Chủ Nhật, 25/10/2015 08:41

Vì sao vay tiêu dùng chưa phát triển?

Theo như thống kê của WB, chỉ số thẻ tín dụng trên đầu người hiện nay ở VN khoảng 1,5% so với mức 7% của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Con số này là minh chứng khá thuyết phục để khẳng định thói quen, văn hóa vay tiền tiêu dùng của người VN chưa cao.

Vậy tại sao ở một quốc gia có trên 90 triệu dân như VN kênh tài chính tiêu dùng lại khiêm tốn như vậy? DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính – ngân hàng xung quanh nội dung này.

Dù vậy, TS Cấn Văn Lực tự tin nhận định, thị trường sẽ phát triển mạnh hơn hiện nay vì kinh tế vĩ mô đang tăng trưởng tốt, thu nhập của người dân tăng, văn hóa tiêu dùng cũng đang dần thay đổi, người dân bắt đầu sử dụng các kênh cho vay tiêu dùng nhiều hơn. Những năm vừa qua việc phát hành, tần suất và doanh số sử dụng thẻ tín dụng của các NH tăng mạnh, đó là những động lực giúp cho thị trường tài chính tiêu dùng VN phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

– Vậy theo ông, đâu là lý do khiến một thị trường được xem là tiềm năng như VN nhưng tới giờ kênh tài chính tiêu dùng vẫn chưa thực sự phát triển?

Theo tôi có nhiều lý do, nhưng trước hết tôi muốn đưa ra một con số so sánh như sau: Ở nhiều quốc gia trong khu vực, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 15 – 25% tổng dư nợ. Những quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, cho vay tiêu dùng chiếm tới 40%, Australia là 60%. Tuy nhiên, ở VN hoạt động này mới chỉ chiếm khoảng 6% tổng dư nợ, đó là một con số rất nhỏ so với tiềm năng của thị trường nước ta. Hay như số lượng máy ATM, chi nhánh NHTM… tính trên đầu người vẫn thấp so với khu vực. Tôi cho rằng nguyên nhân chính là thói quen, hay nói đúng ra là văn hóa vay tiền tiêu dùng của người VN chưa cao.

Còn về chính sách hiện nay, theo tôi không có rào cản nào lớn, vì cho vay tiêu dùng hiện nay không thuộc diện phải hạn chế, thậm chí, cho vay tín chấp đang được khuyến khích.

Tôi xin nhắc lại là rào cản lớn nhất đối với thị trường tài chính tín dụng hiện nay là do thói quen vay tiêu dùng của người dân. Phần lớn người dân không vay tiêu dùng qua các kênh của NH hay Cty tài chính, mà chủ yếu là tích cóp nhiều năm, rồi vay bạn bè, người thân hoặc mua chịu. Đấy là vấn đề liên quan tới văn hóa chi tiêu, mà khi có liên quan tới yếu tố văn hóa thì cần thêm nhiều thời gian cùng với sự phát triển của xã hội, hội nhập quốc tế và động thái “kích cầu” của các định chế tài chính… mới thay đổi được.

– Dù vậy nhưng nhiều người tiêu dùng lại cho rằng lãi suất cao chính là “rào cản” khiến họ chưa tiếp cận được kênh cho vay tiêu dùng?

Thực ra, đã đi vay thì ai cũng mong muốn lãi suất tín dụng thấp, nhưng trên thực tế cần có những nhìn nhận công bằng. Cho vay tiêu dùng chủ yếu là vay tín chấp, thủ tục bây giờ rất nhanh gọn, đó là một ưu thế với khách hàng. Khi các khoản vay được giải quyết nhanh mà lại không cần tài sản thế chấp, trong khi rủi ro cao hơn thì khách hàng chịu mức lãi suất cao hơn là tất yếu.

Bên cạnh đó, lãi suất cao hay thấp còn phụ thuộc một số yếu tố đầu vào khác như lãi suất huy động, trích lập dự phòng rủi ro chung và riêng, chi phí hoạt động… của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính.

