhiều năm trước, trong bối cảnh hiện tại, động thái của PTI có vẻ đang đi ngược lại xu thế chung.
Cần hiểu rằng, đầu tư BĐS là một quá trình dài hơi mà không phải doanh nghiệp nào đầu tư tay ngang cũng hái quả ngọt. Những câu chuyện của Kinh Đô (KDC), FPT hay cả cái tên nổi tiếng về BĐS như Hoàng Anh Gia Lai (HAG) phải dứt áo ra đi thông qua việc thoái vốn khỏi các dự án BĐS hay chuyển nhượng gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh này cho công ty con là những kinh nghiệm còn đó trên sàn chứng khoán.
Đối với KDC, sau khi đăng ký niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và nhận được luồng vốn dồi dào từ các cổ đông mới như VinaCapital hay Citigroup Global, Công ty đạt tốc độ tăng trưởng cao, cùng với đó là việc mở rộng đầu tư ngoài ngành ra nhiều lĩnh vực trong đó có BĐS. Tuy nhiên, đến năm 2008 khi thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung rơi vào khủng hoảng, suy thoái, KDC không tránh khỏi tình cảnh bi đát với khoản lỗ hơn 85 tỷ đồng do trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư ngoài ngành, trong khi hàng năm ghi nhận lãi hàng trăm tỷ đồng.
Để cứu vãn tình hình, giai đoạn 2008 – 2011, KDC tiến hành tái cơ cấu Công ty với động thái thoái vốn khỏi hầu hết các dự án bất động sản và các khoản đầu tư không hiệu quả nhằm tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh bánh kẹo. Những năm sau đó, HĐKD của KDC bắt đầu có chuyển biến tích cực và đạt được kết quả như hiện nay.
KQKD của KDC trong giai đoạn từ 2007 - 2010 (Đvt: Triệu đồng)
|
Hay như với trường hợp của FPT, việc “dứt áo ra đi” đối với lĩnh vực BĐS cũng một phần liên quan đến kết quả không như kỳ vọng. Theo BCTC của Công ty năm 2008, FPT đã ghi nhận khoản lỗ tới gần 20 tỷ liên quan đến lĩnh vực BĐS, trong khi những năm sau đó thông tin chi tiết về hoạt động của công ty này cũng không được công bố cụ thể.
Đến năm 2012-2013, hai cái tên là FPT Land và Tháp Láng Hạ, những công ty con trong lĩnh vực kinh doanh BĐS mặc dù đã từng nắm giữ dự án có vị trí đắc địa như 89 Láng Hạ cũng chịu cảnh “âm thầm” biến mất khỏi FPT.
Không có gì đảm bảo chắc chắn việc đầu tư tay ngang của PTI sẽ thành công hay thất bại, nhưng với một doanh nghiệp làm bảo hiểm, kinh nghiệm về lĩnh vực này chưa nhiều có thể thấy đây là một “nước cờ” không hề dễ dàng.
PHH đang thực hiện 3 dự án bất động sản. Dự án Khu đô thị mới Tứ Hiệp tại Tứ Hiệp – Thanh Trì – Hà Nội đã hoàn thành hệ thống hạ tầng cho toàn khu với tổng diện tích 167,414 m2. Trong đó, khởi công 2 tòa nhà cho cán bộ, công chức của Bộ Tài chính; 3 tòa nhà ở xã hội để bán và cho thuê trong năm 2014. PHH đang xin chuyển đổi từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội đối với 3 tòa nhà khác trong khu đô thị.
Dự án Tòa nhà văn phòng 407 Nguyễn An Ninh (diện tích đất 647m2) tại Vũng Tàu đã được cấp phép xây dựng. Còn dự án xây dựng khu nhà ở cho CBCS Cục Công tác chính trị Bộ Công An tại Tây Mỗ đang trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết./.
|
|