[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ JVC: Giai đoạn khó khăn nhất đã qua?
Đại diện JVC cho biết giai đoạn khó khăn nhất của JVC đã qua, vấn đề nguồn vốn từ các ngân hàng đã được giải quyết, trong khi dòng tiền từ các dự án và khâu bán vật tư tiêu hao tại thị trường nội địa đảm bảo cho JVC có dòng tiền ổn định qua từng tháng.
* ĐHĐCĐ JVC lần 1 bất thành: Dùng vốn phát hành để trả nợ do bị cưỡng chế
* ĐHĐCĐ JVC lần 2 bất thành: Nóng vấn đề dòng tiền
ĐHĐCĐ thường niên 2015 của JVC được tổ chức lần 3 vào sáng ngày 19/11 do 2 lần đầu không đủ điều kiện về tỷ lệ cổ đông tham dự. Tại Đại hội lần này, các cổ đông đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch 2015 giảm mạnh so với năm 2014 và thay đổi phương án sử dụng vốn từ đợt phát hành trước đó.
Bên cạnh đó, HĐQT của JVC đã bổ sung thêm 1 thành viên (trong số 2 người được đề xuất) và 1 thành viên BKS.
* 13h30: Đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình.
Theo biên bản kiểm phiếu bầu thành viên HĐQT và BKS của JVC, chỉ có bà Đỗ Thị Ngọc Hoa đủ điều kiện trở thành thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2011 - 2016. Bà Trịnh Thị Duyên chỉ được hơn 6% cổ phần biểu quyết nên không đủ điều kiện tham gia HĐQT.
Đồng thời, bà Phạm Thị Thanh Xuân cũng đã được Đại hội bầu vào vị trí thành viên BKS cho nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Như vậy, JVC sẽ có 6 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2011 - 2016.
* 12h30: Theo đề cử của HĐQT, 2 nhân sự mới sẽ được bầu vào HĐQT là bà Đỗ Thị Ngọc Hoa – hiện đang là Phó giám đốc phụ trách mảng sản phẩm, mua hàng và dự án của JVC và bà Trịnh Thị Duyên – hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Nguyệt Thảo.
Thành viên BKS được HĐQT đề cử là bà Phạm Thị Thanh Xuân – hiện đang là nhân viên kinh doanh của JVC.
Các quỹ lớn còn quan tâm đến JVC?
* 12h00: Đại hội chuyển qua phần biểu quyết
Cổ đông cho biết, theo tỷ lệ tham dự như hiện tại thì các quỹ lớn có tham gia ĐHĐCĐ thường niên lần 3 của JVC hay không? Và lý do tại sao các quỹ này không tham gia mặc dù HĐQT khẳng định rằng các quỹ đều quan tâm đến HĐQT của JVC?
Đại diện JVC cho biết, đúng là các quỹ lớn như quỹ DI không có mặt tại ĐHĐCĐ thường niên ngày hôm nay. Tuy nhiên, tại 2 lần đại hội lần trước DI đều có mặt và trong thời gian gần đây DI vẫn trao đổi thông tin thường xuyên với JVC. Trước phiên họp ĐHĐCĐ thường niên lần 3, quỹ DI cũng không có thông tin gì liên quan đến việc sẽ không tham dự, do đó việc DI vắng mặt tại buổi sáng hôm nay (19/11) có thể do lý do đột xuất. Sau phiên họp, JVC sẽ liên lạc lại với quỹ DI để có được thông tin chi tiết.
* 11h40: Đại diện Ban chủ tọa Đại hội lên tuyên bố kết thúc phần thảo luận để chuyển qua công việc tiếp theo, tuy nhiên các cổ đông có mặt không đồng ý và đề nghị tăng thêm thời gian thảo luận.
Một cổ đông tiếp tục cho ý kiến về việc thông tin trích ngang về ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch HĐQT hiện tại của JVC không được công bố đầy đủ, trong khi ông Giáp đang giữ 2 chức vụ chủ chốt của công ty là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Trên thực tế, tại ĐHCĐ thường niên, vai trò của ông Lê Văn Giáp chưa thể hiện thực sự rõ ràng. Ngoài việc đọc tờ trình khai mạc đại hội, ông Giáp chưa tham gia trả lời chất vấn của cổ đông. Toàn bộ các câu hỏi của cổ đông đều do bà Hồ Bích Ngọc – Kế toán trưởng đồng thời là thành viên HĐQT đứng ra trả lời.
Liên quan đến câu hỏi của cổ đông về lý lịch trích ngang của ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch HĐQT, đại diện JVC cho biết, ông Giáp từng là trợ lý, người hỗ trợ nguyên Chủ tịch Lê Văn Hướng tại thời gian trước đó. Ông Giáp từng có thâm niên làm việc hơn chục năm tại JVC, từng làm qua nhiều vị trí khác nhau của Công ty nên ông Giáp có thể hiểu được hoạt động, nắm bắt các mối quan hệ với khách hàng do từng là người thân cận với ông Lê Văn Hướng. Lợi thế của ông Giáp là mối quan hệ với khách hàng và các đối tác để thực hiện các dự án đang còn dang dở.
* 10h55: Đại hội tiến hành thảo luận.
Quý 3/2015 dự kiến có khoản lợi nhuận đột biến
Thực tế hoạt động kinh doanh của JVC qua 6 tháng đầu năm tính theo niên độ tài chính của JVC chỉ gần 4 tỷ đồng, chưa tới 5% cùng kỳ, trong khi tại ĐHĐCĐ thường niên lần 2 đại diện HĐQT có khẳng định về HĐKD của JVC sẽ tốt hơn. Nguyên nhân do đâu và liệu JVC có hoàn thành được kế hoạch năm?
Kết quả kinh doanh quý 2 chỉ còn gần 2 tỷ do JVC ghi nhận lỗ tỷ giá cao đột biến, điều này là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận của JVC giảm mạnh. Toàn bộ lợi nhuận và doanh thu trong 2 quý đầu năm của JVC đều đến từ doanh thu bán vật tư tiêu hao và dự án liên kết nên lợi nhuận đạt được không cao.
Việc hạch toán các dự án bán hàng từ các dự án lớn sẽ được JVC ghi nhận vào quý 3, theo đó quý 3/2015 JVC dự kiến có khoản lợi nhuận đột biến.
Với mức vốn chủ sở hữu hơn 1,800 tỷ đồng, JVC đề ra kế hoạch tổng doanh thu hơn 500 tỷ liệu có thừa vốn không bởi trước đó JVC đã đạt doanh thu hơn 1,000 tỷ, và nếu thừa thì JVC sẽ xử lý ra sao?
Đến thời điểm hiện tại, kế hoạch ưu tiên của JVC là tái đầu tư phát triển, mở rộng dự án liên kết và xe khám. Đây là định hướng phát triển của JVC hướng tới dài hạn. Khi dòng tiền ổn định JVC sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Hàng tồn kho và phải thu của khách hàng lớn do đâu? Hiện tại JVC có tình trạng đối tác chây ì không trả nợ hay không, HĐQT có thể nêu tên một số ‘con nợ” lớn của Công ty được không?
Vấn đề hàng tồn kho và phải thu của JVC cao do vấn đề quản trị vẫn còn yếu của JVC. Có trường hợp JVC nhập hàng về sớm hoặc chấp nhận cho khách hàng trả chậm để đảm bảo thực hiện các dự án và các dự án liên kết, điều này phát sinh khoản hàng tồn kho và phải thu lớn. Hiện tại, JVC không còn chấp nhận những biện pháp trả chậm, sau khi quyết toán dự án JVC đều yêu cầu đối tác thanh toán ngay.
Còn vấn đề một số doanh nghiệp hay đối tác cá nhân chây ì không trả nợ cho doanh nghiệp thì không xảy ra đối với JVC. Kinh doanh các thiết bị y tế có một số điểm đặc thù như nếu đối tác không thanh toán đúng hạn, JVC có quyền cắt vấn đề bảo hành, trong khi đây đều là những máy móc có giá trị lớn, do đó các đối tác thường thực hiện đúng hạn theo quy định, hoặc nếu không thể thanh toán đúng hạn đều có công văn xin gia hạn nợ hoặc xử dụng biện pháp thanh toán đều qua thời kỳ.
Hiện tại mục tiêu của JVC không phải nâng cao doanh thu hay lợi nhuận mà tập trung vào công tác quản trị, đảm bảo xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng để đảm bảo phát triển bền vững.
Liên quan đến danh sách các “con nợ” của JVC hiện tại thì hầu hết đều là các đại lý bán hàng cho công ty, một phần đến từ các số dự án liên kết lớn, tuy nhiên do đây là thông tin liên quan đến khách hàng nên HĐQT chỉ có thể chia sẻ riêng với cổ đông chứ không thể nêu tên một cách công khai. Tuy nhiên, HĐQT cũng khẳng định trong danh sách này không có cá nhân nào chiếm dụng vốn của JVC.
Kế hoạch kinh doanh của JVC thực tế không hợp lý, bởi nếu tính riêng phần thặng dư vốn chưa sử dụng hiện tại đem gửi ngân hàng với lãi suất như hiện nay đã mang lại cho JVC từ 20 tỷ - 30 tỷ đồng, vậy tại sao kế hoạch của Công ty chỉ 17 tỷ đồng?
Thực tế thì đúng như cổ đông tính toán, nếu đem khoản thặng dư vốn chưa sử dụng đi gửi ngân hàng cũng đem về cho JVC từ 20 – 30 tỷ đồng và năm 2016 cũng vậy. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì trong dài hạn sẽ không đem lại hiệu quả hoạt động kinh doanh như dự kiến. Hiện tại JVC đang đầu tư vào một số dự án mang tính dài hạn, các dự án liên kết, việc này sẽ mang lại dòng tiền trong tương lai cho JVC.
Như với trường hợp dự án liên kết tại Bệnh viên Bạch Mai, nếu đi vào hoạt động ổn định có thể đem về cho JVC trên 2 tỷ đồng/tháng, tính ra 1 năm cũng đạt trên 20 tỷ đồng.
Có thể thu xếp nguồn tiền mua cổ phiếu quỹ
Sau khi sự việc xảy ra vào tháng 6/2015, JVC có bị mất nhà cung cấp nào không? Và trong tương lai có khả năng này xảy ra hay không?
Đến thời điểm này, tất cả các nhà cung cấp của JVC đều tiếp tục hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với Công ty và chưa có nhà cung cấp nào quay lưng lại với JVC. Hiện tại cũng chưa có đối tác nào có động thái cắt đại lý, cung cấp thiết bị với JVC trong tương lai.
Hiện tại công nợ phải thu khách hàng của JVC là bao nhiêu?
Chiều ngày hôm qua (18/11), JVC đã cố gắng công bố BCTC quý 2 theo niên độ tài chính của Công ty, theo đó khoản phải thu của JVC tính đến 30/09 khoảng 400 tỷ, hàng tồn kho giảm xuống còn hơn 300 tỷ đồng.
Với máy móc của các dự án liên kết khi quá thời gian của dự án, JVC sẽ xử lý như thế nào?
Đối với các dự án liên kết, các máy móc thiết bị được sử dụng tại dự án này là tài sản của JVC. Trong trường hợp sau khi dự án kết thúc, các dự án triển khai từ 2002, 2003 đã được thay thế bằng thiết bị hiện đại hơn. JVC đồng thời cũng ký tiếp hợp đồng gia hạn. Sau vòng đời sản phẩm 12-13 năm, các bệnh viện có thể có nhu cầu sẽ được thay thế máy móc khác đảm bảo nhu cầu nâng cao của bênh viện.
Với máy móc cũ, JVC sẽ thực hiện chuyển các máy móc thiết bị này xuống tuyến dưới theo quy định của pháp luật hoặc thực hiện bán thanh lý tài sản.
Việc quản lý các dự án liên kết với các Bệnh viện được JVC xử lý như thế nào để đảm bảo không bị thất thoát?
Khi đầu tư liên kết tại Bệnh viên, JVC sẽ cử 1 nhân viên quản lý máy móc tại dự án. Hàng ngày nhân viên này sẽ đảm bảo kiểm soát số lượng người bệnh khám đối với các máy móc này.
Đối với các thiết bị của JVC, bộ phận kỹ thuật sẽ tiến hành kiểm tra lại các số liệu còn lưu tại bộ nhớ của máy, đảm bảo đối chiếu số liệu đối với người giám sát tại bệnh viện để không dẫn đến tình trạng thất thoát.
Bao giờ JVC sẽ thực hiện mua cổ phiếu quỹ?
Hiện tại JVC vẫn đang chờ UBCKNN phê duyệt, tuy nhiên UBCKNN cũng cho biết đang đợi ĐHĐCĐ thường niên 2015 của JVC được tổ chức thành công để phê duyệt vấn đề thay đổi phương án sử dụng vốn. Sau khi ĐHĐCĐ thường niên 2015 lần 3 tổ chức thành công, JVC kỳ vọng UBCKNN sẽ thông qua phương án mua lại cổ phiếu quỹ để Công ty có thể tiến hành thực hiện.
Nguồn tiền để JVC thực hiện mua cổ phiếu quỹ từ đâu?
Giai đoạn khó khăn nhất của JVC đã qua, vấn đề nguồn vốn từ các ngân hàng đã được giải quyết, trong khi dòng tiền từ các dự án và khâu bán vật tư tiêu hao tại thị trường nội địa đảm bảo cho JVC có dòng tiền ổn định qua từng tháng. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu JVC hiện nay chưa phản ánh được đúng giá trị công ty, việc dự kiến mua lại 5% theo tính toán của HĐQT sẽ khoảng 30 tỷ đồng, đây là số tiền JVC có thể thu xếp được.
Mục tiêu trước mắt là tái cấu trúc hoạt động kinh doanh
* 10h10: Ông Nguyễn Hữu Thắng - Trưởng BKS JVC trình bày trước Đại hội Báo cáo của BKS trong năm 2014.
* 9h40: Bà Hồ Thị Bích Ngọc – Kế toán trưởng, Thành viên HĐQT JVC trình bày trước cổ đông Báo cáo HĐQT năm tài chính 2014.
Bà Ngọc cho biết, trong năm 2014, doanh thu từ bán thiết bị vật tư chiếm khoảng 83% tổng doanh thu của JVC, trong đó bán thiết bị y tế chiếm 59% tổng doanh thu và chiếm 24% là bán vật tư tiêu hao. Trong đó thiết bị chuẩn đoán hình ảnh là sản phẩm kinh doanh chủ lực, công ty hiện đang chiếm khoảng 40% thị phần cung cấp loại thiết bị này ở Việt Nam.
JVC đang là nhà phân phối lớn nhất trong mảng chuẩn đoán hình ảnh, nhà phân phối độc quyền của Hitachi tại Việt Nam, bên cạnh một số thương hiệu khác như Fujifilm, Konica, Horizon…
Về kế hoạch kinh doanh cho năm 2015, JVC quyết định điều chỉnh kế hoạch 2015 giảm sâu so với 2014. Nguyên nhân được đưa ra là do JVC có nhiều biến cố trong năm 2015, đặc biệt là việc Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc JVC không còn quản lý nên đã ảnh hưởng đến khách hàng, doanh thu bán hàng bị sụt giảm, các dự án chuẩn bị triển khai bị hủy hoặc trì hoãn nên doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh. Hiện tại, mục tiêu trước mắt của công ty là tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, xây dựng chiến lược kinh doanh mới.
Một số dự án JVC đang thực hiện trong năm 2015 như: Triển khai lắp đặt, bàn giao thiết bị y tế tại Bệnh viện Việt Nam – Cuba; Hệ thống chụp cắt lớp vi tính tại Bệnh viện Phong – Da liễu Quy Hòa; Cung cấp thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa Lâm Thao – Phú Thọ; Nâng cấp thiết bị đầu tư liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai; Gói khám sức khỏe cho Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng và Cung cấp thiết bị chuẩn đoán hình ảnh cho Bệnh viện Nhân dân 115.
* 9h15: ĐHCĐ thường niên 2015 lần 3 của JVC có sự tham dự của 53 cổ đông đại diện 16.7 triệu cổ phần, tương đương 14.86% cổ phần có quyền biểu quyết
ĐHĐCĐ thường niên 2015 lần 3 của JVC được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 19/11.
|
TRƯỚC ĐẠI HỘI
Lời khẳng định đang… lung lay
Tại 2 lần tổ chức bất thành trước đó, HĐQT đã phải trả lời hàng loạt các câu hỏi được cổ đông nêu ra, trong đó vấn đề được quan tâm nhất là hoạt động kinh doanh của JVC sẽ ảnh hưởng như thế nào sau sự việc của nguyên Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng.
Riêng tại ĐHĐCĐ thường niên lần 2 tổ chức bất thành, liên quan đến câu hỏi về hoạt động kinh doanh trong quý 2/2015 của JVC, đại diện Công ty khi đó cho biết, cả 2 chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều hoàn thành tốt hơn quý 1/2015. Tuy nhiên, theo BCTC riêng mới được JVC công bố chiều ngày 18/11 (1 ngày trước khi đại hội lần 3 được tổ chức), kết quả lại không như kỳ vọng.
Theo BCTC riêng quý 2/2015 (niên độ kế toán 01/04 – 31/03) mới được JVC công bố, tổng doanh thu của Công ty giảm mạnh gần 60% cùng kỳ xuống 112.3 tỷ đồng. Lãi gộp ghi nhận vỏn vẹn hơn 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 84 tỷ đồng.
Do các khoản chi phí phát sinh trong kỳ đều tăng trong bối cảnh doanh thu giảm mạnh khiến lãi ròng quý 2 theo niên độ kế toán chỉ còn gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 63 tỷ đồng, đồng thời kết quả này cũng thấp hơn 15% so với quý 1/2015. Lũy kế 6 tháng đầu năm theo niên độ kế toán, JVC ghi nhận vỏn vẹn gần 4 tỷ đồng lãi ròng công ty mẹ, tương đương chưa tới 5% nếu so với kết quả 83 tỷ đồng cùng kỳ 2014.
Trong khi đó, theo tờ trình công bố tại Đại hội, HĐQT JVC đã quyết định điều chỉnh kế hoạch 2015 giảm sâu so với 2014. Doanh thu dự kiến 2015 còn 501 tỷ đồng, tương đương 45% của năm 2014. Lãi trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 22 tỷ và 17.2 tỷ đồng, giảm hơn 92%./.
|