Riêng đối với các Cty tài chính không được huy động tiền gửi mà chỉ được phép phát hành trái phiếu và vay mượn từ các tổ chức thì đương nhiên với với nguồn huy động đầu vào của họ cao thì họ phải cho vay cao.

Rào cản lớn nhất đối với thị trường tài chính tín dụng hiện nay là do thói quen vay tiêu dùng của người dân.Chúng ta cần hiểu rằng, rủi ro cho vay tín chấp đối với các NH và Cty tài chính là rất lớn, vì thế đòi hỏi ý thức, tính tuân thủ trả nợ của khách hàng phải đảm bảo những nguyên tắc, điều khoản đã ký kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, như tôi đã nói, do ý thức, văn hóa vay tiêu dùng của một bộ phận người dân chưa cao, trong khi các chế tài xử lý về mặt pháp lý lại không đủ mạnh, các Cty tài chính xử lý nợ xấu chủ yếu dựa vào các mối quan hệ và thiện chí hợp tác của bên vay và các bên liên quan nên dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao, và thậm chí còn bị ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu. Trong khi đó ở các nước, thông tin của khách hàng đầy đủ, minh bạch, chính xác hơn; khả năng cưỡng chế và thực thi pháp luật tốt hơn rất nhiều; khi rủi ro xảy ra, pháp luật đứng về lẽ phải (bên chịu thiệt – trường hợp này là bên cho vay)… Đây cũng là khác biệt về rủi ro tín dụng giữa VN và quốc tế.

– Vậy theo ông, để thay đổi hiện trạng này, các cơ quan quản lý cần những chính sách gì?

Theo tôi, để thay đổi hiện trạng này thì không thể chỉ bằng sự nỗ lực của các NH và Cty tài chính, mà phải có sự vào cuộc của các Bộ, ngành liêu quan và cần được thực hiện đồng bộ. Ví dụ, để nâng cao nhận thức, hiểu biết về dịch vụ tài chính – NH, cần có sự phối hợp giữa hệ thống các tổ chức tín dụng và Bộ Giáo dục – Đào tạo và các cơ sở đào tạo, các hãng thông tin truyền thông… Ngoài ra, bản thân hệ thống các tổ chức tín dụng cũng cần công khai, minh bạch các hoạt động đối với cho vay tiêu dùng. Ví dụ như hệ thống chấm điểm, yêu cầu về thủ tục, phí đối với khách hàng cần được công bố rộng rãi hơn. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thủ tục, tăng tốc độ xử lý, tăng năng suất và tiết giảm chi phí…

Hay về mặt pháp lý, thực thi pháp luật, cần có sự vào cuộc của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, hệ thống Tòa án, chính quyền địa phương…; theo đó, phải làm rõ quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là các quyền cưỡng chế, xử lý tài sản đảm bảo, chuyển nhượng và mua-bán nợ của bên cho vay.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang thực hiện

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Nguyên tổng giám đốc ALC2 bị truy tố lần thứ 5 (24/10/2015)

>   EIB không còn người đại diện phần vốn góp tại STB (23/10/2015)

>   Quy định mới về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC (23/10/2015)

>   Nhiều ngân hàng tăng nhẹ tỷ giá, song cũng có ngân hàng giảm (23/10/2015)

>   "Nên có ủy ban giám sát mua ngân hàng 0 đồng” (22/10/2015)

>   Tái cơ cấu mạnh mẽ Eximbank và Sacombank (22/10/2015)

>   Quỹ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp được gửi tiền tại các ngân hàng tốt (22/10/2015)

>   Lãi suất huy động nhích lên (22/10/2015)

>   Thanh tra 12 công ty tài chính trên địa bàn TP.HCM (22/10/2015)

>   Lỗi tại trích lập dự phòng? (22/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật