Tỷ lệ nghèo lần đầu giảm xuống dưới 10%
Số lượng người nghèo đang giảm nhưng chưa hẳn đã là tin mừng.
"Đây là tin tốt nhất trên thế giới", ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), vui mừng khi công bố về tỷ lệ nghèo đói của thế giới hiện chỉ ở mức 9,6%.
Đây là lần đầu tiên tỷ lệ nghèo giảm xuống mức dưới 10%. Năm 1999, số người nghèo cùng cực trên thế giới chiếm tới 29%. Hiện, những người sống dưới chuẩn nghèo chủ yếu ở châu Á và khu vực Nam Sahara châu Phi. Chủ tịch WB cho biết, số người nghèo cùng cực trên toàn cầu giảm nhờ kết quả tăng trưởng khả quan của các nền kinh tế đang phát triển, gia tăng đầu tư cho giáo dục và y tế, cũng như mạng lưới an sinh xã hội giúp hàng triệu người thoát nghèo.
Báo cáo của WB được công bố trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới vừa thông qua chương trình nghị sự Phát triển bền vững toàn cầu năm 2030, trong đó có cam kết chấm dứt đói nghèo. Chương trình đề ra những mốc thời gian cụ thể như 800 tuần để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực ở tất cả mọi nơi trên Trái đất; 800 tuần để giúp 800 triệu người thoát khỏi nghèo đói...
Tuy nhiên, tin vui này làm dấy lên cuộc tranh luận về độ tin cậy của số liệu thống kê. Bởi vì, xác định số người nghèo là nhiệm vụ không dễ dàng. WB đưa ra con số này dựa trên các cuộc điều tra hộ gia đình tại các nước đang phát triển vài năm một lần.
Trong những năm giữa các cuộc điều tra, WB có thêm các khảo sát và thu nhỏ chúng bằng cách giả định rằng số phận của người nghèo được cải thiện theo tốc độ tăng trưởng của quốc gia. Nhưng thực tế, lợi ích của tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước đang phát triển thường đổ dồn cho nhóm người giàu có.
Chẳng hạn, tại hai nước đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc, bất bình đẳng ngày càng tăng trong những năm gần đây. Hay từ năm 1981 đến năm 2010, những người nghèo ở châu Phi cận Sahara không hề thấy thu nhập tăng ngay cả khi nền kinh tế mở rộng.
Trong công bố lần này, WB cũng thay đổi chuẩn nghèo mới, từ 1,25 USD/ ngày lên 1,90 USD/ngày. Đây là lần tiên kể từ năm 2005, WB nâng ngưỡng nghèo quốc tế. Sự thay đổi này nhằm đáp ứng với dữ liệu giá mới được thu thập bởi Dự án so sánh quốc tế (ICP). Các dữ liệu được sử dụng để tính toán sức mua tương đương (PPP) của mỗi quốc gia.
Theo Angus Deaton, người nhận giải Nobel kinh tế 2015, chuẩn nghèo mới, trong đó sử dụng dữ liệu giá cho năm 2011, phản ánh sự gia tăng giá cả trên toàn thế giới kể từ năm 2005. Sửa đổi PPP có thể gây ra biến động lớn về số người đói nghèo, chẳng hạn sửa đổi năm 2007 tăng gấp đôi tỷ lệ đói nghèo ở khu vực Đông Á.
Nếu nhìn vào chỉ số giá cả quốc gia hơn là PPP, thì một nửa dân số thế giới sống ở các quốc gia có thu nhập 1,90 USD mua được ít hàng hóa hơn so với 1,25 USD trong năm 2005, theo một bài báo của chuyên gia Sanjay Reddy của Trường Nghiên cứu xã hội New York. Các nhà kinh tế như ông Reddy nghi ngờ rằng phương pháp của WB đánh giá quá cao tỷ lệ giảm nghèo. Ví dụ, WB sử dụng dữ liệu thu nhập của một số quốc gia cao hơn so với tiêu thụ ở một mức giá khác nhau.
Dự án Tiêu thụ và thu nhập toàn cầu (GCIP) sử dụng dữ liệu về mức tiêu thụ trong tính toán số lượng người nghèo, cho thấy số người nghèo của WB từ 1990-2011 cao hơn khoảng 5%.
"Tăng trưởng kinh tế là yếu tố vô cùng quan trọng đối với giảm nghèo, nhưng lại không phải là yếu tố quyết định duy nhất", Francois Bourguignon, Chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Phó chủ tịch cấp cao về kinh tế phát triển của WB nhận định. Báo cáo này của WB đã đi vượt ra khỏi vấn đề tỷ lệ tăng trưởng và nghèo đói để đặt câu hỏi xem thu nhập được phân bố ra sao, y tế và giáo dục có được cải thiện không đồng thời đánh giá môi trường kinh doanh.
Những yếu tố này đều có ảnh hưởng đến chất lượng sống của con người. "Việc so sánh chỉ số nghèo đói qua thời gian vẫn còn là một vấn đề lớn", Francisco Ferreira, một thành viên của WB nói. Ủy ban này sẽ đề xuất thay đổi trong năm tới, trong đó tính toán số người nghèo cùng cực có thể bao gồm các dữ liệu về PPP.
Thụy Kha
dnsg
|