Nợ xấu ngân hàng 9 tháng đầu năm ra sao?
Với tinh thần triệt để xử lý nợ xấu để đưa về dưới mức 3% kể từ 30/09/2015, tỷ lệ nợ xấu tại phần lớn các ngân hàng đã giảm đáng kể so với đầu năm. Tuy nhiên, tình hình nợ có khả năng mất vốn vẫn tăng mạnh tại nhiều ngân hàng.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (BID) đang ôm “cục nợ” có khả năng mất vốn (nhóm 5) lên đến 5,630 tỷ đồng, tăng 72% so với đầu năm 2015. Đó là chưa kể đến khoản nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) cũng không thua kém bao nhiêu với hơn 5,100 tỷ, đẩy tổng nợ xấu của BIDV tăng 32% lên hơn 11,900 tỷ đồng. Đồng thời, nợ quá hạn của ngân hàng cũng ngất ngưởng gần 23,100 tỷ, trong đó nợ quá hạn trên 3 tháng hơn 6,400 tỷ đồng.
Nợ có khả năng mất vốn của Ngân hàng Ngoại thương VN – Vietcombank (VCB) cũng vừa vượt ngưỡng 4,900 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm, còn nợ quá hạn hơn 9,300 tỷ đồng. Tại Ngân hàng Công thương VN – VietinBank (CTG), nợ quá hạn hơn 8,600 tỷ, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 30% lên 2,685 tỷ đồng.
Với quy mô và con số tuyệt đối nhỏ hơn nhưng tốc độ tăng nợ có khả năng mất vốn tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nổi trội hơn cả với hơn 1,560 tỷ đồng, cao gấp 3 lần hồi đầu năm.
Nợ xấu của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2015
ĐVT: tỷ đồng
|
Trong 9 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã mạnh tay sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Đi đầu là Vietcombank đã dùng hơn 4,000 tỷ đồng dự phòng để bù đắp tổn thất các khoản cho vay. Vietcombank cũng giảm nguồn dự phòng hơn 2,600 tỷ và BIDV dùng gần 1,900 tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Tại VPBank và ACB, các khoản này đều vượt trên 1,000 tỷ đồng.
Đặc biệt, một lượng không nhỏ nợ xấu đã được chuyển sang tay Công ty quản lý tài sản (VAMC) như tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN – Eximbank (EIB) có đến hơn 6,300 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, tăng 33% so với đầu năm. Còn tại VPBank, trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành cũng tăng 30% lên hơn 5,100 tỷ đồng. Khoản này tại Vietcombank và Techcombank lần lượt hơn 3,900 tỷ và 3,700 tỷ đồng, đặc biệt là của Vietcombank cao gấp đôi so với đầu năm 2015.
Tích cực đẩy và xử lý nợ xấu, cộng thêm việc tốc độ tăng trưởng tín dụng ở hầu hết các ngân hàng đều ở mức cao nên tỷ lệ nợ xấu đã giảm đáng kể so với thời điểm đầu năm.
Trong đó tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tại Ngân hàng An Bình (ABBank) giảm mạnh từ 4.51% về 2.53%, Ngân hàng Quân đội (MBB) cũng giảm từ 2.73% về 1.72% hay Ngân hàng Á Châu (ACB) từ 2.18% xuống còn 1.51%.
Riêng trường hợp của VPBank tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng từ 2.54% lên 2,93%, hay tăng từ 2.03% lên 2.39% tại SHB và lên 2.17% đối với BIDV. Trong đó tăng trưởng cho vay khách hàng tại VPBank đặc biệt cao với gần 37% so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng tại BIDV và SHB cũng không hề thấp và đạt lần lượt 24% và 18%.
Nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng từ tháng 1/2015 là 3.49% tăng lên 3.72% vào tháng 6/2015. Tỷ lệ nợ xấu đã về dưới 3% từ tháng 9/2015 theo đúng mục tiêu đề ra.
Theo thông tin từ báo chí, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý hơn 424 ngàn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91% tổng số nợ xấu ước tính tại tháng 9/2012). Trong đó xử lý bằng cách bán nợ cho VAMC chiếm 41%, và phần còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng cách sử dụng dự phòng rủi ro, thu hồi nợ...
|
|