Xóa nợ thuế: Đáng báo động về cách giải quyết kiểu "hòa cả làng"
Sáng nay (27/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Theo đó, doanh nghiệp nhà nước thuộc danh sách sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà hiện có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế thì được xem xét xóa nợ thuế ở mức để giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp tại thời điểm thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại.
Bên cạnh đó, với những doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu mà khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giao bán, khoán, cho thuê cơ quan có thẩm quyền chưa xác định số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt này.
Để có một góc nhìn đa chiều về việc thực hiện miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhà nước, VietnamPlus đã tổng hợp lại một số ý kiến nổi bật của các đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phùng Quốc Hiển: Luật thuế giá trị gia tăng và Luật quản lý thuế mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung tại Luật số 71/2014/QH13, hiệu lực thi hành ngày 01/01/2015 và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi hiện nay chưa đến thời điểm hiệu lực thi hành (01/01/2016), nay Chính phủ tiếp tục đề nghị sửa đổi là chưa thực sự hợp lý, dẫn đến thiếu ổn định trong chính sách về thu ngân sách.
Do vậy, đề nghị Chính phủ cần đánh giá tổng thể các luật về thuế và sửa đổi toàn diện các nội dung của từng luật thuế trình Quốc hội xem xét khi đủ điều kiện.
Về xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp nhà nước, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là doanh nghiệp nhà nước thuộc danh sách cổ phần hóa, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc quy định như Dự thảo luật sẽ dẫn đến trường hợp các doanh nghiệp hiện nay chưa đến thời điểm thực hiện cổ phần hóa, cố tình chây ì, chậm nộp tiền thuế để tăng số nợ thuế lớn hơn số lỗ lũy kế của doanh nghiệp hoặc cố tình không kê khai số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp để được hưởng chính sách xóa nợ thuế của Nhà nước.
Vì vậy, chỉ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp nhà nước trong khoảng thời gian được giới hạn trước ngày 31/12/2015, không nên quy định trong luật thành một chính sách thường xuyên. Đây là nội dung mang tính cá biệt, nên đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp của doanh nghiệp nhà nước và bổ sung vào Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai): Việc xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp nhà nước chỉ là “thủ pháp cho việc đã rồi” mà không thấy ai có trách nhiệm trong việc này.
Có thể thấy, chỉ khi xảy ra vấn đề thì chúng ta tìm cách giải quyết nó theo kiểu hòa cả làng và việc sử dụng tiền bạc của quốc gia như thế này là điều đáng báo động.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đang trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đang trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Tôi chưa đồng tình lắm trong vấn đề xóa nợ. Trước đây, chúng ta nhiều lần giải quyết công nợ theo kiểu này. Do đó, tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp có hoạt động phục vụ cho mục tiêu mà Chính phủ giao không trả được thì nhà nước có trách nhiệm phải trả. Đối với những doanh nghiệp kinh doanh thì rõ ràng không thể xóa nợ được...
Về nguyên tắc, doanh nghiệp nhà nước hiện nay là trách nhiệm hữu hạn, trừ khoản nợ nhà nước bảo lãnh thì các khoản nợ khác doanh nghiệp phải trả và nếu cần thì thực hiện theo Luật phá sản và các quy định này đã có trong tất cả các đề án mà Chính phủ phê duyệt cho từng Tổng công ty, doanh nghiệp.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình): Theo tôi, khi kinh tế chưa khủng hoảng, cả nước có hơn 600.000 doanh nghiệp nhưng sau khủng hoảng chỉ còn lại hơn 400.000 doanh nghiệp, do vậy việc hỗ trợ là hết sức cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải bình đẳng, bởi lẽ doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều lợi thế hơn trong khi doanh nghiệp cổ phần, tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu việc giảm thuế đối với doanh nghiệp nhà nước làm trước, các doanh nghiệp khác làm sau thì cũng là một cách.
Hiện đã hội nhập sâu với thế giới thì những tồn tại cũ cũng cần làm gọn lại để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển và bước vào trận địa mới, nhất là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ở phía trước.
Quảng - Hiền
VIETNAM+
|