Thứ Sáu, 20/11/2015 18:11

Chứng khoán Tuần 16 – 20/11: Ồ ạt đổ tiền vào cổ phiếu đầu cơ!

Áp lực giảm điểm ở nhóm cổ phiếu Large Cap với trọng tâm là VNM đã kéo VN-Index giảm điểm. Mặc dù vậy, giao dịch thị trường diễn ra không quá nhàm chán nhờ dòng tiền đầu cơ tiếp tục hoạt động sôi nổi. Đây cũng là động lực chính giúp thị trường lấy lại sắc xanh trong phiên cuối tuần.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 16 – 20.11.2015

Giao dịch: Đà giảm nới rộng trước áp lực điều chỉnh ở nhóm Large Cap. Các chỉ số thị trường kết thúc trái chiều trong tuần qua. Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần giao dịch giảm 1.11% đứng tại 604.46 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần gần như đứng yên khi chỉ tăng nhẹ 0.02% đang dừng ở 81.59 điểm.

VS-Large Cap là nhóm giao dịch tiêu cực nhất trong tuần qua khi giảm 0.96%. Trong khi đó các chỉ số như VS-Small Cap, VS-Mid Cap, và VS-Micro Cap vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng nhẹ lần lượt 1.09%, 1.04% và 0.80%.

Thanh khoản thị trường tiếp tục gia tăng tích cực trong tuần qua nhưng chủ yếu đến từ sự sôi động của nhóm cổ phiếu nóng. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE tăng 7.4% so với tuần trước và đạt gần 638 triệu đơn vị; trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh tăng 18.3% với hơn 226 triệu cổ phiếu.

Áp lực điều chỉnh tiếp tục hiện diện trên thị trường. Lực bán tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu Large Cap như VNM, MSN, BVH, CTG, VCB, BID...và ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số. Trong đó, đà giảm mạnh của VNM là nguyên nhân chính kéo lui chỉ số VN-Index trong hầu hết các phiên giao dịch. Áp lực bán ra ở VNM đến từ cả khối nội và khối ngoại.

Trái với diễn biến èo uột ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt, giao dịch ở nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục diễn ra sôi động. FLC, OGC, JVC, FIT, GTN, SHI, SCR, SHN, VHG, GTN, SHA… là những cổ phiếu thu hút mạnh nhất dòng tiền trong tuần qua. Nhờ giao dịch tích cực ở nhóm cổ phiếu đầu cơ mà tâm lý của giới đầu tư cũng như giao dịch của thị trường diễn ra không quá tiêu cực.

Phiên giao dịch cuối tuần đánh dấu sự hồi phục trở lại của thị trường. Trong đó việc nhóm cổ phiếu trụ cột ngừng rơi đã tạo động lực cho sắc xanh xuất hiện trở lại. Tâm điểm giao dịch của thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu đầu cơ với trọng tâm là nhóm cổ phiếu Bất động sản – Xây dựng. Đà tăng mạnh ở một số cổ phiếu như ITA, KBC, DXG, PVX, IJC, LCG, NLG... đã kích thích sự hưng phấn của giới đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng 210 tỷ đồng trên cả hai sàn (đã loại bỏ giao dịch thoả thuận). Hoạt động bán ròng của khối ngoại đã phần nào ảnh hưởng lên các chỉ số khi họ bán mạnh ở hai mã dẫn dắt thị trường là MSN và VNM. Tuy vậy, hoạt động bán ròng này không mấy ảnh hưởng lên tâm lý giới đầu tư nhờ giao dịch sôi động của nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Trên HOSE, khối ngoại bán ròng tổng cộng 141 tỷ đồng. Trong đó, họ bán ròng mạnh nhất là ở MSN với 219.5 tỷ đồng, kế đến là VNM với 53 tỷ đồng, HSG với 36.8 tỷ, KDC với 28.6 tỷ đồng… Về phía mua ròng là các mã như DLG với 82 tỷ đồng nhưng chủ yếu thông qua giao dịch thoả thuận. Tiếp theo là VIC 32.9 tỷ, DPM 32.5 tỷ, BID 26.9 tỷ…Nếu loại bỏ giao dịch thoả thuận đột biến ở DLG thì khối ngoại bán ròng tổng cộng 223 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ 13 tỷ đồng. Giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở PVC với 6.9 tỷ đồng, VCS 4.8 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở PVS với 6.2 tỷ đồng EBS với 4.2 tỷ.

