Thứ Hai, 23/11/2015 13:33

Bức tranh sáng màu với kết quả lãi của nhiều doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm

Bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có vẻ sáng sủa hơn trong 9 tháng đầu năm 2015 với số lượng doanh nghiệp có lãi vượt trội hơn hẳn so với phần báo lỗ còn lại và tổng lãi mang về cũng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Với 644 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX (trừ các loại hình ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm), có đến 88% doanh nghiệp báo với tổng lãi gần 63,300 tỷ đồng lãi (khoảng 10 DN chưa công bố BCTC quý 3/2015), cao hơn so với mức quanh 50,000 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Số còn lại gần 70 doanh nghiệp báo lỗ 9 tháng đầu năm 2015 với tổng lỗ hơn 1,600 tỷ đồng (9 tháng đầu năm 2014, tổng lỗ của các doanh nghiệp khoảng 1,500 tỷ đồng). Xét trong số các doanh nghiệp báo lãi thì chỉ có khoảng 30% giảm lãi so với cùng kỳ năm trước.

Đứng đầu về lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm vẫn là gương mặt thân quen của các "ông lớn". Đó là Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) với lãi sau thuế hơn 7,730 tỷ đồng, là CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM) với gần 5,870 tỷ hay CTCP KIDO (KDC) có lãi tăng vọt lên hơn 5,100 tỷ đồng nhờ ghi nhận kết quả từ việc bán mảng bánh kẹo (Kinh Đô Bình Dương – BKD) cho đối tác nước ngoài. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối tháng 9/2015 của GAS cũng lên đến hơn 11,200 tỷ đồng.

Đáng chú ý có kết quả đột biến của OGC sau hàng loạt các sự cố và thua lỗ trước kia. Mặc dù hoạt động kinh doanh chính chưa thực sự tạo được ấn tượng nhưng OGC ghi nhận lãi đầu tư cổ phần, cổ phiếu 1,686 tỷ đồng trong quý này giúp doanh thu tài chính tăng lên 1,676 tỷ đồng. Trong kỳ, OGC đã thực hiện chia tách CTCP Đại dương Thăng Long thành hai công ty gồm CTCP Đại dương Thăng Long và CTCP Ngôi Sao Xanh (Blue Star) và chuyển nhượng toàn bộ 68.2% vốn (41.6 triệu cổ phần) tại Blue Star cho CTCP Vincom Retail. Nhờ đó, lãi sau thuế trong 9 tháng đầu năm của OGC đẩy lên gần 1,480 tỷ đồng, cao gấp 10 lần cùng kỳ năm 2014. OGC cũng đang bán hàng loạt các dự án, tài sản như StarCity Center Trần Duy Hưng, có thể tiếp đó là StarCity Hotel Trần Khánh Dư (Hà Nội), hay OGC cũng cho biết sẽ bán dự án Lega Fashion House và CTCP Máy tính và Truyền thông Việt Nam (Vietcom) để trả nợ (trường hợp chưa trả xong nợ này sẽ bán tiếp Công ty đầu tư THT Việt Nam - THT).

Top các doanh nghiệp dẫn đầu về LNST chưa phân phối, LNST và tăng trưởng LNST
ĐVT: tỷ đồng
(HSG: niên độ tài chính 01/07-30/09)

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2015, rất nhiều doanh nghiệp đạt tăng trưởng cao về kết quả kinh doanh so với cùng kỳ năm trước. Trong số này có Khoáng sản Bắc Kạn (HNX: BKC), Khai thác & Chế biến Khoáng sản Bắc Giang (HOSE: BGM) hay Tổng công ty ĐT PT Nhà & Đô thị Nam Hà Nội (HNX: NHA) với mức tăng trưởng hàng chục lần. Ngoài những gương mặt nổi trội như KDC hay OGC nhờ những khoản thu ngoài hoạt động chính còn có CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) đạt lãi sau thuế hơn 1,160 tỷ đồng, cao gấp 6 lần cùng kỳ năm trước (có tính đến chi phí phân bổ tài sản vô hình 379 tỷ đồng). Kết quả của MSN có sự đóng góp chủ yếu từ Nutri-Science (công ty con mới nhất của Tập đoàn) cộng thêm sự tăng trưởng trong mảng kinh doanh bia.

Hay như Xi măng Hà Tiên 1 (HOSE: HT1) có lãi sau thuế 535 tỷ đồng, cao gấp 6 cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng tiêu thụ tăng trong khi giá thành xi măng giảm so với 9 tháng đầu năm 2014. Lãi sau thuế của Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HOSE: HHS) cũng cao gấp 6 lần cùng kỳ với gần 420 tỷ đồng. Đầu tư Cầu đường CII (HOSE: LGC) sau khi chính thức về một nhà với ĐT Hạ tầng Kỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh (HOSE: CII) báo lãi 9 tháng tăng đột biến từ 10 tỷ lên 340 tỷ đồng.

Bên cạnh những gam màu tươi sáng, trong bức tranh kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm còn pha lẫn một phần mảng tối với những khoản lỗ, những sụt giảm trong kết quả lợi nhuận thu về. Điển hình có XNK Thủy sản An Giang (HOSE: AGF) chỉ lãi gần 2 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm, sụt giảm so với khoản lãi gần 75 tỷ đồng cùng kỳ năm trước (riêng quý 3/2015 lỗ gần 5 tỷ đồng) trong khi doanh thu mang về hơn 1,700 tỷ đồng. Về kết quả này, AGF cho biết trong kỳ Công ty gánh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá đối với khoản vay bằng ngoại tệ, đồng thời chi phí sản xuất của AGF tăng trong khi giá bán sản phẩm ở thị trường xuất khẩu giảm so với cùng kỳ. Khó khăn không chỉ đến với AGF mà còn cả với nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực thủy sản như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC – đã hủy niêm yết) với lãi sau thuế 9 tháng chỉ gần 13 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ và bằng 1% kế hoạch năm; hay Hùng Vương (HVG) giảm lãi 74% xuống còn 118 tỷ đồng.

Một gương mặt trong nhóm thủy điện là CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (HOSE: BTP) cũng giảm mạnh lãi 97% cùng kỳ xuống còn hơn 3 tỷ đồng. BTP cho biết nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty là tác động từ việc đánh giá chênh lệch tỷ giá từ các khoản vay bằng ngoại tệ. Ngoài ra, doanh thu trong kỳ của BTP sụt giảm đáng kể cũng ảnh hưởng đến lãi gộp là lãi sau thuế thu về cuối cùng.

Top doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ trong 9 tháng và giảm LNST
ĐVT: tỷ đồng

Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp thua lỗ trong 9 tháng đầu năm nay. Những khoản lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng như Vận tải Biển Việt Nam (HOSE: VOS), Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) hay Than Mông Dương - Vinacomin (HNX: MDC).

Trong đó, giá vốn của VOS vượt doanh thu mang về khiến Công ty lỗ gộp gần 10 tỷ đồng. Chi phí tài chính của VOS cũng tăng mạnh lên 218 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay 107 tỷ đồng), thu nhập khác từ bán tàu như năm trước không còn đã đẩy Công ty vào tình cảnh thua lỗ. VOS cũng giải thích thêm nguyên nhân rằng số tàu và trọng tải đội tàu của Công ty đều giảm đã tác động đến kết quả kinh doanh trong kỳ.

Còn với SMC, Công ty cho biết dù sản lượng thép bán ra trong quý 3/2015 tăng nhưng do giá cả thị trường vẫn tiếp tục giảm làm cho biên lợi nhuận thấp và lợi nhuận thuần giảm mạnh. Ngoài ra, chi phí tài chính của Công ty cũng tăng cao do ảnh hưởng khá lớn từ việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8/2015 ghi nhận vào trong chi phí lãi vay và chi phí nợ thanh toán.

Với Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX), mặc dù báo lãi gần 20 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nhưng lỗ lũy kế vẫn còn cao, âm đến hơn 3,000 tỷ đồng. Hay như OGC mang về kết quả đột biến trong quý 3/2015 nhưng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vẫn còn âm gần 840 tỷ đồng, bên cạnh đó là “người anh em” Khách sạn và DV Đại Dương (HNX: OCH) cũng âm 850 tỷ đồng. Còn lỗ lũy kế của VOS đã lên đến hơn 420 tỷ đồng./.

Các tin tức khác

>   TRC: Giải trình KQKD HN và Cty mẹ quý 3,2015 so với cùng kỳ năm trước (23/11/2015)

>   MHC: Biên bản và Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2015 (23/11/2015)

>   Vinalines: 6 tháng đầu năm lỗ ròng hơn 105 tỷ đồng (23/11/2015)

>   ĐHĐCĐ bất thường MEC: Sáp nhập công ty con, vốn điều lệ giữ nguyên (25/11/2015)

>   Kết quả kinh doanh năm 2014 của các “ông lớn” Nhà nước (23/11/2015)

>   TVC: 30/11 GDKHQ nhận cổ tức tỷ lệ 6% và mua cp phát hành tỷ lệ 2:1 (24/11/2015)

>   FLC: Giải trình sai sót trên KQKD HN quý 3.2015 (23/11/2015)

>   C47: Nhắc nhở cẩn trọng trong việc lập BCTC và CBTT (23/11/2015)

>   Sau thanh tra, STU nộp thêm hơn 29 triệu đồng tiền thuế (24/11/2015)

>   LTC: Lãi ròng quý 3 hơn 350 triệu đồng (23/11/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật