Nhựa Rạng Đông: Cú lột xác đầy bất ngờ và câu chuyện thâu tóm của vị Chủ tịch
Hơn 1 năm sau khi rời khỏi vòng tay SCIC đến với ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch HĐQT, CTCP Nhựa Rạng Đông (HOSE: RDP) đã thể hiện một hình ảnh vô cùng lạc quan, lợi nhuận tăng mạnh, thị giá cổ phiếu lên cao nhất kể từ khi niêm yết. Cú lột xác này đến từ đâu?
Lãi tăng trưởng mạnh do đâu?
Còn nhớ vào quý 2/2014, RDP đã trưng ra một bức tranh kinh doanh khá ảm đảm với quý báo lỗ lần đầu tiên kể từ khi niêm yết (lỗ ròng 3.5 tỷ đồng). Giai đoạn 2012 – 2014, để thực hiện mục tiêu mở rộng thị phần, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, RDP phải hy sinh lợi nhuận khiến cho mặc dù doanh thu tăng trưởng nhưng lãi ròng luôn giảm.
Đến 9 tháng đầu năm 2015, diễn biến tại đây đã hoàn toàn đảo ngược, doanh thu tuy đi ngang nhưng lãi ròng vọt tăng 433% khi đạt 46 tỷ đồng. Soi kỹ báo cáo kết quả kinh doanh, nguyên nhân được xác định là do giá vốn cùng chi phí bán hàng, chi phí quản lý giảm đáng kể và trong quý 3 RDP thực hiện thanh lý các khoản đầu tư đem về lợi nhuận khác 3.6 tỷ đồng.
Nguyên nhân sâu xa hơn là sự kiện nhà máy Nhựa Tiên Sơn – Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng đi vào hoạt động đầu năm 2015, dự án được lên kế hoạch từ năm 2011 nhưng mới được đẩy mạnh trong năm 2014. Đây là nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm bao bì mềm (màng co PE…), tôn ván nhựa phục vụ ngành công – nông nghiệp – thực phẩm. Nhà máy Nhựa Tiên Sơn được coi là bước đệm cho việc tấn công ra thị trường khu vực phía Bắc, đồng thời khi đi vào vận hành sẽ giúp Công ty tiết kiệm nhiều chi phí trước những thay đổi trong quy định vận tải. Ngoài ra, giá dầu thế giới trong xu hướng giảm thời gian qua cũng góp phần giúp RDP giảm chi phí đầu vào.
Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, diễn biến thị giá cổ phiếu RDP trên thị trường chứng khoán cũng kích thích nhà đầu tư không kém. Trong một năm qua, thị giá RDP đã tăng 81% từ 16,000 đồng/cp lên mốc 29,000 đồng/cp, mức cao nhất kể từ khi niêm yết.
Diễn biến thị giá cổ phiếu RDP từ ngày niêm yết đến nay
|
Hành trình thâu tóm của vị Chủ tịch
Nhựa Rạng Đông xuất thân là doanh nghiệp Nhà nước, chỉ mới chính thức được tư nhân hóa hoàn toàn khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái xong hơn 6.2 triệu cp, ứng với 43.36% vốn của RDP vào cuối tháng 08/2015.
Đối tượng mua lượng cổ phiếu trên là 3 cổ đông lớn của RDP gồm bà Nguyễn Thị Hương Giang, ông Nguyễn Hoàng Ngân và ông Huỳnh Minh Đoan với khối lượng mua lần lượt 1.5 triệu, 2.2 triệu và 2.5 triệu đơn vị tại mức giá trần 15,800 đồng/cp (phiên 28/08/2014). Theo đó, tổng số tiền SCIC thu về từ thương vụ thoái vốn là gần 100 tỷ đồng. Sau giao dịch, tổng sở hữu của 3 cá nhân trên đã chiếm 59.33% vốn RDP, trong đó, bà Giang nắm 19.61%, ông Ngân 19.47% và ông Đoan 20.25%.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm nắm giữ hai trong ba cá nhân trên đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng cổ phiếu RDP sở hữu sang cho ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Cụ thể, trong hai ngày 06-07/07/2015, ông Lam đã mua thành công gần 5.8 triệu cp theo phương thức thỏa thuận, trong đó đến 5.3 triệu cp là mua từ ông Huỳnh Minh Đoan và bà Nguyễn Thị Hương Giang.
Diễn biến này cũng không quá bất ngờ khi tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, HĐQT trình và cổ đông đã thông qua việc để ông Lam sở hữu tối đa 65% số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện chào mua công khai. Bên cạnh đó, danh sách HĐQT cũng đánh dấu sự xuất hiện của hai thành viên mới họ Hồ là ông Hồ Đức Dũng (con ông Lam) và ông Hồ Phi Hải. Bản thân ông Hải cũng nhiều lần đăng ký mua cp RDP với khối lượng lớn nhưng giao dịch thành công rất ít, hiện đang sở hữu 713 ngàn cp, ứng với tỷ lệ sở hữu gần 5% vốn.
Như vậy, tính đến hiện tại ông Lam đã sở hữu 9.2 triệu cp, ứng với tỷ lệ 64.74% và trở thành nhân vật có quyền chi phối mọi hoạt động của RDP. Được biết, ông Lam đã có 30 năm gắn bó và 10 năm ở cương vị Tổng giám đốc Nhựa Rạng Đông, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ 2012 – 2017. Bên cạnh đó, ông cũng là anh trai của ông Hồ Quỳnh Hương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bóng đèn Điện Quang (HOSE: DQC).
Ngoài ra, ông Hồ Phi Hải – Thành viên HĐQT RDP cũng là Phó Tổng giám đốc Nhựa thiếu niên tiền phong phía Nam, công ty liên doanh liên kết của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP). Hiện tại, Nhựa thiếu niên tiền phong phía Nam đang sở hữu 4.15% vốn của NTP (đơn vị này muốn sở hữu nhiều hơn nữa cổ phiếu NTP nhưng do cung trên thị trường quá ít nên không thực hiện được mong muốn).
Bước đi sau đổi chủ
Tuy cơ cấu cổ đông thay đổi lớn nhưng chủ nhân mới của Nhựa Rạng Đông cũng chính là vì Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc đã gắn từ lâu với công ty. Do vậy, những bước đi mới của RDP hậu cơ cấu cổ đông vẫn là kế thừa và phát huy.
Về mặt sản phẩm, dòng hàng bao bì và giả da tiếp tục được đẩy mạnh, mục tiêu nâng tỷ trọng lên trên 70% cơ cấu doanh thu (năm 2015 đặt mục tiêu tỷ trọng 2 nhóm sản phẩm này là 33%). Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Công ty có kế hoạch nâng doanh thu xuất khẩu từ 67 tỷ năm 2014 lên hơn trăm tỷ năm 2015, chiếm 7% trong cơ cấu doanh thu. Đặc biệt, dòng sản phẩm giả da cao cấp chuyên phục vụ cho ngành trang trí nội thất du thuyền được xuất khẩu sang Mỹ có tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân 20% qua mỗi năm.
Về mặt đầu tư, năm 2015 RDP dự chi 171.7 tỷ đồng để triển khai các hạng mục máy móc thiết bị bổ sung cho năng lực hiện tại và thực hiện dự án di dời nhà máy tại 190 Lạc Long Quân. Nguồn để thực hiện kế hoạch đầu tư 2015 sẽ từ thanh lý khu đất tại Bình Dương, dự án tại 190 Lạc Long Quân và số vốn còn thiếu huy động từ ngân hàng.
Trần Việt
|