Cổ phiếu đáng chú ý: Dù thị trường giảm điểm nhưng số ngành tăng vẫn chiếm ưu thế với sắc xanh hiện diện ở 11/20 nhóm ngành. SX Nhựa-Hoá chất, Sản phẩm Cao su và SX Thiết bị Máy móc là những ngành tăng điểm mạnh nhất trong tuần qua với mức tăng lần lượt 3.56%, 3.29% và 2.96%. Ở chiều ngược lại, Chế biến Thuỷ sản, Thực phẩm-Đồ uống và Bán lẻ là những ngành giảm điểm mạnh nhất với 3.03%, 2.71% và 2.69%. Ngân hàng là nhóm ngành nóng duy nhất giảm điểm khi mất 1.57% trong khi đó các ngành nóng còn lại như Xây dựng, Chứng khoán, Khai khoáng và Bất động sản đã lấy lại sắc xanh với mức tăng lần lượt 2.03%, 0.39%, 0.15% và 0.07%.

Các cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là DRH với 22.22%, OGC với 15.63% , JVC với 13.21%; trên sàn HNX là ACM với 25.58%, SHN với 22.69% .

DRH tăng 22.22%. Thông tin CT HĐQT của DRH đã hoàn thành việc bán toàn bộ 5.49 triệu cổ phiếu DRH được công bố trong ngày 16/11. Nhiều khả năng thông tin này đã giúp giải toả tâm lý e ngại cho giới đầu tư và kích thích dòng tiền vào lại cổ phiếu này trong tuần qua.

OGC tăng 15.63%. OGC không đón nhận thông tin mới liên quan đến HĐKD trong tuần qua. Nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ tiếp tục đổ vào cổ phiếu này sau khi KQKD quý 3 hết sức ấn tượng.

JVC tăng 13.21%. JVC tăng mạnh bất chấp KQKD quý 2 (niên độ kế toán 01/04 – 31/03) không mấy tích cực. Cụ thể, lãi ròng quý 2 chỉ còn gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 63 tỷ đồng, đồng thời kết quả này cũng thấp hơn 15% so với quý 1/2015. Lũy kế 6 tháng đầu năm theo niên độ kế toán, JVC ghi nhận vỏn vẹn gần 4 tỷ đồng lãi ròng công ty mẹ, tương đương chưa tới 5% nếu so với kết quả 83 tỷ đồng cùng kỳ 2014. Do đó, nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ vẫn đang hoạt động ở cổ phiếu này trong tuần qua.

ACM tăng 25.58%. Dòng tiền đổ mạnh vào DHM trong tuần qua sau khi cổ phiếu này đón nhận KQKD quý 3 có diễn biến tích cực hơn. Cụ thể, lãi ròng quý 3 của ACM đạt gần 15.9 tỷ đồng, tăng 1.6 lần so với quý 2/2015.

SHN tăng 22.69%. Việc SHN kiếm được khoản lợi nhuận khủng 175 tỷ đồng chỉ sau 6 ngày đầu tư đã thúc đẩy dòng tiền đầu cơ nhanh chóng trở lại cổ phiếu này trong tuần qua. Cụ thể, Nghị quyết HĐQT thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 6,569,000 cp của CTCP Sapa Hưng Yên với giá 42,000 đồng/cp, tương đương tổng giá trị thu về gần 276 tỷ đồng. Đáng chú ý là khoản đầu tư này mới được SHN chi ra gần 100 tỷ đồng để mua vào ngày 11/11/2015, tức là chỉ cách đây 6 ngày.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là DQC giảm 19.72%; trên HNX là HKB giảm 25%.

DQC giảm 19.72%. DQC giảm mạnh sau khi công bố KQKD quý 3 kém tích cực trong tuần qua. Cụ thể, trong quý DQC ghi nhận 279.3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 33% so với quý 3/2014. Lãi ròng cổ đông công ty mẹ hụt 73% chỉ còn đạt 27.6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, DQC ghi nhận 619 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng 131 tỷ đồng, giảm 26%.

HKB giảm 25%. HKB giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát lãi ròng quý 3 khá thấp chỉ vỏn vẹn 211 triệu đồng.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

 

 

 

 

 

 

 

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật