World Bank nâng dự báo tăng trưởng GDP 2015-2016 của Việt Nam
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 của Việt Nam lên 6.2%, cao hơn 0.2% so với mức dự báo 6% đưa ra hồi tháng 4.
World Bank cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP 2016 của Việt Nam lên 6.3%, tăng 0.1% so với mức dự báo trong tháng 4 là 6.2%.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương công số sáng 05/10, World Bank cho biết các quốc gia nhập khẩu hàng hóa như Việt Nam sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, thậm chí là mạnh mẽ.
Trong báo cáo, ngân hàng này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP 2015-2016 của các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) đồng thời cho rằng đà giảm tốc mạnh tại Trung Quốc và tác động tiềm tàng từ khả năng nâng lãi suất của Mỹ đã khiến triển vọng khu vực này trở nên mờ mịt.
World Bank kỳ vọng các quốc gia EAP, bao gồm Trung Quốc, sẽ tăng trưởng 6.5% trong năm 2015 và 6.4% trong năm 2016, thấp hơn so mức ước tính 6.7% cho cả 2 năm 2015 và 2016 được đưa ra hồi tháng 4. Bên cạnh đó, dự báo tăng trưởng năm nay và năm tới cũng thấp hơn so với đà tăng trưởng thực tế 6.8% trong năm 2014.
Theo báo cáo của World Bank, Đông Á vẫn là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế thế giới, chiếm gần 40% tăng trưởng kinh tế toàn cầu. World Bank cho biết việc hạ dự báo tăng trưởng khu vực chủ yếu phản ánh sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Theo World Bank, tăng trưởng GDP của nước này có thể đạt 6.9% trong năm nay và 6.7% trong năm tới, thấp hơn so mức 7.3% trong năm 2014 và thấp hơn lần lượt so với dự báo trước đó là 7.1% và 7%.
World Bank cho biết, nếu không bao gồm Trung Quốc, đà tăng trưởng của Đông Á có thể duy trì ở mức 4.6% trong năm 2015 trước khi tăng tốc lên 4.9% vào năm 2016, lần lượt thấp hơn so với dự báo trước đó là 5.1% và 5.4%.
World Bank cho rằng triển vọng thu nhập hộ gia đình và lợi nhuận doanh nghiệp tại Indonesia và Malaysia khá ảm đạm trước sự yếu kém của các thị trường hàng hóa toàn cầu. Ngân hàng này cho biết tỷ giá thực thấp hơn là một yếu tố quan trọng có thể giúp các quốc gia xuất khẩu hàng hóa thích nghi với các điều khoản thương mại yếu hơn.
“Đà giảm giá của đồng rupiah Indonesia và đồng ringgit Malaysia so với đồng USD đã hạn chế sự sụt giảm doanh thu của các nhà xuất khẩu, lợi nhuận doanh nghiệp và thu nhập hộ gia đình tính bằng đồng nội tệ - một yếu tố giảm sốc hiệu quả”, World Bank cho biết.
Ngân hàng này cho biết thêm: “Nhìn chung, các nhà điều hành nên hạn chế can thiệp vào thị trường tiền tệ để làm giảm biến động do tầm quan trọng của việc duy trì nguồn vốn đệm một cách hợp lý”.
Theo World Bank, đà sụt giảm hơn nữa của các đồng tiền châu Á so với đồng USD có thể khiến bảng cân đối kế toán của các quốc gia có mức nợ đồng USD cao trở nên căng thẳng hơn.
Phước Phạm (Theo Bloomberg, Reuters)
|