Thứ Ba, 06/10/2015 09:52

Thép Gia Sàng: Mất vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn “hạ cánh an toàn"?

Lỗ hàng trăm tỉ đồng, nạn “trộm nhà” gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng tại CTCP luyện cán thép Gia Sàng chủ tịch HĐQT Lê Văn Lợi - đồng thời là người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại GSS vẫn chưa được cơ quan chức năng “động đến”.

* CTCP Luyện cán thép Gia Sàng: Trước bờ vực phá sản

Mất trắng vốn đầu tư của Nhà nước

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Huy CTCP Thép Thái Nguyên từng cho biết: “TISCO đã đầu tư vào 2 công ty con, 2 công ty liên doanh liên kết và 6 khoản đầu tư dài hạn khác, đa phần các khoản đầu tư này đều không hiệu quả. Tình hình tài chính các công ty con, công ty liên kết gặp rất nhiều khó khăn với tổng số lỗ lũy kế đến 31/12/2014 là 100,7 tỷ đồng”.

Và công lớn “giúp” tình hình kinh doanh của CTCP thép Thái Nguyên ngày càng lún sâu là nhà máy Cán thép Gia Sàng – hiện nay là CTCP Luyện cán thép Gia Sàng (GSS) với khoản góp vốn của TISCO chiếm 40% vốn điều lệ.

Từng được ví là “cánh chim đầu đàn” của ngành thép Việt Nam sau giải phóng khi nhà máy cán thép Gia Sàng cho ra mẻ luyện thép đầu tiên vào đúng ngày 1/5/1975 – chào mừng sự kiện thống nhất đất nước, từng là doanh nghiệp thép có quy mô và công nghệ thuộc loại lớn và hiện đại nhất miền Bắc, GSS thời kỳ mới lại quay trở về tình trạng “tối đen như tiền đồ của chị Dậu”.

CTCP Luyện cán thép Gia Sàng

GSS tiến hành cổ phần hóa từ 1/1/2007 – bước đánh dấu chuyển đổi hoạt động thoát ra khỏi cơ chế 100% vốn Nhà nước sang đa sở hữu vốn của các cổ đông. Giá trị khoản góp vốn của Nhà nước do TISCO làm đại diện được điều chỉnh tăng thêm 11,35 tỷ đồng, được ghi nhận trong các Báo cáo tài chính của TISCO là 31,18 tỷ đồng – tương ứng 39,66% vốn điều lệ của GSS.

Chỉ sau vài năm báo lãi, kết quả kinh doanh của công ty thép Gia Sàng bước vào thời kỳ suy thoái khi  năm 2011 lỗ hơn 21 tỷ đồng, năm 2012 lỗ hơn 28 tỷ đồng. Đến hết năm 2012, công ty này lỗ lũy kế 106,7 tỷ đồng và đã ngừng sản xuất từ tháng 1/2013 đến nay.

Sau khi trừ đi khoản vốn góp của chủ sở hữu 50 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 5,1 tỷ và quỹ dự phòng tài chính 2,8 tỷ, vốn chủ sở hữu tại đây đã bị ghi nhận âm đến 48,6 tỷ đồng.

Thoái vốn nhà nước tại GSS?

Tình hình kinh doanh bết bát, nhà máy ngừng hoạt động khiến hơn 500 công nhân Thái Nguyên điêu đứng vì mất việc làm. Báo cáo của Chủ tịch HĐQT Lê Văn Lợi vào đại hội đồng cổ đông 2013 – cuộc gặp cổ đông gần đây nhất của GSS đã khiến nhiều người “chết lặng” vì con số nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ nhà cung cấp, nợ công nhân viên….

Đầu năm 2012 có 535 người, đến cuối năm chỉ còn 374 người với thu nhập bình quân 1,729 triệu đồng/người/tháng. Tổng quỹ lương của công ty năm 2012 trên 12,8 tỷ đồng nhưng vẫn đang nợ tiền lương của người lao động từ tháng 9/2012, nợ BHXH tỉnh 2,1 tỷ đồng.

Về vốn, ông Lợi cho biết trong năm 2012 chỉ đáp ứng 35% nhu cầu và hoàn toàn là vốn chiếm dụng của khách hàng. Trên thực tế, công ty không vay được vốn, dư nợ vay đến ngày 31/12/2012 là trên 51,6 tỷ đồng và hiện không có khả năng trả. Chưa kể, dù năm 2013 không hoạt động nhưng khoản chi phí hơn 37 tỷ đồng vẫn cần GSS phải trả.

Nhà máy thép Gia Sàng tạm dừng hoạt động từ năm 2013

Trước tình hình đó, ngày 23/12/2013, Bộ Công thương đã có văn bản số 11820/BCT trình Thủ tướng đề nghị thoái 40% vốn Nhà nước tại GSS. Tiếp đó, ngày 27/02/2014, Bộ tài chính tiếp tục có văn bản số 2480/BTC đề nghị Thủ tướng cho bán số vốn góp trên.

Tuy nhiên, đại diện cán bộ công nhân viên, số cổ đông nhỏ lẻ chiếm 20% vốn của GSS đã có văn bản đề nghị Thủ tướng chưa bán 40% vốn nhà nước – chỗ dựa cuối cùng để GSS khôi phục sản xuất, người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm.

Cho đến nay, theo báo cáo mới nhất mà ANTT.VN có được, tính đến 20/10/2014, cơ cấu vốn nhà nước tại GSS vẫn chiếm 40% vốn điều lệ.

Bắt Phó Tổng giám đốc “xẻ thịt” nhà máy

Ngoài việc yêu cầu Thủ tướng tạm dừng phương án thoái vốn nhà nước tại GSS, toàn thể cán bộ công nhân viên còn bức xúc về việc tài sản công ty liên tục bị thất thoát, mất cắp dưới quyền điều hành của ông Lê  Xuan Hộ – cổ đông sáng lập nhỏ lẻ duy nhất vào thời điểm công ty thép Gia Sàng tiến hành cổ phần hóa vào năm 2007.

Ông Lê Xuân Hộ khi đó nắm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT công ty thép Gia Sàng.

Ngày 11/11/2007, ông Hộ đã bị nhiều cổ đông trong công ty tố có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp để cho xe ô tô chở 1,13 tấn đồng, nhôm ra khỏi công ty với giá trị 100 triệu đồng mà không có hóa đơn, chứng từ xuất kho. Phải đến đại hội cổ đông năm 2009, các cổ đông yêu cầu chất vấn sự việc nhưng ban lãnh đạo chỉ xác nhận sự việc là có thật và HĐQT, BĐH đã họp kiểm điểm, chấn chỉnh.

Tiếp đến, ngày 8.1.2013 công nhân của công ty này phát hiện các thiết bị cơ điện, máy cán cùng toàn bộ các thanh cái bằng đồng của lò điện 3 và 4, dây dẫn điện bằng đồng bị mất trộm. Theo bảng tổng hợp do ông Lê Văn Lợi cùng đại diện các phòng bảo vệ, phòng KHKD lập ra vào ngày 16/01/2013 thì tổng giá trị tài sản bị mất trộm là 917 triệu đồng.

Mặt khác, theo các công nhân kỹ thuật, tổng khối lượng theo Danh mục chi tiết phải lên đến 6 tấn đồng – bán theo giá phế liệu vào thời điểm đó cũng được gần 10 tỷ đồng. Điều đặc biệt là với khối lượng tài sản lớn như thế, cần máy móc hỗ trợ trong khoảng thời gian 5-6 ngày liên tục tháo dỡ nhưng không có một cán bộ bảo vệ hay lãnh đạo nào phát hiện được.

Đơn tố cáo liên tục được gửi đi đến các cơ quan nhưng đến ngày 29/07/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh Thái Nguyên đã quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Xuân Hộ (tức Lê Xuân Động) về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 281 Bộ luật Hình sự để phục vụ công tác điều tra vụ án.

Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt tạm giam ông Lê Xuân Hộ

Hàng trăm công nhân Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã đến công ty chứng kiến cơ quan công an khám xét phòng làm việc của vị Phó Tổng Giám đốc này. Với họ, việc ông Hộ bị bắt giữ không phải là bất ngờ.

Vào ngày Khám xét tại nhà riêng và nơi làm việc của Lê Xuân Hộ, cơ quan điều tra đã thu giữ một khẩu súng ngắn dạng côn và nhiều tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án.

Người đại diện phần vốn Nhà nước chịu trách nhiệm gì?

Lỗ hàng trăm tỉ đồng, nạn “trộm nhà” gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng nhưng lãnh đạo công ty cụ thể là người có quyền hành cao nhất – chủ tịch HĐQT Lê Văn Lợi đồng thời là người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại GSS vẫn chưa được cơ quan chức năng “động đến”.

Theo khoản 1, điều 48, luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp thì người đại diện phần vốn nhà nước không được tiếp tục làm người đại diện khi thực hiện không đúng quyền, trách nhiệm được giao hoặc không còn đáp ứng tiêu chuẩn của người đại diện.

Bên cạnh đó, người đại diện phần vốn còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm gây tổn thất vốn nhà nước.

Hiện tại, ông Lê Văn Lợi bị miễn nhiệm nhưng trách nhiệm liên đới khiến phần vốn nhà nước bị mất trắng trong quá trình ông Lợi tại nhiệm chưa được làm rõ.

Hoa Liên

antt

Các tin tức khác

>   PSL: Ước lãi trước thuế 9 tháng đạt 43.5 tỷ đồng (06/10/2015)

>   S74: Điều chỉnh giảm 58% kế hoạch lợi nhuận 2015 (06/10/2015)

>   HAR: Giao dịch mua bán tài sản 80 tỷ đồng với người có liên quan HĐQT (05/10/2015)

>   NLG: Điều lệ công ty sửa đổi tháng 9 năm 2015 (05/10/2015)

>   BT6: Đầu tư XD và PT Tân Việt đã mua 32,190 cp (06/10/2015)

>   BFC: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 1 (05/10/2015)

>   FLC: Thành lập FLC Hoàng Long với vốn điều lệ 450 tỷ (05/10/2015)

>   PNC: Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2015 (05/10/2015)

>   LM8: Đăng ký thay đổi mô hình công ty và loại báo cáo tài chính (05/10/2015)

>   DCL: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua nội dung sửa đổi điều lệ công ty (05/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật